Có những người cực kỳ đểnh đoảng, vừa dặn trước đã quên sau. Dù rằng, “sự cố” xảy ra chẳng gì trầm trọng nhưng cũng dễ tạo ra những cuộc cãi vã không đáng.
“Trời đất! Anh ơi là anh. Anh đâu rồi?”. Vừa bước chân vào nhà, chị ngạc nhiên khi thấy nước lênh láng từ lầu hai chảy xuống hiên nhà, tràn luôn ra sân. Trong khi đó, máy bơm nước vẫn rền vang.
Chừng mươi phút trước, đang nấu nướng thức ăn nửa chừng lại thiếu dầu chiên, chị tranh thủ ra tiệm tạp hóa ngay đầu ngõ mua tạm. Trước khi đi, chị dặn dò: “Anh xem chừng máy bơm nước. Nước đầy nhớ tắt ngay. Nhớ bước xuống bếp xem cá đang chiên, lật lại, kẻo cháy khét. Nhớ đấy”. Tất nhiên, người chồng ngoan ngoãn gật đầu. Thế nhưng, sao lại xảy ra cớ sự thế này?
“Vậy “lão ta” biến đi đâu rồi. Hay đang ở trên lầu”, chị tự hỏi. Rồi gọi mãi nhưng chẳng hề thấy tăm hơi, mặt mũi đâu cả. Thì ra, lúc chị vừa bước chân ra khỏi nhà, ngay lúc đó, ông tổ trưởng dân phố gọi điện thoại rủ anh sang nhà làm ván cờ tướng trong lúc chờ cơm vợ nấu. Anh đi luôn và quên béng lời vợ dặn dò.
Với anh Dũng - bạn tôi có lẽ khó quên nhất là chuyện này: Sau ngày khai giảng của bé út được một tuần, vợ chồng anh được nhà trường mời đi họp phụ huynh. Nhận thư mời, anh xung phong đi ngay. Đang trên đường đến trường, Dũng nhận được tin nhắn của bạn bè rủ rê cà phê cà pháo. “Ừ, vào muộn một chút cũng chẳng sao”, Dũng tự nhủ. Vậy là anh ta đàn đúm theo nhóm bạn, tha hồ “chém gió” cho đến gần trưa.
Lúc giật mình xem đồng hồ, hoảng quá, anh quýnh quáng ba chân bốn cẳng chạy đến trường. Đến nơi đúng lúc các phụ huynh đang sôi nổi đóng tiền. Dũng đóng luôn, miễn là cầm được cái biên lai về “trình” cho vợ là “hoàn thành nhiệm vụ”. Hú vía, mọi việc cũng đâu vào đó. Nếu không, bị vợ cằn nhằn cũng mệt.
Về đến nhà, khi nhận tờ biên lai thu tiền từ tay chồng, cô vợ tròn mắt ngạc nhiên: “Ủa, cái Tún nhà mình đã lên lớp rồi mà anh”. Vậy hóa ra, lúc nãy anh ta vào họp nhầm lớp? Đúng thế, Dũng cứ tưởng bé út vẫn còn học lớp 6. Cô vợ khen cho một câu đến là hay: “Phải rồi anh đóng tiền giúp cho con của cô nào chứ gì. Nói thật đi anh”.
Như tôi biết, theo sự phân công của nhiều nhà thì việc mỗi sáng đưa con đi học do vợ đảm nhận, mỗi chiều rước con về thì không ai khác, chính là chồng. Sở dĩ “lên lịch” như thế vì cũng là một cách buộc “nửa kia” về nhà đúng giờ, nếu không, lúc tan sở lại sa đà vào bia bọt đàn đúm, chẳng nên chút nào. Vợ chồng bà chị tôi cũng có quy ước này. Khổ nỗi, thỉnh thoảng, chị lại than trời không phải chồng quên đón con mà “đi lạc” mất tiêu. Tôi ngạc nhiên quá: “Chị cứ đùa. Làm gì xảy ra chuyện ấm ớ đó”. Chị cười mà rằng: “Anh rể quý hóa của em lạc ở nhà ông bà nội chứ đâu”.
Chị kể, có lúc “xe anh bon bon trên dặm đường” trở về nhà, không ít lần đang đi nhưng nghe anh em bên nhà nội gọi điện thoại rủ bù khú thì có mặt ngay. Chẳng rõ vui say thế nào mà đến lúc rút lui sớm, chạy xe về nhà rồi, anh mới sực nhớ con vẫn còn ở nhà nội. Thế là phải quay ngược lại đón con. Cơm chiều của cả nhà bị trễ nải, mọi việc phải vội vội vàng vàng để kịp giờ đưa con đi học thêm.
Chuyện khác cũng rất vui. Lần nọ, đi siêu thị, tôi nghe loa phát thanh rõ to: “Ai là phụ huynh của bé “Cục vàng của mẹ” xin đến văn phòng ban quản lý ở lầu 1 để đưa cháu về nhà. Bé mặc áo màu xanh, quần trắng, chừng 8 tuổi”. Nghe “biệt danh” là lạ, ngộ nghĩnh nên tôi tò mò ghé đến xem sao. Lúc ấy, một cô bé đang đứng khóc bù lu bù loa. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, tôi mới thấy người mẹ chạy đến, bé mừng rỡ sà vào lòng. Câu đầu tiên chị hỏi bé: “Ba đâu”. Cô nhóc khóc tấm tức, trả lời không biết. Sau khi rối rít cám ơn ban quản lý, chị dẫn con về luôn.
Khi nghe người mẹ hỏi con “Ba đâu”, tôi suy luận ra vợ chồng họ dẫn con đi chung nên cô vợ mới hỏi câu đó. Ít lâu sau, tôi đã thấy từ đằng xa có một người đàn ông mặt mày hớt ha hớt hải đang chạy đến, vừa chạy vừa hét to: “Ba đây! Ba đây!”. Rồi anh xìu mặt như bánh tráng gặp mưa khi biết rõ sự tình. “Thể nào tôi cũng bị vợ mắng cho một trận nên thân”, anh ta thở dài. Tôi nghe nhân viên ban quan lý hỏi: “Nãy giờ anh đi đâu mà bỏ con bé một mình”. Anh ta phân bua: “À, trong lúc mẹ cháu xuống hàng thực phẩm thì ba con tôi lên tầng trên xem quần áo. Khi đi, ban đầu tôi còn nắm tay cháu, sợ lạc nhưng rồi…”. Tôi hiểu, lúc đó cả hai cha con họ “mạnh ai nấy đi” nên mới xảy ra cớ sự này.
Thế đấy, có những lúc sự đểnh đoảng, đôi khi chỉ do vô tâm vô tứ mà ra. Có một điều lạ, không dám “vơ đũa cả nắm”, chứ tôi nhận ra rằng, sự đểnh đoảng này thường rơi vào đấng mày râu hơn là phụ nữ. Sao lạ vậy ta? Mà dù có là giới nào đi nữa thì cũng cần “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, chứ nếu lặp đi lặp lại cũng phiền lắm đấy.
LÊ MINH QUỐC