- Chiều qua đi làm về thấy nhiều người dừng lại mua cờ, tôi lại thấy bức xúc.
- Người ta mua cờ về treo nhân ngày lễ 30-4 và 1-5, ông bức xúc là sao?
- Bức xúc một số người chưa tôn trọng đúng mức lá Quốc kỳ thiêng liêng của Tổ quốc.
- Quả có chuyện đó! Đi một vòng các huyện, thị, thành phố, thấy một số nhà dân, công sở-nhất là cái “cổng chào” của mấy khu phố, lá Quốc kỳ cứ treo “lưu cữu” hết ngày này đến ngày khác, mặc cho nắng mưa. Nhiều lá cờ phai màu, có lá bị rách, bẩn, trông rất nhếch nhác. Mà sao ông nặng lòng về chuyện này?
- Ngày xưa cha tôi dạy rằng, Quốc kỳ đâu phải chỉ là miếng vải đỏ đơn thuần, cũng như Quốc ca đâu phải chỉ là một bài hát. Đó là những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Vì thế, phải đứng trang trọng tôn nghiêm mỗi khi chào cờ. Cho dù đang đi trên đường, gặp một lễ chào cờ phải đứng lại giở nón ra nghiêm trang, đợi khi nào chào cờ xong mới được đi tiếp. Khi khi thấy cờ Tổ quốc bị ngã hoặc rơi, phải nâng lên tức khắc. Tôi luôn làm theo lời cha dặn và nặng lòng vì thế.
- Hỏi vậy thôi chứ tui cũng nặng lòng như ông vậy. Việc treo cờ thể hiện ý thức và lòng yêu nước của mỗi người dân. Mấy bác ở phường, khu phố nên nhắc nhở bà con không treo những lá cờ bạc màu, cũ, may không đúng kích thước, quy cách.
- Không thể để tái diễn tình trạng “phơi” Quốc kỳ lâu ngày trong nắng mưa, dẫn đến phai màu, sờn rách hoặc bị cuốn vướng vào cây, dây điện. Cơ quan, đơn vị, hộ dân nào treo cờ không đúng quy định phải bị phê bình và xử phạt.
HẢI LĂNG