Gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Mới đây, PGS.TS Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh, BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh kể cả loại mạnh nhất. Tại BR-VT, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang khá phổ biến, nhiều bệnh nhân không còn thích hợp với phần lớn kháng sinh được điều trị tại các BV.
Kiểm soát việc bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc tư nhân là một trong những giải pháp phòng chống kháng thuốc. Trong ảnh: Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra hoạt động của một nhà thuốc tư nhân tại TP.Vũng Tàu (ảnh minh họa).. |
BỆNH NHÂN KHÁNG THUỐC, BÁC SĨ BẤT LỰC
Ông P.H.T, sinh năm 1934 ở tại TP.Vũng Tàu vừa được bác sĩ BV Lê Lợi cho xuất viện sau thời gian nằm điều trị viêm phổi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ). Điều đáng nói là ông T. được cho xuất viện bởi ông đã không còn đáp ứng với những loại kháng sinh được dùng trong BV để điều trị viêm phổi, chỉ còn cách để cơ thể tự chống đỡ. Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng khoa HSTCCĐ cho biết, ông T. đã nằm viện điều trị viêm phổi 10 ngày với nhiều loại kháng sinh nhưng không bệnh không thuyên giảm. Qua cấy đàm làm kháng sinh đồ cho thấy, cơ thể bệnh nhân kháng tới 11 loại kháng sinh, trong đó 5 loại kháng sinh thuộc thế hệ mới nhất. Bệnh nhân chỉ còn “nhạy” với 2 loại kháng sinh thế hệ cũ được dùng trước đây là Doxicillin và Trimethoprim. Tuy nhiên, kháng sinh này yếu, không đủ sức tiêu diệt vi khuẩn.
Tình trạng bệnh nhân không thích hợp với kháng sinh điều trị như nêu trên không còn là hiếm gặp. Trung bình mỗi tháng, riêng tại Khoa HSTCCĐ, BV Lê Lợi ghi nhận từ 2 đến 3 trường hợp kháng nhiều loại kháng sinh. Còn số lượng bệnh nhân không đáp ứng với một số thuốc kháng sinh, phải thay đổi phác đồ điều trị chiếm khoảng 30% tổng số ca bệnh nhiễm khuẩn.
Không chỉ ở bệnh nhân là người lớn, ngay cả trẻ em cũng đang phải đối mặt với hiểm họa kháng thuốc. Tại Khoa Nhi BV Lê Lợi, cứ khoảng 50 trẻ thì có 3 - 4 trẻ phải thay đổi phác đồ điều trị kháng sinh. Con số này đã tăng hơn nhiều so với trước đây. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thìn, Khoa Nhi, BV Lê Lợi cho biết, những bệnh thông thường ở trẻ như viêm phổi, viêm phế quản trước đây chỉ cần điều trị theo phác đồ những loại kháng sinh thông thường khoảng 3 ngày là bệnh thuyên giảm, nhưng hiện nay, khá nhiều trường hợp phải đổi sang loại thuốc kháng sinh khác.
Theo bác sĩ Nga, khi bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng bị kháng thuốc kháng sinh thì rất khó kiểm soát dễ dẫn đến bệnh ngày càng nặng, thời gian điều trị kéo dài, giá thành điều trị tăng cao. Bệnh nhân bị đa kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao, kể cả khi nhiễm khuẩn rất bình thường. Nguy hiểm hơn là vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng có thể lây nhiễm trong cộng đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, trong đó chủ yếu nhất là việc lạm dụng kháng sinh, tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ. Theo Sở Y tế, kháng sinh là thuốc phải bán theo đơn. Nhưng người dân vẫn còn thói quen ra nhà thuốc kể bệnh mua thuốc tự ý sử dụng; trong khi các nhà thuốc, quầy thuốc chưa chấp hành quy định bán thuốc theo đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, còn tình trạng khám bệnh, cho thuốc kháng sinh của bác sĩ chưa tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế...
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, có tới hơn 80% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Còn theo nghiên cứu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ở hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 BV lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 74% sử dụng kháng sinh không phù hợp.
GIẢI PHÁP NÀO?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thuốc kháng sinh cần được sử dụng theo các nguyên tắc: Dùng kháng sinh đúng (đúng kháng sinh, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian) để đảm bảo hiệu quả; Không chia sẻ thuốc kháng sinh với người thân hoặc bạn bè; Chỉ dùng kháng sinh khi có đơn của bác sĩ; Không dùng kháng sinh điều trị các bệnh do vi rút như cúm, cảm lạnh.
Về thực tế điều trị tại BV, Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga cho rằng: “Để xác định một loại vi khuẩn có kháng kháng sinh, bắt buộc phải làm kháng sinh đồ tại phòng xét nghiệm vi sinh. Do đó, các BV cần chẩn đoán và điều trị theo kháng sinh đồ. Bên cạnh đó, BV phải thực hiện tốt công tác vô khuẩn trong các khoa, phòng điều trị để hạn chế lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc”.
Cần cách ly bệnh nhân nhiễm khuẩn kháng thuốc
Theo PGS Đoàn Mai Phương, nguyên trưởng khoa Vi sinh, BV Bạch Mai, nếu kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh thì cần được cách ly để vi khuẩn kháng thuốc không lây lan. Tuy nhiên hiện nay, chỉ một số ít BV có phòng vi sinh đạt chuẩn, còn lại chất lượng ở mức thấp. Do đó, để thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống kháng thuốc quốc gia, việc đưa các phòng xét nghiệm vi sinh đạt chuẩn tại các BV vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
|
Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Bà Rịa cho biết thêm, việc áp dụng kháng sinh dự phòng (sử dụng kháng sinh trước khi xảy ra nhiễm trùng) cũng rất cần thiết để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Như tại BV Bà Rịa, kháng sinh dự phòng được sử dụng cho bệnh nhân trước phẫu thuật 1 giờ trước khi mổ và chỉ dùng 1 liều duy nhất. Kháng sinh dự phòng hiện áp dụng cho mổ bướu cổ, bướu da đầu, sỏi niệu quản, polyp túi mật, răng hàm mặt, gãy kín xương, u nang buồng trứng, u xơ tử cung…
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 trên toàn quốc. Theo đó, Bộ đã bắt buộc các quầy thuốc, nhà thuốc tham gia hệ thống phần mềm quản lý dược quốc gia. Qua đó, tất cả loại thuốc kháng sinh được quản lý bằng hệ thống phần mềm, cho phép cơ quan chức năng kiểm soát được thuốc bán ra phải theo đơn của bác sĩ. Đối với bác sĩ điều trị, khi kê đơn thuốc phải được ghi nội dung đúng quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic), hàm lượng, cách dùng, liều dùng.
Bài, ảnh: MINH THIÊN