Minh họa: MINH SƠN |
Đã là người trong một nhà thì vợ/chồng góp ý cho nhau là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, việc góp ý sao cho đúng lúc, đúng chỗ để đạt hiệu quả là một nghệ thuật.
Trong dịp họp bạn bè đồng hương sống xa quê, lúc trà dư tửu hậu, chia sẻ cho nhau từ công việc làm ăn đến nội bộ gia đình, ai nấy đều tỏ ra ái ngại cho trường hợp của H. Nhiều người bảo rằng, “cái số” của anh ta hẩm hiu, đen đủi vì nếu gặp người vợ khác ắt cuộc đời đã thăng tiến hơn nhiều. Sau khi ra trường, H. ở lại Sài Gòn lập nghiệp cưới vợ là cô bạn học cùng lớp. Vừa tình bạn, vừa tình yêu thì còn gì “hợp gu” hơn? Hạnh phúc trong tầm tay là lẽ tất nhiên. Ban đầu, bạn bè đều nghĩ vậy nhưng rồi về sau ai nấy cũng đều xa lánh dần. Do H. thuộc hạng người “giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ” chăng? Không phải đâu, H. vẫn giữ tính cách vui vẻ, hòa đồng, chân tình, luôn quan tâm đến người khác nhưng rồi ai nấy cũng cảm thấy ngần ngại, không còn năng lui tới rủ rê cà phê cà pháo như trước nữa.
Chẳng hạn, như tôi đây, sở dĩ né đến chơi là do vợ anh “đáo để” quá, “vuốt mặt chẳng nể mũi”. Có lúc, nhóm bạn đang rôm rả bàn luận về tình hình thế giới, ôn lại chuyện thời đi học… bỗng từ phía sau nghe tiếng nói gắt gỏng: “Anh đã hút bao nhiêu điếu thuốc rồi, biết không?”. Chưa cần nghe chồng trả lời, cô vợ tiếp tục “rao giảng” về tác hại của việc phì phèo khói thuốc. Bọn tôi cảm thấy chột dạ, dù không đá động gì tới mình nhưng có cảm giác như bị đang bị “đá xéo”, mắng lây. Đành rằng, vợ góp ý cho chồng thì nào có ai cấm, nhưng việc góp ý diễn ra “trên từng cây số”, mọi lúc mọi nơi, liệu có nên chăng?
Chưa hết, T. còn có chuyên môn về tin học, biết lập trình, làm trang web nên công ty nọ tìm đến nhà mời anh làm việc. Mà có phải ai xa lạ đâu, giám đốc công ty đó cũng là bạn học cùng lớp. Sau khi gút xong mọi vấn đề, chỉ còn chờ ngày ký hợp đồng là xong. Bỗng đâu lù lù từ sau bếp, cô vợ bước lên phòng khách, ngồi sát cạnh chồng và lạnh lùng: “Mọi việc bàn thảo, tôi đã biết rồi. Nhưng các anh không nên lợi dụng tình bạn mà bỏ qua chuyện quan trọng nhất”.
Mọi người ngớ ra hỏi lại: “Chuyện gì dạ?”. Câu trả lời dứt khoát từng tiếng một: “Tiền lương mỗi tháng của chồng tôi chứ còn gì nữa? Mỗi tháng bao nhiêu?”. Thôi thì, cứ cho là lời nhắc nhở ấy cần thiết nhưng liệu có nên “thẳng thừng”, “tiền trao cháo múc” đến thế không? Vậy là ai nấy chưng hửng, vội vã cáo từ và không hề có cuộc gặp gỡ lần sau.
Ai cũng biết chồng/vợ có quyền góp ý vào công việc của nhau nhưng lẽ ra, cần phải ý tứ, tinh tế, tế nhị hơn - nhất là khi có mặt của người khác. Tiếng lành đồn xa. Tiếng dữ đồn xa. Từ chuyện nho nhỏ nêu trên, ta thấy rằng hễ ai trước việc gì cũng góp ý ngay tắp lự, cứ phát ngôn sa sả thì nào phải khôn khéo.
