Đừng quên "của chồng công vợ"

Thứ Sáu, 19/04/2019, 07:55 [GMT+7]
In bài này
.

Thiện chí giúp đỡ người thân là điều bình thường trong đối nhân xử thế. Nhưng một khi đã có vợ có chồng, trước khi giúp đỡ người thân thì vợ chồng nên thẳng thắn trao đổi. Nếu không, dễ xảy ra xích mích. 

Câu chuyện này, có đố tôi cũng không dám bịa ra. Chuyện là thế này, chị Cúc thân thiết với gia đình tôi vừa được một công ty tài chính nước ngoài  nhận vào làm việc với chức danh trưởng phòng có thu nhập cao. Do thường xuyên giao tiếp với khách ngoại quốc nên chị không thể ăn mặc như trước. Dù còn nghèo nhưng chị vẫn sắm một loạt túi xách, giày guốc, quần áo thuộc loại đắt tiền. Nhìn qua nhìn lại, các đồng nghiệp ai ai cũng vậy, chẳng lẽ riêng mình lại xuềnh xoàng quá? 

Mỗi lần bỏ tiền ra mua, tất nhiên chị đắn đo suy nghĩ, cân nhắc, tính toán từng đồng; nhưng lúc chồng hỏi, chị luôn cố tình hạ thấp giá. Nếu không, có lẽ chồng thấy sốc mà nhồi máu cơ tim cũng nên. Ấy là do chị nghĩ thế, vì có những món hàng bằng cả nửa tháng lương của chồng chứ ít ỏi gì. 

Rồi một ngày đẹp trời, sau một tuần đi công tác về, chị ngạc nhiên thấy trong nhà thiếu hụt nhiều thứ đã mua lâu nay. Chị hỏi chồng thì nghe tiếng cười giòn tan: “Ối dào, em chỉ cần mỗi giỏ xách, đôi guốc, đôi giày là đủ rồi. Hơn nữa những thứ đó, em nói mua giá rẻ bèo mà. Cần “thanh lý” bớt cho gọn gàng nhà cửa em à”. Nghe lùng bùng lỗ tai, chị gặng hỏi: “Anh cho ai”. Anh thản nhiên: “Mấy cô em gái của anh năn nỉ nằn nì mãi, thôi kệ, em út trong nhà cả thôi, phải chiều chúng nó chứ em”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Lúc ấy, chị Cúc “ngậm bồ hòn làm ngọt” hay bù lu bù loa? Chẳng ai rõ, chỉ biết, sau đó chị ốm luôn một tuần vì mỗi lần nghĩ đến tiền đã bỏ ra mà tiếc đến độ... xây xẩm mặt mày!

Trong nhiều gia đình, sự quan tâm, muốn giúp đỡ người thân ruột rà vẫn túc trực trong suy nghĩ của nhiều người. Nên mới có chuyện, dạo gần đây, ông bạn tôi không còn vứt điện thoại hớ hênh như trước. Về đến nhà, lúc nào cũng khư khư trên tay, thậm chí lúc vào toilet cũng đem theo. Rồi khi có tin nhắn, anh ta thậm thò thậm thụt; hoặc nghe chuông reo, y như rằng chỉ trả lời gọn lỏn vài ba từ rất bí hiểm. 

“Hiện tượng” này lặp đi lặp lại khiến vợ anh nổi máu Hoạn Thư. Sau khi làm “một trận cho ra trò”, cô bật ngửa vì chỉ là những cuộc trao đổi giữa chồng với cô em ruột ở quê. Cô em xin  một khoản tiền chuẩn bị cưới hỏi mà anh lại muốn giấu, không muốn vợ biết. Vì ai hiểu ý vợ hơn chồng và ngược lại. Hễ những gì liên quan đến gia đình anh, nhất là tiền bạc thì vợ anh luôn “mặt nặng mày nhẹ”, tỏ ý không hài lòng. Vậy thì, anh cứ giấu biệt cho xong, lẳng lặng tính toán mọi cách để có thể giúp em gái, chứ không chia sẻ với vợ. Khó lắm.

Vâng, nếu sự quan tâm, hỗ trợ người thân không bị vợ phát hiện thì “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”. Khổ nỗi, khi biết chuyện thì có những người vợ không tán thành thiện chí này, từ đó, cấm ngặt. Vẫn biết, việc làm của vợ cũng vì chồng, vì con nhưng xét về mối quan hệ gia đình ruột thịt, đối với người chồng lại là nỗi khổ tâm, dằn vặt. Nếu lén đem tiền cho bồ bịch, mèo mỡ bị ngăn cấm, cũng được đi, còn đây…, nghĩ thế nhiều người “ấm ức” lắm.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật nữ dù về nhà chồng nhưng thỉnh thoảng vẫn lén giúp đỡ cha mẹ, em ruột. Nhân vật Tâm trong truyện ngắn Cô hàng xén của Thạch Lam, đọc lại nhiều người vẫn se sắt buồn và cảm thương cho nàng. Khi về thăm mẹ, Lân - cậu em ruột xin nàng ít tiền mua sách, bằng không sẽ bỏ học. Tiền đâu mà cho? “Lân yên lặng rồi không nói gì, quay mặt đi chỗ khác”. Thấy em buồn, nàng không nỡ: “Tâm lần ruột tượng lấy ra gói bạc giấy cuộn tròn. Số tiền nàng vừa lấy định trang trải các công nợ và lo sưu thuế cho chồng. Nhưng thấy vẻ mặt vui mừng của em, nàng quên mất cả những nỗi lo sợ đang chờ nàng”. 

Tuy nhiên, khác với cậu Lân, có những người em thấy anh/chị thương yêu quá, hễ vòi vĩnh gì cũng được đáp ứng nên đâm ra ỷ lại. Trường hợp của anh Sâm sát vách nhà tôi là vậy. Từ miền Trung vào Sài Gòn ăn học, sau khi lập gia đình, anh định cư ở quê vợ và có công ăn việc làm ổn định. Nếu chỉ một thân một mình thì khỏe, nhưng sau lưng anh còn mấy cậu em trai đang thất nghiệp. Chẳng lẽ anh là trai trưởng lại quay mặt làm ngơ? Ngoài thời gian làm việc ở công sở, anh còn nhận hàng đem về nhà gia công, nhờ thế mới đều đặn có “đồng ra đồng vào” lén gửi về quê cho các em. 

Đến một ngày, việc làm tình nghĩa của anh, nhưng “mờ ám” đối với vợ đã bị phát giác! Vợ chồng cãi nhau đùng đùng như mưa sa bão táp: “Trời ơi là trời! Anh có biết thương vợ thương con không. Thằng Tèo nhà mình chưa có chiếc xe đạp đi học, con Tún chưa có máy tính mà bao nhiêu tiền anh gửi hết về quê là sao”. Câu trả lời ra sao người ngoài khó ai có thể biết, nhưng chắc chắn sau đó mọi thu nhập của anh được vợ quản lý chặt chẽ hơn trước gấp vạn lần! 

Giúp đỡ người thân là điều cần làm trong đối nhân xử thế. Dù rủng rỉnh tiền bạc hoặc thu nhập chỉ vừa đủ xài nhưng một khi đã có vợ có chồng, việc làm của người này phải được người kia tán thành, nếu không, dễ xảy ra xích mích, gấu ó nhau. Người ta thường nói, “của chồng công vợ”, do đó, cứ thẳng thắn trao đổi trước khi muốn chi ra một khoản tiền nào đó giúp cho người thân của mình. 

LÊ MINH QUỐC

 
;
.