Áp dụng công nghệ quản lý kê đơn thuốc: Bảo đảm tính chính xác, thuận tiện

Thứ Năm, 18/04/2019, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” của Bộ Y tế, ngành y tế BR-VT đã triển khai việc lắp đặt phần mềm quản lý thuốc kết nối liên thông với Bộ Y tế đến tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, phần lớn các nhà thuốc trên toàn tỉnh đều đã tham gia vào hệ thống. 

Nhân viên nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu) nhập thông tin thuốc bán lẻ vào phần mềm quản lý thuốc.
Nhân viên nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu) nhập thông tin thuốc bán lẻ vào phần mềm quản lý thuốc.

Hiện nay, tình trạng mua bán thuốc kháng sinh (nhóm thuốc kê đơn) tại các cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân trong cả nước đang diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Không ít nhà thuốc vì mục đích lợi nhuận mà bán cả những loại thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuốc nhái, hết hạn sử dụng… Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, trong đó trọng tâm là việc tổ chức quản lý nhà thuốc bằng hệ thống công nghệ thông tin kết nối tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc trên cả nước, nhằm quản lý, kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn; đồng thời kiểm soát được giá thuốc, việc thu hồi thuốc; hạn chế tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc. Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến cuối năm 2020, đạt 100% cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm quản lý thuốc kê đơn; hơn 70% cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh thuốc. 

Theo đó, Bộ Y tế bắt buộc tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc đều phải có máy tính sử dụng các phần mềm quản lý thuốc đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, kết nối liên thông vào hệ thống quản lý dược quốc gia của Bộ Y tế, qua đó kê khai giá, hạn dùng của thuốc, đơn thuốc... mới được hoạt động.

Nhân viên bán lẻ thuốc cho khách hàng tại nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu).
Nhân viên bán lẻ thuốc cho khách hàng tại nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu).

Tại BR-VT, thực hiện đề án nói trên, bắt đầu từ tháng 10-2018, ngành y tế đã tổ chức các đợt tập huấn, triển khai cho các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh về những quy định việc thực hiện đề án của Bộ Y tế và hướng dẫn các bước để các cơ sở tham gia cài đặt phần mềm kết nối vào hệ thống quản lý dược quốc gia. Sau gần 5 tháng triển khai, phần lớn các nhà thuốc đều ủng hộ và tham gia việc lắp đặt phần mềm quản lý thuốc. Anh Nguyễn Ngọc Hùng, chủ nhà thuốc Huy Phương (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Việc tham gia phần mềm quản lý thuốc cũng đem lại lợi ích thiết thực cho nhà thuốc. Chẳng hạn, trước đây để kiểm tra hạn sử dụng thuốc thì cứ một tháng hay một quý, nhân viên phải tốn nhiều thời gian kiểm tra và ghi sổ các mặt hàng thuốc. Với việc quản lý trên phần mềm, thông tin loại thuốc dễ dàng được tra cứu, như thời hạn sử dụng của thuốc được hiển thị bằng màu sắc giúp cảnh báo thuốc còn thời hạn dưới 6 tháng, hay dưới 1 năm để nhà thuốc chủ động có kế hoạch sử dụng và nhập hàng hợp lý”. Còn tại nhà thuốc Á Châu (TP.Vũng Tàu), chị Đoàn Thị Thanh Thúy, chủ nhà thuốc cho biết, nhà thuốc kinh doanh hơn 700 mặt hàng thuốc. Trước đây, việc kiểm soát, quản lý thuốc nhập vào bán ra đều bằng ghi chép vào sổ. Hiện giờ ứng dụng phần mềm, các loại thuốc được quản lý theo thành phần biệt dược, nhà sản xuất, xuất xứ… bảo đảm chính xác và thuận tiện hơn. Phần mềm cũng giúp thống kê chi tiết chính xác các loại thuốc bán chạy, loại thuốc tồn kho, hạn sử dụng...

Theo dược sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế, tính đến đầu tháng 4-2019, toàn tỉnh đã có 222/280 nhà thuốc đã tham gia lắp đặt phần mềm quản lý thuốc. Khi quản lý toàn bộ hoạt động dược bằng công nghệ (sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ) sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát xuất xứ, giá, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra, hạn dùng và chất lượng thuốc... Qua đó, kiểm soát được việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn theo Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc theo đơn của Bộ Y tế. Quan trọng là cần phải có các biện pháp chế tài để cơ sở phải chấp hành việc tham gia hệ thống quản lý dược. Về phía Sở Y tế, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường thanh kiểm tra hoạt động của các nhà thuốc tư nhân; trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc triển khai phần mềm quản lý thuốc theo quy định.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
;
.