Có nhiều người dù đã lập gia đình nhưng vẫn có nhu cầu gặp gỡ riêng tư cùng bạn bè. Những lúc ấy, nếu có thêm người chồng/vợ dù chẳng gì phiền toái cả, tuy nhiên, nếu không có mặt vẫn tốt hơn. Cứ để cho “người ta” thoải mái trong khoảng thời gian đó. Chẳng việc gì lúc nào mình cũng dính chặt như sam?
Vừa rồi, vợ tôi tâm tình: “Bọn em đã bỏ phiếu tán thành 100% là từ rày không chơi với cái T. nữa”. Ơ hay, tính nết của ai không biết chứ với T. thì tôi “rành 6 câu vọng cổ”. Cô ấy vui vẻ, nết na, tốt bụng, có công ăn việc làm ổn định, gia phong nề nếp kia mà? Có phải do T. vừa thực hiện một vụ “xì-căng-đan” tày trời, giật hụi, lừa đảo gì với bạn bè? Không hề. Qua lời kể, tôi mới biết, mọi sự từ chồng của cô ta mà ra.
Này nhá, trong bất kỳ cuộc vui chơi, gặp gỡ riêng tư của bạn bè cùng giới, người chồng luôn luôn có mặt. Ban đầu, bạn bè cũng thấy vui vui, không có gì sượng nhưng riết rồi, lại thấy mặt “vị khách không mời mà đến” là đâm ra… ngán. Họ cảm thấy không được tự nhiên, khó có thể thoải mái chuyện trò giữa chị em bạn gái với nhau. Cà phê à? Có mặt. Đi thăm thầy cô? Có mặt. Liên hoan tiệc tùng ở công ty? Có mặt. Đi shopping? Có mặt? Rảnh thiệt. Tóm lại, anh ta có mặt “trên từng cây số”. Đã thế, khi đám bạn của vợ bàn chuyện này, chuyện nọ thì anh ta cũng hóng nghe rồi góp chuyện.
Có lần, cô bạn chung của nhóm tâm sự nếu có tiền sẽ bỏ vốn ra mở tiệm ăn bình dân chuyên nấu món ăn Bắc phục vụ cho người Sài Gòn. Bạn bè khoái lắm vì có địa điểm tụ tập, ăn uống, ủng hộ nhau. Ủng hộ thì ủng hộ nhưng cô chưa có tiền, do đó, mọi việc cũng bàn cho vui thôi. Thế nhưng chồng T. lại không nghĩ thế, anh ta cứ khăng khăng trên đời này chỉ có ăn cơm do vợ nấu là ngon nhất. Cần gì phải ra quán xá cho tốn kém, dù rằng đó là quán ăn của bạn bè. Ý kiến đó có thể nói đùa nhưng đúng là lạc quẻ quá xá!
Sau lần đó, bạn bè có góp ý với T. những lần sau nên cho ổng ở nhà, đừng dẫn đi theo nữa. Mà có thay đổi được đâu. “Chắc bạn mình có cái “phốt” gì đó nên mới bị chồng “canh me” ngặt đến thế chăng?”. Đám bạn xì xầm, thì thào với nhau, cuối cùng, họ không muốn vì có T. mà cuộc gặp gỡ kém vui nên mới có cách “xử lý” rốt ráo như trên.
Chuyện “nửa kia” cùng bàn luận công việc làm ăn, đi chơi chung với bạn bè của vợ/chồng xét trong chừng mực đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, một khi xuất hiện với mật độ dày quá, hóng hớt “mọi lúc mọi nơi” ắt cần phải điều chỉnh. Ai cũng biết, “giàu vì bạn, sang vì vợ” nhưng nếu vì tính cách của mình mà người vợ/chồng mất dần bạn bè là điều không khôn khéo chút nào.
LÊ MINH QUỐC