Năm ngoái, khi Subin - con trai tôi bước vào kỳ nghỉ hè của năm học lớp 2, hai mẹ con bàn luận sôi nổi về kế hoạch nghỉ hè của con. Tôi hứa hẹn một vài địa điểm để con chọn, đó là chuyến du lịch Phú Quốc hoặc Côn Đảo; một chuyến đi nước ngoài như Singapore hay Thái Lan để con khám phá vùng đất mới… “Hay con muốn đi Nha Trang, Đà Nẵng?”, tôi hỏi. “Mẹ cho con về quê thăm ông bà, mẹ nhé”- câu trả lời của con khiến tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau đó trong lòng cảm thấy ấm áp vô cùng.
Quê tôi ở một tỉnh miền Bắc, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi theo chồng vào Nam sinh sống, làm việc. Chồng tôi là kĩ sư cầu đường, anh thường xuyên theo những công trình ở các tỉnh, thành xa, thỉnh thoảng mới về phép với hai mẹ con. Còn tôi, phần bận công việc chuyên môn, phần lo cho con, nên vài năm rồi, tôi chỉ tranh thủ về thăm nhà vào mấy ngày Tết. Tranh thủ, bởi quê nội, quê ngoại cách nhau gần 200km. Tôi ở nhà với cha mẹ được 3 ngày, rồi lại đưa con về nội ăn Tết. Sau này, ông bà nội cháu chuyển vào ở hẳn trong Nam và ở gần với gia đình tôi, chỉ còn nhà ngoại vẫn ở xa. Nhưng tôi cũng ít đưa con về thăm. Tôi luôn có những lý do hợp lý để tự biện hộ cho mình, đó là những chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình; đó là các lớp học ngoại khóa, học nâng cao dành cho con trai; rồi lo ngại điều kiện thiếu thốn ở quê khiến con bệnh… Công việc cứ quấn đi, đã bao nhiêu mùa hè trôi qua, tôi chưa cho con về quê?
Hôm ấy, sau bữa tối, tôi hỏi: “Vì sao con lại muốn về quê mà không phải đi du lịch cùng mẹ?”. Subin nói: “Con muốn về vườn cây ăn trái của ông bà. Có các anh, chị họ con nữa. Vui mà mẹ”.
Tổng kết năm học xong, cha tôi từ miền Bắc vào đón cháu về quê. Ông bà như bận rộn hơn nhưng vui và trẻ hẳn rà vì có đứa cháu ngoại hiếu động nhưng tình cảm ở cùng nhà. Cứ vài ngày, Subin lại mượn điện thoại ông, sử dụng video call để mẹ thấy trực tiếp con đang mắc võng nằm ngoài vườn, hoặc đang làm nước muối gừng để bà ngoại ngâm châm cho đỡ đau khớp. Lần khác, Subin khoe “con có nhà riêng đó mẹ”. Đó là căn lều hai ông cháu hì hục suốt cả ngày để làm bằng bìa carton, mái là cây dù to. Hai ông cháu còn gia cố “căn nhà”, nới rộng thêm phòng để các anh chị họ hoặc bạn hàng xóm của Subin tới chơi, tụi trẻ đều có “phòng” riêng.
1 tháng trôi qua, con trai tôi đã học bao điều hay, từ việc phụ bà hái trái cây, ra chợ bán; cùng bọn trẻ chơi đập pháo đất, dựng nhà cây, nhà bằng bìa carton, bắt dế, câu cá, tập vẽ tranh và làm phim trên những tờ giấy bản nhỏ, tập bơi ở cái ao nhỏ trước nhà ông bà, quan sát những tổ chim non trên cây mận, cây vải trong vườn… những điều mà Subin không hề được thấy khi ở thành phố. Subin không hề nhắc đến điện thoại thông minh hay ipad, bởi mỗi ngày ở quê với Subin đều là niềm vui, là những khám phá mới mẻ.
Ngày chào ông bà, chia tay các bạn để tôi đón vào Nam chuẩn bị cho năm học mới, Subin cứ ôm chặt bà ngoại và anh chị họ, các bạn, bịn rịn không nỡ chia tay. Đến khi tôi phải hứa: “Mỗi năm, hè mẹ sẽ cho con về quê”, thì cháu mới chịu theo mẹ về. Sau 2 tháng ở quê với ông bà, tôi thấy Subin trưởng thành hẳn, từ vẻ rắn rỏi bên ngoài cho đến tính cách của con. Subin tự giác phụ mẹ dọn bữa ăn, nhặt rau hoặc phơi đồ, biết pha nước cam, quan tâm khi mẹ bệnh… Con cũng chăm chỉ ngồi vào bàn làm bài tập, để đạt kết quả học tốt và giành món quà “Dịp hè lại được về quê với ông bà” mà mẹ “treo thưởng”.
THẢO NGUYÊN