Phía sau những giọt mồ hôi mặn mòi của các bác sĩ, y tá ở nhà giàn DK1, nhiều ngư dân gặp nạn trên biển đã tìm được sự sống. Trong vùng bão tố ấy, giữa thầy thuốc và người bệnh không có khoảng cách, chỉ có tình người, tình quân dân thắm thiết.
Với những ngư dân ngày đêm lênh đênh trên biển, nhà giàn DK1 luôn là chỗ dựa về mọi mặt. |
CÂU CHUYỆN HỒI SINH
Đã nhiều năm trôi qua, song chuyện xúc động về 2 ngư dân Quảng Ngãi đã chết lâm sàng được cán bộ chiến sĩ nhà giàn Tư chính 5 (DK1/14) cứu sống vẫn in đậm trong ký ức Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, nguyên chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/14.
Thiếu tá Đoàn kể: Một trưa tháng 4 - 2016, trong khi cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/14 đang ăn cơm thì phát hiện một chiếc ghe của ngư dân tiến nhanh vào nhà giàn. “Theo kinh nghiệm, nhận định chắc chắn trên ghe có người gặp nạn, cần được cứu giúp. Chúng tôi bỏ dở bữa cơm. Y sĩ được lệnh chuẩn bị cấp cứu tại chỗ. Hơn một giờ sau, chiếc ghe tiến sát nhà giàn và phát tín hiệu xin được cấp cứu”.
“Lúc đó, sóng lừng, chiếc ghe tròng trành chao đảo. Chiến sĩ trên nhà giàn chạy xuống sàn cập tàu, tung dây mồi. Từ phía ghe, một người đàn ông hơn 50 tuổi (thuyền trưởng Dương Văn Út - PV) hét lớn: Các chú ơi, cứu chúng tôi với! Ông chỉ kịp nói như thế rồi òa khóc, mắt hướng về phía 2 ngư dân nằm lịm trên ghe”, Thiếu tá Đoàn kể.
2 ngư dân bị nạn nhanh chóng được cõng lên nhà giàn. Đại úy chuyên nghiệp y sĩ Nguyễn Phương Đông tiến hành sơ cứu. Cả 2 ngư dân bị tắc tiểu, tình hình rất nguy kịch. Trong đó, 1 người đã có dấu hiệu chết lâm sàng.
Bác sĩ đại úy Nguyễn Phương Đông, ở Nhà giàn DK1/7 khám bệnh cho ngư dân. |
Khẩn cấp vô trùng các thiết bị y tế, vừa hô hấp nhân tạo và nhanh chóng luồn ống thông tiểu. 2 phút trôi qua, bỗng nhiên, bệnh nhân bắt đầu co dựt, mắt trợn ngược, mạch không tìm thấy. Trước diễn biến nguy kịch, y sĩ Đông đã khẩn cấp dùng miệng hút nước tiểu của người bệnh ra qua ống thông tiểu, giúp bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Sau hơn 3 giờ tận tình cấp cứu chăm sóc, 2 ngư dân đã tỉnh lại.
“Để tỏ lòng cảm ơn, ông Dương Văn Út đem 2 bịch cá tươi lên giàn. Bữa cơm chiều thân mật giữa cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/14 với ngư dân hôm đó có thêm món chả cá thu do các ngư dân làm. Ông Dương Văn Út đề nghị kết nghĩa với nhà giàn DK1/14 và xin nán lại một đêm trên nhà giàn để cho 2 ngư dân có thời gian nghỉ ngơi thêm. Cũng từ đó, mỗi lần đi biển, ghe của ông Út lại ghé nhà giàn.
ĐIỂM TỰA CỦA NGƯ DÂN
Hiện nay, tại các nhà giàn DK1 có 15 y, bác sỹ đang thực hiện nhiệm vụ. Họ vừa làm tốt công tác quân y, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tại các nhà giàn, vừa tham gia tích cực hoạt động cứu giúp ngư dân trên biển. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, các y bác sĩ của nhà giàn DK1 đã cứu sống hơn 10 ngư dân gặp nạn.
Y sĩ Nguyễn Văn Bảy (nhà giàn DK1) cho biết: “Ngoài tai nạn lao động, ngư dân khi đánh bắt xa bờ dễ gặp nguy hiểm với các bệnh như viêm ruột thừa, bí tiểu. Những căn bệnh này có thể xử lý dễ dàng trong đất liền, nhưng lại đặc biệt khó khăn giữa biển khơi. Như việc thực hiện một ca mổ. Để an toàn, phòng mổ phải kín, đảm bảo không có gió thổi vào vết thương. Nhưng điều đó làm sao có thể có giữa biển khơi. Bởi vậy, thành công của ca mổ và cấp cứu trên biển, yếu tố quyết định vẫn là bản lĩnh, trình độ của các y bác sĩ”.
Giữa ngàn khơi DK1, dù thiếu thốn trăm bề nhưng các y sĩ trên nhà giàn vẫn bám trụ vững vàng, trở thành những điểm tựa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang hành nghề trên biển.
Bài ảnh: MAI THẮNG