Theo thống kê sơ bộ của ngành LĐTBXH, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ (CTK) và có chiều hướng gia tăng khi số trẻ đến khám và được chẩn đoán tại các bệnh viện ngày càng nhiều. Hiện nay, y học thế giới chưa có phương pháp điều trị CTK. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, CTK sẽ được cải thiện đáng kể.
Cô Đinh Thị Nhung, GV Trường MN Ngôi nhà hạnh phúc (TP. Vũng Tàu) dạy trẻ tự kỷ làm quen với con số. Ảnh: Khánh Chi |
ĐỐI DIỆN SỰ THẬT
Bé P.Đ.Q. (3 tuổi), con trai chị T.T.H. (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Vũng Tàu) sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Khi bé được 22 tháng tuổi, chị H. phát hiện con có nhiều triệu chứng lạ như: Không tập trung, không giao tiếp bằng ánh mắt, đi nhón chân, hay ăn vạ, quấy phá… Chị đưa con đến khám tại Khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 2) và được bác sĩ chẩn đoán con mắc CTK. Dù rất sốc nhưng chị nhận ra rằng, cần phải can thiệp sớm để cải thiện tình hình. Vì vậy, nghe ai mách ở đâu có phương pháp điều trị hay, chị đều tìm đến. Chị còn nghỉ việc để đưa con đi điều trị khắp nơi từ Nam ra Bắc. “Con tôi chưa biết nói nên tôi sốt ruột, nôn nóng. Vì vậy, tôi cho con đến các lớp can thiệp trẻ mắc CTK được vài tháng mà không có tiến triển là lại chuyển con đến chỗ khác”, chị H. cho hay. Tuy nhiên, tình trạng của con chị H. vẫn chưa được cải thiện.
Cũng có con bị tự kỷ, nhưng chị T.T.X. (đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu) lại lựa chọn phương pháp can thiệp khác. Chị X. tâm sự, khi con 2 tuổi, chị phát hiện con có nhiều biểu hiện không bình thường, hay hoảng loạn khi gặp người lạ, nói không rõ nghĩa, hành vi không đúng hoàn cảnh, gọi không quay lại… Bác sĩ kết luận con bị tự kỷ, chị tỏ ra khá bình tĩnh đón nhận vì đã tìm hiểu về chứng này. Chị X. kiên trì cho con học tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (TP. Vũng Tàu) đã hơn ba năm nay. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của các giáo viên và sự hợp tác của gia đình, đến nay con chị X. (5 tuổi) đã nói rõ ràng, biết đọc các chữ số, chuyển biến về nhận thức… Chị X. nói: “Khi biết con bị mắc CTK, tôi không giấu người thân, bạn bè. Tôi muốn mọi người cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của con để hạn chế sự kỳ thị, phân biệt đối xử với con. Tôi biết, trẻ tự kỷ cần phải được điều trị lâu dài và kiên trì. Mỗi khi thấy con tiến bộ, dù là điều nhỏ nhất, tôi cũng đã vui lắm rồi”.
Trẻ mắc CTK cần được tham gia các hoạt động, giao tiếp với bên ngoài. Trong ảnh: Trẻ mắc CTK ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An tham gia trò chơi nhảy bao bố. |
CẦN ĐƯỢC CAN THIỆP SỚM
Chia sẻ thông tin về CTK với các phụ huynh có con bị hội chứng này tại TP. Vũng Tàu ngày 31-3, bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh, Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí (Bệnh viện Chấn thương và phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến CTK ở trẻ là do di truyền và yếu tố sinh học, cùng sự tác động của các độc tố trong môi trường, mẹ bị bệnh khi mang thai. Trẻ mắc CTK thường có những biểu hiện: Kém giao tiếp, không tương tác mắt với mẹ, không quan tâm mẹ và người xung quanh, không biết người quen hay người lạ, chậm phát triển ngôn ngữ, không có khả năng phát triển ngôn ngữ, nói nhại lời, không chơi với bạn, không nhận biết được đồ dùng theo đúng chức năng… Khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, phụ huynh cần đưa con đến khám tại chuyên khoa để tìm biện pháp can thiệp và hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Minh cũng khẳng định, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có phương pháp khoa học nào chữa trị dứt điểm CTK ở trẻ. Do vậy, để trẻ cải thiện tình trạng tự kỷ cần phối hợp nhiều biện pháp. Trong đó, quan trọng nhất, phụ huynh cần tìm cho trẻ một môi trường học tập ổn định ở các trường chuyên biệt. Bởi ở đây, nhà trường có giáo án riêng, phương pháp giảng dạy và can thiệp, hỗ trợ cho từng em cụ thể. Mặt khác, trẻ mắc CTK thường có nhiều biểu hiện đi kèm như mất ngủ, tăng động, giảm chú ý, động kinh… thì cần có thêm phương pháp điều trị hỗ trợ y khoa bằng cách uống thuốc để trẻ hạn chế các biểu hiện trên. Song song đó, phụ huynh cũng cần quan tâm, chia sẻ về vấn đề tâm sinh lý, giúp trẻ giảm căng thẳng, lo âu.
Theo bà Lê Thị Chính Lan, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An, trẻ mắc CTK theo học tại trung tâm có 2 cuốn giáo án, một cuốn học trên lớp và một cuốn học ở nhà. Mỗi em là một trường hợp cụ thể, nên trung tâm phải xây dựng cho mỗi em bộ giáo án riêng biệt. Ngoài học trên lớp, khi về nhà, phụ huynh cần bám sát giáo án để hỗ trợ, giáo dục con em mình. Hơn nữa, phụ huynh nên cho con tham gia các hoạt động, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa để các em xây dựng mối quan hệ và phát triển ngôn ngữ. “Tự kỷ ở trẻ em không thể chữa trị dứt điểm, nhưng bằng nhiều biện pháp can thiệp, hỗ trợ lâu dài, tình trạng được cải thiện tích cực. Phụ huynh không nên sốt ruột, tạo áp lực cho giáo viên và các em. Trẻ tiến bộ từng chút cũng thể hiện được sự cố gắng của các con. Vì vậy, cha mẹ hãy dành cho con những lời động viên, khích lệ”, bà Lan lưu ý.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM