Nguy cơ bệnh sởi lan rộng

Thứ Sáu, 22/02/2019, 15:21 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh sởi đang lan rộng trên 43 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng tại BR-VT, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 24 ca bệnh sởi. Điều đáng lo ngại là trong thời điểm gia tăng ca sởi thì trào lưu “anti vaccin” (tẩy chay vắc xin) đang lôi kéo không ít phụ huynh từ chối tiêm vắc xin sởi cho con. 

Bệnh sởi thường biến chứng viêm phổi, hoặc biến chứng viêm tai giữa, viêm não tủy…. và có thể dẫn đến tử vong. Trong ảnh: Bác sĩ BV Bà Rịa thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm phổi.
Bệnh sởi thường biến chứng viêm phổi, hoặc biến chứng viêm tai giữa, viêm não tủy… và có thể dẫn đến tử vong. Trong ảnh: Bác sĩ BV Bà Rịa thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm phổi.

PHẦN LỚN CA BỆNH ĐỀU CHƯA TIÊM PHÒNG

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 24 trường hợp mắc sởi có 16 trường hợp là trẻ em, 12 trường hợp là người lớn, thì chỉ có duy nhất 1 trường hợp đã tiêm vắc xin sởi, các trường hợp còn lại đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi. Còn trong năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 11 ca mắc sởi thì 50% số ca bệnh chưa tiêm vắc xin sởi, 40% số ca bệnh là trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin sởi; chỉ có 10% số ca bệnh đã tiêm vắc xin. Trong đó có những trường hợp từ chối tiêm vắc xin sởi tại trạm y tế (tiêm từ 9 tháng tuổi) mà chờ tiêm vắc xin dịch vụ sởi - quai bị - rubella (vắc xin này phải đợi khi bé 12 tháng tuổi mới được tiêm).

Theo tìm hiểu của chúng tôi (PV), hiện nay trào lưu anti vaccin (tẩy chay vắc xin) đang ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh khiến họ chần chừ việc đưa con đến trạm y tế tiêm vắc xin sởi. Chị N.H.M, ở phường 7, TP.Vũng Tàu cho hay, vừa rồi có một trang facebook gắn thẻ vào facebook của chị để lôi kéo chị tham gia nhóm những phụ huynh tẩy chay tiêm vắc xin, đặc biệt là vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đọc những bài viết trong trang này, chị cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng. 

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu.

Được biết, trào lưu “anti vaccin” xuất phát ở nước ngoài sau đó lan đến Việt Nam và rộ lên từ vài ba năm nay. Trào lưu này chống lại việc tiêm vắc xin vì cho rằng để hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động, sau này trẻ sẽ khỏe và sức đề kháng bệnh tốt hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ của các nước đã phải ban hành quy định xử phạt các gia đình không đưa con đi tiêm phòng. Tại Việt Nam, trên mạng xã hội còn đồn thổi biến chứng của vắc xin trong thời gian gần đây để tạo hiệu ứng tẩy chay vắc xin vì cho là có hại. Bộ Y tế đã có những khuyến cáo, cảnh báo về trào lưu “anti vaccin” gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ và cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tiêm phòng vắc xin không chỉ tạo hệ thống miễn dịch chủ động phòng tránh các bệnh hiểm nghèo cho trẻ mà còn tạo miễn dịch cộng đồng nhằm giảm nhanh tỷ lệ mắc các bệnh cũng như tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Tình trạng trẻ không được tiêm vắc xin sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi rất đáng lo ngại; bởi sau một thời gian, miễn dịch cộng đồng ở nhóm tuổi này sẽ giảm, tất yếu dẫn đến tình trạng bệnh sởi sẽ bùng phát thành dịch. 

Bệnh sởi thường biến chứng viêm phổi, hoặc biến chứng viêm tai giữa, viêm não tủy….và có thể dẫn đến tử vong. Các biểu hiện ban đầu của bệnh sởi lại tương đồng với sốt phát ban nên thường khiến phụ huynh chủ quan dẫn đến trẻ mắc sởi không được điều trị kịp thời, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nêu trên. Để phòng bệnh cho trẻ, các bà mẹ cần bảo đảm dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Đối với trẻ nhỏ chưa tới 9 tháng tuổi cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để trẻ nhận được kháng thể phòng chống bệnh từ người mẹ truyền sang con. 

(Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bà Rịa)

Nhiều năm qua, nhờ có thành quả của tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đã thanh toán, loại trừ, khống chế nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát trở lại. Bằng chứng là năm 2014, dịch sởi bùng phát trở lại một phần là do phụ huynh “tẩy chay” vắc xin sởi. Hậu quả của dịch sởi đã làm 142 người tử vong, hơn 4.600 người phải nhập viện điều trị. Do đó, việc đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch không chỉ bảo vệ trẻ khỏi các bệnh dịch mà còn giúp cộng đồng loại trừ, thanh toán dịch bệnh. 

TẤT CẢ TRẺ PHẢI ĐƯỢC TIÊM VẮC XIN PHÒNG SỞI

Bác sĩ Quan cho biết, để phòng chống bệnh sởi, cách tốt nhất là tất cả trẻ từ 9 tháng tuổi phải được tiêm vắc xin phòng sởi. Do đó, bên cạnh việc duy trì tốt việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại trạm y tế từ 9 tháng tuổi, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông sâu rộng để phụ huynh hiểu rõ hơn tác dụng, lợi ích của vắc xin; đặc biệt là cách theo dõi và xử trí khi trẻ xảy ra những phản ứng khi tiêm vắc xin, nhằm tránh những thông tin sai lệch, tin đồn không đúng về vắc xin và tiêm chủng, duy trì niềm tin, sự hưởng ứng của cộng đồng với chương trình tiêm chủng mở rộng, không để xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, nhân viên y tế cũng tiếp tục vận động và khuyến khích các cha mẹ và gia đình tham gia phối hợp cùng ngành y tế cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. 

Đưa trẻ đi tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế phường 4, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MINH THIÊN
Đưa trẻ đi tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế phường 4, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MINH THIÊN

Ngành y tế cũng đã có chỉ đạo các điểm tiêm dịch vụ công lập (gồm các trung tâm y tế huyện, tỉnh) tổ chức triển khai tiêm vắc xin sởi (miễn phí) trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho những đối tượng trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi. Bảo đảm an toàn tiêm chủng và thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước trên phần mềm hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đối với mỗi đối tượng đến tiêm tại cơ sở. Thông báo ngày tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trong nhóm tuổi này đến các phòng tiêm vắc xin dịch vụ tư nhân biết để những nơi này chuyển đối tượng khi có nhu cầu. 

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các BV lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ BV. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Người chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Tại tất cả các cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập và tư thục đều buộc phải tư vấn và hướng dẫn gia đình trẻ tiêm vắc xin sởi tại các trạm y tế hoặc tại các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. 

Đối với các đơn vị khám chữa bệnh cần báo cáo sớm các trường hợp bệnh sốt phát ban nghi sởi – rubella ngay khi có ca bệnh để điều tra kịp thời; đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm của tất cả các trường hợp bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi - rubella (cả người lớn và trẻ em) đến khám, điều trị tại hai BV tỉnh và các trung tâm y tế. Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản đúng quy định và gửi cùng với phiếu điều tra ca bệnh về Trung tâm Y tế dự phòng trong vòng 2 ngày.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.