Thời gian gần đây, những tấm biển tên đường ở thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) còn có thêm dòng chữ chú giải, tóm tắt tiểu sử, công trạng của những danh nhân, anh hùng dân tộc. Công trình thanh niên này do Huyện Đoàn Châu Đức thực hiện, góp phần giáo dục lịch sử hiệu quả, thiết thực đến các tầng lớp nhân dân.
ĐVTN Công an huyện Châu Đức lắp đặt bảng ghi chú tiểu sử danh nhân lịch sử trên tuyến đường Hùng Vương, TT.Ngãi Giao. |
DẠY SỬ TRÊN BẢNG TÊN ĐƯỜNG
Những tấm biển ghi tên đường, phố kèm theo thông tin tóm tắt về ngày sinh, ngày mất cùng thân thế, sự nghiệp, công trạng của các danh nhân, anh hùng dân tộc… xuất hiện trên đường phố thị trấn Ngãi Giao đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Nhiều người khi qua đường đều dừng chân đọc thông tin chú giải dưới bảng tên đường. Chẳng hạn: “Lê Hồng Phong (1902-1942), ông là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1935 đến 1936”; “Bình Giã, là nơi diễn ra trận đánh chính nằm trong chiến dịch Bình Giã vào cuối tháng 12-1964, do Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động”…
Ông Trần Văn Hoa, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Đức cho rằng đây là việc làm hay, có ý nghĩa, bởi tấm biển tên đường không chỉ gợi về quá khứ hào hùng của dân tộc gắn với những vị danh nhân, mà còn có tác dụng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ ngày nay. “Đây là cách học Sử gần gũi, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người”, ông Hoa nhận xét.
Hiểu được các sự kiện lịch sử tại địa phương, biết thêm tiểu sử các danh nhân, anh hùng liệt sĩ, người dân càng thêm tự hào về truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước. Em Trần Thị Trâm Anh, HS lớp 8A6 Trường THCS Châu Đức chia sẻ: “Các tấm bảng gắn trên đường phố, có chú giải giúp em hiểu thêm về những danh nhân, anh hùng, nhân vật lịch sử cũng như các phong trào cách mạng tiêu biểu khác của quê hương, đất nước. Những tấm bảng này giúp chúng em thêm tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, đồng thời việc tiếp cận lịch sử cũng nhẹ nhàng hơn”.
HS Trường THPT Nguyễn Trãi thích thú khi xem bảng chú thích các nhân vật lịch sử (Lê Hồng Phong - Hùng Vương) tại TT. Ngãi Giao. |
CẦN NHÂN RỘNG
Anh Nguyễn Trung Minh, Bí thư Huyện Đoàn Châu Đức cho biết, năm 2019, Ban Thường vụ Huyện Đoàn xây dựng chương trình hoạt động “Tuổi trẻ Châu Đức chung tay chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới” thông qua việc đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên. Các hoạt động cụ thể như: Xây dựng “Văn minh đô thị” trên địa bàn; vận động xây nhà đại đoàn kết, trồng cây xanh, làm đường nông thôn… đã mang lại hiệu quả thiết thực và tạo sự đồng tình của xã hội. Ngoài ra, Huyện Đoàn còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Trong đó, Huyện Đoàn đã phát động ĐVTN đóng góp được 45 triệu đồng để làm 98 bảng chú thích sự kiện, nhân vật lịch sử, gắn trên các tuyến đường khu vực thị trấn Ngãi Giao.
Sau khi được Thường trực Huyện ủy thông qua, Huyện Đoàn Châu Đức đã phân công ĐVTN khảo sát các tuyến đường, phối hợp với Phòng VH-TT sưu tầm, trích yếu tiểu sử và thống nhất địa điểm lắp đặt bảng tên đường. Đây là công trình thanh niên nhằm chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2019) và 129 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 – 19-5-2019).
Ông Bùi Xuân Thường, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Đức cho biết, huyện Châu Đức là địa bàn ghi nhiều mốc son qua 2 cuộc kháng chiến với các địa danh: Bình Giã, Tầm Bó, Sông Cầu, Bình Ba, Lộ 2, địa đạo Kim Long... “Việc làm mềm những kiến thức lịch sử thông qua phương pháp đặt tên trên các đường phố có chú thích ngắn gọn, rõ ràng, gắn với thực tế địa phương… sẽ giúp người dân, học sinh và giới trẻ nói chung tiếp nhận dễ dàng hơn”, ông Thường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Gia Hội (khu phố 2, TT. Ngãi Giao) cũng cho rằng, việc gắn bảng tên đường giúp người dân, nhất là thanh, thiếu nhi hiểu thêm về những danh nhân, sự kiện lịch sử mà con đường đó mang tên. Theo ông, đây là việc làm cần thiết và nên nhân rộng để giáo dục lịch sử của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ ngày nay.
Được biết, một số địa phương khác như thị trấn Phước Hải và thị trấn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) cũng đã lắp đặt bảng tên đường có chú thích tóm tắt thông tin về nhân vật, sự kiện. Mong rằng, cách làm hay và thiết thực này tiếp tục được nhân rộng tại tất cả các tuyến đường có tên ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, để mỗi người dân hay du khách khi đến với BR-VT sẽ có được những thông tin bổ ích, hiểu thêm về lịch sử địa phương.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG