.

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ Tỉnh: Tạo môi trường an toàn cho người lao động

Cập nhật: 17:53, 01/05/2019 (GMT+7)

Nhân Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ, từ ngày 1-5 đến 31-5), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh xung quanh việc tăng cường các giải pháp ATVSTLĐ trên địa bàn tỉnh.

Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ năm 2018 tại một DN sản xuất đá xây dựng  trên địa bàn TX. Phú Mỹ.
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ năm 2018 tại một DN sản xuất đá xây dựng trên địa bàn TX. Phú Mỹ.

* Phóng viên: Đề nghị bà cho biết ý nghĩa của chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ là “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”.

- Bà Lê Thị Trang Đài: Người lao động (NLĐ) khi tham gia trực tiếp sản xuất trong môi trường lao động hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng NLĐ và tổn thất lớn cho DN. Vì vậy, việc đánh giá, quản lý rủi ro về ATVSLĐ giúp người sử dụng lao động, NLĐ tự phân tích, nhận diện nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc cho NLĐ. Từ đó, NLĐ có thể chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động, tạo môi trường bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá và hướng dẫn NLĐ tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước khi làm việc, thường xuyên trong quá trình lao động hoặc khi cần thiết. Riêng các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ phải được áp dụng bắt buộc và đưa vào nội quy, quy trình làm việc. 

* Các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc tổ chức đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ như thế nào, thưa bà?

- Qua thanh tra, kiểm tra tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy một số DN đã có sự quan tâm, đánh giá, quản lý rủi ro về ATVSLĐ, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, luyện cán thép. Những DN ở các lĩnh vực khác tuy chưa có đánh giá, quản lý rủi ro một cách bài bản, có hệ thống nhưng cũng đã thực hiện được một số nội dung liên quan đến công tác này như: Biên soạn nội quy, quy trình vận hành an toàn, thiết bị máy móc công nghiệp; Quan trắc môi trường lao động; Kiểm định thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ… Qua đó, nhằm hạn chế bệnh nghề nghiệp, tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. 

Tuy nhiên, để việc đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ hiệu quả cần phải có đơn vị hiểu sâu, đa dạng về các ngành, nghề sản xuất kinh doanh để tư vấn, quản lý rủi ro tại nơi làm việc để phục vụ cho các DN khi có nhu cầu.

* Bên cạnh việc tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, còn những giải pháp nào cần đẩy mạnh để ngăn ngừa và hạn chế tổn thất do tai nạn lao động, thưa bà?

- Hiện nay chúng ta đã có hệ thống các chính sách pháp luật về ATVSLĐ buộc các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động phải tuân thủ. Các đơn vị chấp hành tốt có thể ngăn ngừa và hạn chế tổn thất do tai nạn lao động. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và NLĐ, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý khi xảy ra sai phạm.

Từ nay đến cuối năm 2019, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại 96 DN. Riêng trong Tháng hành động vì ATVSLĐ, chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra tại 15 DN. Nếu phát hiện DN có hành vi vi phạm về an toàn lao động, ATVSLĐ, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh việc tuyên truyền nhắc nhở, giúp DN khắc phục các tồn tại trong thực hiện công tác ATVSLĐ còn tăng cường việc xử phạt mang tính răn đe đối với DN để tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho NLĐ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát về thực hiện ATVSLĐ của các tổ chức xã hội như MTTQ, tổ chức công đoàn… Điều quan trọng hơn, NLĐ cần chủ động tự bảo vệ mình bằng cách tuân thủ quy định, quy trình làm việc, nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn và sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân… 

* Xin trân trọng cảm ơn bà!

NHÃ UYÊN 

(thực hiện)

.
.
.