Thông thường, từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng hàng năm, các chủ tàu cá đã cho tàu ra khơi chuyến biển đầu năm. Thế nhưng, năm nay, đã gần đến Rằm tháng Giêng mà nhiều tàu vẫn chưa thể xuất bến vì thiếu bạn ghe.
Ngày 16-2, nhiều tàu cá còn nằm bờ tại cảng Bến Đá, phường 5, TP. Vũng Tàu. |
CHỦ TÀU ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN
Ông Nguyễn Mười (52, Bạch Đằng, TP. Vũng Tàu) có 4 cặp tàu lưới kéo. Ông dự kiến sau khi ăn Tết Kỷ Hợi sẽ cho tàu ra khơi chuyến biển đầu năm từ ngày 10 đến 16-2 (từ mùng 6 đến 12 tháng Giêng). Vậy nhưng, ngày 16-2, ông như ngồi trên lửa vì chưa cặp tàu nào có đủ bạn ghe. “Mỗi cặp ghe cần 18 lao động, kể cả tài công. Trước Tết, bạn ghe xin ứng trước từ 5-10 triệu đồng/người để về quê sum vầy với gia đình, tôi đều vui vẻ cho ứng. Sau Tết, một số bạn ghe chưa trở lại, gọi điện thì không nghe hoặc tắt máy. Tôi đã giao tài công đi kiếm bạn ghe. Hy vọng ngày 16 tháng Giêng, tàu sẽ có đủ lao động để xuất bến”, ông Mười nói giọng sốt ruột. Theo ông Mười, khoảng 30% số lượng ghe, tàu neo đậu tại khu vực Bến Đá, TP. Vũng Tàu vẫn chưa đủ bạn ghe nên đến ngày 12 tháng Giêng chưa xuất bến được.
Đến sáng 15-2, khoảng 30% ghe, tàu ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ vẫn nằm bờ vì thiếu bạn ghe. |
Tình trạng thiếu bạn ghe cũng xảy ra ở địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Ngày 15-2, có mặt tại cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ), chúng tôi ghi nhận quanh cảng còn nhiều tàu cá neo đậu chờ bạn ghe. Vừa theo dõi, hướng dẫn thuyền viên lấy nhiên liệu lên tàu BV-91363-TS, ông Trần Thiện, chủ 4 tàu cá cho biết: “Mỗi tháng, lao động trên tàu cá nhà tôi có thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng. Trước Tết, tôi đã chia phần và ứng tiền cho bạn ghe về quê. Mọi người hồ hởi hẹn sớm gặp lại trong chuyến biển đầu năm. Vậy mà sắp đến ngày đi, nhiều bạn ghe trong tình trạng “không liên lạc được” khiến tôi phải dời ngày xuất bến so với dự kiến là mùng 6 Tết. Như nhà tôi còn đỡ, bởi nhiều ghe khác vẫn phải nằm bờ vì bạn ghe chưa trở lại”, ông Thiện nói.
Đúng như lời ông Thiện, ông Đồng Thanh Điền (xã Lộc An) có 6 ghe, cần 24 lao động nhưng mới có 1 chiếc xuất bến hôm mùng 10 tháng Giêng. Theo ông Điền, tình trạng thiếu bạn ghe sau Tết diễn ra nhiều năm nay. Để giữ chân lao động, các chủ tàu phải thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ như tạm ứng tiền, tạo điều kiện thuận lợi trong thời gian làm việc, nhưng nhiều bạn ghe vẫn không trở lại đúng hẹn, khiến chủ tàu đứng ngồi không yên. Đưa tay chỉ về phía những chiếc ghe không một bóng người, ông Điền cho hay: “Nếu bạn ghe tập trung kịp thì xuất bến đầu năm, nếu không phải đợi 3 - 4 tháng sau. Thậm chí, một số ghe đã đậu bờ nhiều năm nay vì đi biển thua lỗ, không có bạn ghe”.
TIỀN MẤT, TÀU VẪN NẰM BỜ
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.900 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có khoảng 1.900 tàu lưới kéo, mỗi phương tiện cần từ 6-15 lao động.
Trưa 15-2, vẫn còn hơn 20% số lượng ghe tại cảng Phước Tỉnh chưa xuất bến vì thiếu lao động. |
Tình trạng “khát” lao động đi biển xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng thời điểm sau Tết Nguyên đán là căng thẳng nhất. Ông Nguyễn Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chủ của 3 cặp tàu kéo lưới giải thích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghề biển như: Lao động tại địa phương thạo nghề thì hoặc do lớn tuổi, hoặc do chuyển qua làm việc khác đỡ vất vả và bảo đảm an toàn hơn; ngư trường ngày càng cạn kiệt, nhiều chuyến tàu ra khơi thua lỗ, bạn ghe không được chia tiền công dẫn đến chán nản, bỏ nghề. Do thiếu lao động, chủ tàu phải tuyển người từ các tỉnh, thành khác và không có sự ràng buộc chặt chẽ…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giữ chân lao động, nhiều chủ tàu thường ứng tiền cho bạn ghe trước mỗi chuyến đi. “Sau khi nhận tiền ứng trước, nhiều bạn ghe không trở lại. Có trường hợp bạn ghe mang theo cả đồ đạc cá nhân lên ghe, rồi lấy cớ say sóng, đi mua vật dụng cá nhân và bỏ đi luôn, làm lỡ cả chuyến biển”, Ông Hồ Minh Máy, ở xã Phước Tỉnh, chủ 4 cặp ghe than thở. Hầu như chủ tàu nào cũng gặp tình trạng này. Người ít thì mất 100-200 triệu đồng/năm do bạn ghe tạm ứng nhưng không trở lại, chủ nào có nhiều tàu, số tiền bị bạn ghe “giật” cũng nhiều hơn. Trường hợp ông Nguyễn Văn Quang (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) là ví dụ. Ông có 5 ghe lớn, mỗi ghe cần 30 lao động. Do số lượng bạn ghe không trở lại nhiều sau Tết nên hàng năm, ông bị mất từ 500-700 triệu đồng.
Theo thống kê, nguồn nhân lực phục vụ cho các đội tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh khoảng 33.000 lao động. Trong đó, lao động địa phương chỉ chiếm 10%, còn lại đến từ các tỉnh khác. Do chỉ là lao động thời vụ, không có sự ràng buộc nên các lao động ở lĩnh vực này thiếu sự gắn bó với chủ tàu và hay bỏ việc, nhảy việc khi được chủ tàu khác trả lương cao hơn. Theo quy hoạch của ngành thủy sản, trong năm 2019, tỉnh sẽ giảm số lượng tàu lưới kéo từ 1.900 phương tiện xuống còn 850 phương tiện, kéo theo nguồn nhân lực cho đội tàu này cũng giảm phân nửa, từ gần 16.000 xuống còn 8.000 lao động. Số lao động này sẽ được tỉnh tạo điều kiện cho học nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. (Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản)
|
Anh Nguyễn Trần Bình (40 tuổi), có thâm niên 5 năm đi biển. Anh Bình quê ở Nghệ An, gia đình làm nông nghiệp nhưng thu nhập bấp bênh nên anh theo bạn vào BR-VT đi biển. “Nghề đi biển khá vất vả và đối mặt nhiều hiểm nguy nhưng bù lại có thu nhập khá ổn để nuôi 3 con ăn học nên tôi vẫn kiên trì gắn bó với nghề. Với một số bạn ghe khác, vì không xin được làm việc trực tiếp với chủ tàu mà phải qua “cò” nên họ gần như mất trắng số tiền đi chuyến đầu tiên. Thêm vào đó, nghề biển vất vả, phải xa gia đình nhiều ngày nên nhiều người không chịu đựng được, phải về quê tiếp tục gắn bó ruộng vườn, hoặc xin làm công nhân để được ở gần gia đình”, anh Bình nhận định.