Ngày 22-2, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2009-2018 trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh tiếp và làm việc với đoàn.
Ông Đặng Thuần Phong, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ giai đoạn 2016-2018, trong toàn tỉnh xảy ra 29 vụ TNLĐ, làm 20 người chết; 181 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Bình quân mỗi năm BR-VT có 6.000 lượt lao động được huấn luyện ATVSLĐ. Việc thực hiện các quy định về nội quy ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được tuân thủ. Các DN lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều xây dựng hệ thống nội quy, quy trình ATVSLĐ đối với công việc, nơi làm việc, thiết bị máy móc… Tuy nhiên, các giải pháp phòng ngừa tự động chưa được chú trọng đúng mức; biện pháp bảo đảm ATVSLĐ mới chưa nhiều, chưa áp dụng giải pháp kỹ thuật để hạn chế TNLĐ.
Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động giai đoạn 2016-2018. |
Về chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, BR-VT hiện có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng II với hơn 1.000 giường bệnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với tổng 250 giường bệnh, 8 TTYT tuyến huyện, 1 bệnh viện đa khoa tư nhân, 1 TTYT Vietsovpetro và 18 phòng khám đa khoa tư nhân, 835 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ tư nhân khác, 1.098 cơ sở hành nghề dược tư nhân. Về công suất sử dụng bệnh, ngoại trừ BV Bà Rịa đạt hơn 100%, các bệnh viện, TTYT có giường bệnh đều đạt công suất sử dụng bệnh dưới 90%. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh đối với các bệnh viện, TTYT đều đạt hơn 80%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ năm 2009-2017 (54% tăng lên 85,87%), đến năm 2018 tỷ lệ này giảm còn 84%. Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, ngành y tế tỉnh còn gặp một số khó khăn như: thiếu bác sĩ ở các bệnh viện, TTYT, không đủ nhân sự để cử đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia vào xã hội hóa các công trình y tế, đào tạo nhân lực.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2009-2018. |
Kết luận buổi làm việc, ông Đặng Thuần Phong ghi nhận những nỗ lực của BR-VT trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, BR-VT cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về ATVSLĐ; tăng cường cung cấp, công khai các thông tin cần thiết về ATVSLĐ trên các cổng thông tin điện tử của địa phương; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vướng mắc, khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền lợi của người lao động; nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế, huy động xã hội hóa đầu tư có hiệu quả các công trình y tế.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thành viên Đoàn Giám sát nêu câu hỏi chất vấn tại buổi làm việc. |
Tin, ảnh: MAI HƯƠNG