Nghịch lý cung-cầu lao động

Thứ Ba, 23/04/2019, 16:45 [GMT+7]
In bài này
.

Tình trạng thiếu-thừa lao động tại Bà Rịa-Vũng Tàu là bài toán chưa có lời giải nhiều năm nay. DN có nhu cầu tuyển lao động các ngành kỹ thuật có tay nghề nhưng lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng. Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo nhân lực phải nhanh chóng thay đổi mang tính đột phá để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Đại diện DN tư vấn việc làm cho người lao động tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ II năm 2019.
Đại diện DN tư vấn việc làm cho người lao động tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ II năm 2019.

NGHỊCH LÝ THIẾU-THỪA

Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của 25 DN tham gia tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ II năm 2019 do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ngày 20-4 tại TX. Phú Mỹ cho thấy, trong 4.958 lao động DN cần tuyển, lao động kỹ thuật chiếm 51%. Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, qua thống kê các phiên giao dịch việc gần đây cho thấy nhu cầu tuyển dụng của DN thiên về lao động kỹ thuật. Trong khi nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật chiếm trên 50%, nhu cầu tuyển lao động trình độ CĐ, ĐH chỉ chiếm từ 2-5%. Theo các nhà tuyển dụng nghịch lý hiện nay là BR-VT đang thừa lao động khối văn phòng, lao động phổ thông nhưng lại thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cho những ngành nghề trong định hướng phát triển của tỉnh. 

Thiếu nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật đang là khó khăn lớn của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đình Triều, phụ trách công tác tuyển dụng Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) cho biết, nhà máy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn, đang cần tuyển hơn 200 lao động, trong đó có 20 lao động kỹ thuật có tay nghề. Các vị trí cụ thể gồm: kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, công nhân vận hành máy, công nhân bảo trì… mức lương chính thức từ 8-10 triệu đồng/tháng. Từ tháng 2-2019 tới nay, nhà máy đã đăng thông tin tuyển dụng lao động nhưng vẫn không tuyển được người. Do khan hiếm nguồn lao động kỹ thuật, nhà máy ưu tiên tuyển sinh viên mới ra trường và chấp nhận tuyển lao động chưa có tay nghề vào để đào tạo thêm.

Trong khi đó, Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu cũng luôn có nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật cao. Để bảo đảm sản xuất, năm 2019 công ty cần tuyển 130 lao động kỹ thuật nhưng chưa tuyển đủ người. Các vị trí công ty đang cần tuyển gồm: Thợ lắp kết cấu, thợ hàn CO2, thợ hàn ống, thợ lắp ống… Bà Phạm Thị Thu Hà, cố vấn tuyển dụng Công ty TNHH Vard Vũng Tàu cho biết, dù công ty đã thông báo tuyển lao động từ đầu năm 2019 nhưng tới nay chỉ mới tuyển được 30 lao động. Thực tế, nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật của các DN nhiều dẫn tới sự cạnh tranh trong tuyển dụng khiến cầu vượt cung của các trường đào tạo nghề và khan hiếm lao động là khó tránh. 

GỠ NÚT THẮT

Trong số các nguyên nhân khiến cung-cầu lao động chưa gặp nhau phải kể tới lực lượng lao động tại BR-VT đang thiếu trầm trọng. Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH cho biết, mỗi năm các DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 lao động. Trong khi, nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng chưa tới 50%. Tính riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm có gần 3.000 SV tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng (nhóm kỹ thuật chiếm 64%), khoảng 2.000 trình độ sơ cấp. 

Định hướng của tỉnh là tập trung phát triển dịch vụ công nghiệp, logistics, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Vì thế, nhu cầu lao động kỹ thuật, nhất là kỹ thuật cao rất lớn nhưng khả năng cung ứng còn hạn chế. Đó là chưa kể, số người học còn ngại học các ngành kỹ thuật vì ngại lao động nặng nhọc. “Thực tế, nhiều em khi vào trường học chủ động xin chuyển sang các nghề nhẹ nhàng hơn như sửa chữa ô tô, kế toán... Theo tôi, vấn đề mấu chốt hiện nay là cần tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn cho HS. Làm thế nào giúp các em hiểu về định hướng những ngành nghề tỉnh đang cần và khả năng có việc làm, thu nhập tốt sau khi học để quyết định nghề sẽ học rất quan trọng. Để làm được điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng liên quan và cần sự vào cuộc quyết liệt nhằm tăng hiệu quả trong đào tạo nghề”, ông Triều nhận định.

Khó khăn nữa là hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, các kênh giới thiệu việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập thông tin về cung-cầu lao động. Đặc biệt là sự tương tác về thông tin thị trường lao động còn thấp dẫn tới kết nối cung-cầu lao động, kết nối việc tìm người, người tìm việc chưa cao nên việc sử dụng thông tin về thị trường lao động chưa hiệu quả. Theo ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thông tin về thị trường lao động hiện người lao động chỉ lướt xem qua, còn tương tác rất ít. Người lao động chưa chủ động trong việc tìm hiểu những thông tin thị trường mình đang cần. Ngoài ra, mỗi năm BR-VT giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 12.000 lao động nhưng số lao động quay lại thị trường chỉ từ 1.000-2.000 lượt người. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.