.

Đi để thêm yêu quê hương

Cập nhật: 07:46, 15/03/2019 (GMT+7)

Từ tháng 8-2017, những người yêu thích môn thể thao leo núi kết hợp khám phá cảnh đẹp tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập nhóm Trekking Vũng Tàu và đã thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa. Người khởi xướng các hoạt động này là anh Lê Trung Nghĩa, trưởng nhóm.

Anh Lê Trung Nghĩa trong một chuyến trekking ở núi Minh Đạm. Ảnh: CTV
Anh Lê Trung Nghĩa trong một chuyến trekking ở núi Minh Đạm. Ảnh: CTV

QUÊ HƯƠNG MÌNH ĐẸP LẮM

Anh Lê Trung Nghĩa (SN 1981) đang làm việc ở Công ty CP Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu (PV Oil Vũng Tàu). Là người yêu thích thể thao nên những lúc rảnh rỗi, anh hay đạp xe, chạy bộ. Những ngày cuối tuần, anh đạp xe leo núi khám phá phong cảnh thiên nhiên núi Lớn và núi Nhỏ. “Thời gian đầu, tôi thường đạp xe, leo núi một mình. Vừa đi vừa khám phá, tôi nhận ra rằng TP. Vũng Tàu có nhiều cảnh quan đẹp nhưng nhiều người chưa biết đến. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi, tôi lại đăng ảnh lên facebook để giới thiệu đến bạn bè”, anh Nghĩa mở đầu câu chuyện. 

Những bức ảnh trên các cung đường, đỉnh núi mà anh chia sẻ được nhiều người khen ngợi, trong đó nhiều người có chung sở thích leo núi, mạo hiểm và yêu thiên nhiên ngỏ ý muốn tham gia cùng. Vậy là anh quyết định lập nhóm Trekking Vũng Tàu để tập hợp họ và tổ chức các chuyến leo núi, băng rừng khám phá thiên nhiên một cách bài bản. Đến nay, nhóm đã có khoảng 300 thành viên đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh BR-VT, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Họ thuộc nhiều giới, ngành nghề, độ tuổi từ 20 đến 70. Trước mỗi chuyến trekking (tạm hiểu là đi bộ băng rừng, núi), anh Nghĩa đi tiền trạm, tìm hiểu địa hình, đường đi hoặc kết nối nhờ người dẫn đường rồi thông báo lên nhóm cụ thể về lịch trình, thời gian và mục đích chuyến đi để các thành viên đăng ký. Ngoài việc khám phá thiên nhiên, thỉnh thoảng, nhóm còn tổ chức trekking kết hợp nhặt rác, nhất là quanh khu vực núi Lớn, núi Nhỏ và bãi biển Vũng Tàu.  

Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức được hơn 10 chuyến trekking, khám phá núi rừng tại BR-VT và một số tỉnh lân cận. Các điểm đến nhóm đã đi qua như: Núi Lớn, núi Nhỏ, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, núi Dinh, núi Thị Vải, rừng Nam Cát Tiên (Lâm Đồng)… Điểm đến gần đây nhất của nhóm là Côn Đảo (từ ngày 1 đến 3-3) bằng tàu cao tốc, với sự tham gia của 22 thành viên thuộc nhiều giới: giáo viên, công chức, bác sĩ, học sinh, sinh viên. Đến Côn Đảo, ngoài việc viếng Nghĩa trang Hàng Dương, tham quan hệ thống di tích nhà tù, nhóm còn trải nghiệm ngủ đêm tại đảo Hòn Cau, lặn ngắm san hô, đi bộ khám phá rừng và nhặt rác tại đây. “Côn Đảo có cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn nguyên sơ, môi trường trong lành, người dân thân thiện, mến khách nên cả đoàn rất thích. Chúng tôi đã có một chuyến đi thật ý nghĩa, trải nhiệm được nhiều điều mới mẻ”, anh Nghĩa chia sẻ. 

VÀ HOẠT ĐỘNG VÌ CỘNG ĐỒNG

Là một trong những người tham gia nhóm những ngày đầu, anh Peter Thinh Nguyen (người Mỹ gốc Việt), đang sinh sống ở phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết, đến với nhóm Trekking Vũng Tàu, anh đã gặp được những người bạn cùng sở thích. Bên cạnh việc đi bộ rèn luyện sức khỏe, đây còn là nơi giúp anh gặp gỡ, giao lưu và làm quen thêm nhiều bạn bè. “Tôi rất thích hoạt động vừa tham quan, khám phá cảnh quan thiên nhiên vừa nhặt rác. Chúng tôi có chung quan điểm là tuyên truyền về bảo vệ môi trường phải bằng việc làm cụ thể để mọi người thấy và làm theo. Sự thay đổi trong suy nghĩ sẽ dẫn đến thay đổi trong hành động. Chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp: chỉ để lại dấu chân tại những nơi bạn đến”, anh Peter Thinh Nguyen nói. Ngoài ra, tham gia các hoạt động của nhóm, anh còn có dịp hiểu thêm về các di tích lịch sử, danh thắng, con người trên quê hương BR-VT. 

Địa hình rừng, núi ở BR-VT tương đối an toàn, dễ đi. Tuy nhiên, một số cung đường có dốc cao, trơn trượt nên người tham gia trekking phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc an toàn. Thỉnh thoảng, trên đường đi cũng gặp rắn, nhất là ở khu vực núi Lớn trong mùa mưa. Khi trekking, bạn nên mang theo các vật dụng thiết yếu như: thuốc phòng côn trùng, quần áo dài tay, giày leo núi, kính mát, nón, thức ăn hạt, nước uống, bộ dụng cụ y tế sơ cứu. 
(Anh Lê Trung Nghĩa, Trưởng nhóm Trekking Vũng Tàu)

Nhóm Trekking Vũng Tàu hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Chi phí tham gia chuyến đi do mọi người cùng đóng góp và được một số DN tài trợ nước uống, trái cây. Cùng với hoạt động khám phá thiên nhiên, nhóm còn tổ chức trekking với mục đích gây quỹ từ thiện “Em ước mong sao”. Theo đó, mỗi người tham gia chương trình này sẽ được các nghệ sĩ tại TP. Hồ Chí Minh ủng hộ 10 ngàn đồng để làm quỹ tặng quà cho người nghèo. Trong năm 2019, nhóm dự kiến sẽ tổ chức hoạt động này định kỳ mỗi quý một lần. “Chúng tôi muốn thu hút mọi người đến với nhau vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa khám phá thiên nhiên, qua đó thay đổi nhận thức và thay đổi thói quen, hướng đến những việc có ích và lan tỏa trong cộng đồng”, chị Yến Anh, thành viên của nhóm chia sẻ thêm. 

Trong các chuyến đi, nhóm cũng khuyến khích các thành viên mang theo con cái để các em có thời gian gần gũi cha mẹ hơn, qua đó cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, gắn kết nhau hơn. “Những chuyến đi giúp chúng tôi nhận ra rằng, quê hương BR-VT đẹp quá, từ đó thêm yêu vùng đất này hơn. Chúng tôi muốn giới thiệu đến nhiều người để họ cùng khám phá khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy”, anh Nghĩa nói trước khi chia tay chúng tôi. 

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.