Thử thách Momo và câu chuyện kiểm soát trẻ tiếp cận internet
“Thử thách Momo” được xem là nỗi ám ảnh kinh hoàng thời gian gần đây, tiếp cận trẻ em thông qua những bộ phim hoạt hình nổi tiếng thông qua các ứng dụng xã hội trên internet. Khi thấy con em mình bị ám ảnh bởi nhân vật hoạt hình này, nhiều bậc phụ huynh mới… giật mình vì không thể kiểm soát hết các chương trình vui chơi giải trí của trẻ.
Khi cho trẻ tiếp xúc thiết bị điện tử, tốt nhất cha mẹ nên cùng xem/chơi với con. (Ảnh minh họa) |
Chị Hoàng Thị Phương (đường Kim Đồng, phường 10, TP.Vũng Tàu) có cô con gái gần 4 tuổi. Mỗi khi cần “dỗ” con ngồi ngoan để tranh thủ làm việc nhà, chị thường mở ipad cho con xem ca nhạc thiếu nhi hoặc phim hoạt hình. “Hôm thứ Bảy mới đây (2-3), khi đang xem hoạt hình, chợt con nói: Mẹ ơi sợ quá và bỏ máy ipad chạy. Lại gần, tôi thấy trên màn hình là hình ảnh rất đáng sợ, đầu người, mình gà. Tìm hiểu ra, tôi được biết đó là nhân vật Momo - đang được nhiều người cảnh báo về sự nguy hại của “Thử thách Momo” thì tôi thực sự lo lắng. Tôi nghĩ con xem YouTube Kids (kênh dành cho trẻ em) thì sẽ sàng lọc các nội dung xấu, độc hại. Nhưng hóa ra không phải. Từ giờ tôi sẽ chú ý kiểm duyệt các trang mạng trước khi cho con xem”, chị Phương nói.
“Thử thách Momo” được cho là một trò chơi xuất phát từ Anh quốc. Ban đầu, trẻ em nhận được sự liên lạc của một nhân vật tự xưng là Momo với ảnh đại diện là một người phụ nữ đầu người mình gà, khuôn mặt gớm ghiếc… Khi gọi điện cho nhân vật, người chơi sẽ chỉ nghe những âm thanh kỳ lạ, ma quái. Ngoài ra, thông qua tin nhắn, Momo hướng dẫn trẻ em những hành vi nguy hại như tự sát, có khi là cắt cổ tay, có khi là treo cổ, nhảy lầu… Theo nhiều phương tiện truyền thông, clip “Thử thách Momo” gần đây được phát hiện chèn vào giữa các sản phẩm giải trí dành cho trẻ như Fortnight, Peppa Pig… được phát trên YouTube Kids. Tuy chưa có bằng chứng nào của Momo liên quan đến các cuộc tự sát của trẻ em, nhưng nhiều tờ báo uy tín của phương Tây khẳng định Momo tạo sự chấn động về tâm lý trẻ em. Chẳng hạn, ở Mỹ, có bé trai 5 tuổi tự lấy kéo cắt da đầu mình theo gợi ý của Momo, hay một cô bé 7 tuổi bỗng dưng hoảng loạn, thường xuyên đập đầu vào tường đến tứa máu sau khi xem “Thử thách Momo”…
Ở Việt Nam, gần như chưa có phụ huynh nào trực tiếp xem được “thử thách” này, nhưng sự hoảng loạn là có thật. Hoảng loạn vì một sản phẩm độc hại cụ thể, hoảng loạn vì môi trường giải trí của con mình hoá ra tiềm ẩn nhiều thứ độc hại đến thế mà mình bấy lâu không biết. Bởi, những thứ độc hại tương tự vẫn còn nhan nhản trên môi trường số mà trẻ tiếp cận mỗi ngày, mặc cho những cam kết nghe qua rất tuyệt đối của đơn vị cung cấp. Mới đây nhất là các clip được đặt các tiêu đề dành cho trẻ em nhưng bên trong đó là đầy rẫy hình ảnh phản cảm.
Các chuyên gia nhận định, những rủi ro trên mạng internet sẽ còn nhiều và diễn biến phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm và hành động thực tế của tất cả các bên liên quan bao gồm cả Nhà nước, gia đình, nhà trường, DN và truyền thông để có thể bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn tâm lý châu Á ASIA MCC (TP.Bà Rịa), những ngày qua, các bậc phụ huynh có con nhỏ lo lắng trước những hình ảnh, thông tin về “Thử thách Momo” có thể tác động xấu đến con em mình. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Việc trẻ tiếp xúc với mạng mang lại rất nhiều hậu quả, như: Không kiểm soát được thời gian sử dụng internet, làm sức khỏe giảm sút, thiếu tập trung khi học tập… Vì vậy, khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử, cha mẹ nên xem cùng con. “Ngoài việc có thể phát hiện kịp thời những yếu tố xấu, lại vừa có thể trò chuyện, bàn luận cùng con những chi tiết trong clip. Điều đó không chỉ giúp cha mẹ gắn kết với con hơn, còn có thể giúp con có được thói quen phân tích bằng hình thức hỏi-đáp. Rất khó để ngăn chặn hoàn toàn những nguy hại từ internet, do đó, nên nói chuyện, gợi ý và hướng dẫn con. Bằng cách này, cha mẹ có thể vừa giáo dục vừa đồng hành với con em mình trong sử dụng internet an toàn, bảo vệ con khỏi những rủi ro. Quan trong nhất, phụ huynh phải dành thời gian và nỗ lực nói chuyện với con hàng ngày, nuôi dưỡng tình bạn, sự chia sẻ và đồng cảm với con. Từ đó, duy trì thói quen nói chuyện, trao đổi thoải mái với con. Như vậy, trẻ sẽ thấy ba mẹ luôn là địa chỉ tin cậy để chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết”, chị Lan Phương nói.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH