KỶ NIỆM 64 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2-1955 - 27-2-2019)

Giành giật sự sống cho bệnh nhân

Thứ Ba, 26/02/2019, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi y lệnh của bác sĩ có thể quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Trong nhiều tình huống, y lệnh có thể khiến bác sĩ đối mặt với trách nhiệm pháp lý. Bên cạnh trình độ chuyên môn, trách nhiệm của một thầy thuốc, với các bác sĩ, mỗi y lệnh còn xuất phát từ trái tim, coi người bệnh như nguời thân của mình để giành lấy sự sống cho họ.

Bác sĩ CKI Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bà Rịa khám bệnh cho chị Đinh Thị Thắm (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), bị bệnh Bạch cầu dòng tủy.  Ảnh: ĐNH HÙNG
Bác sĩ CKI Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bà Rịa khám bệnh cho chị Đinh Thị Thắm (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), bị bệnh Bạch cầu dòng tủy. Ảnh: ĐINH HÙNG

TRẮNG ĐÊM CỨU NGƯỜI

Nửa đêm về sáng, khi mọi người đang say giấc thì những y bác sĩ lại luôn phải giữ đầu óc thật tỉnh táo, tâm thế sẵn sàng khi có ca bệnh cần cứu chữa. Nhắc lại một vụ cấp cứu sản phụ từ tháng 5-2018, bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện (BV) Lê Lợi vẫn còn nhớ như in. Hôm đó, dù không phải ca trực, nhưng giữa đêm, khi đang ngon giấc, bác sĩ Ba nhận được cuộc gọi từ BV gọi vào hỗ trợ cấp cứu cho một sản phụ bị vỡ tử cung, đang nguy kịch. Vừa kịp thay đồ xong, xe BV đã chờ trước cửa, bác sĩ Ba nhanh chóng lên xe vào BV. Ca bệnh rất nghiêm trọng, thai đã lọt vào ổ bụng, sản phụ mất nhiều máu. Khẩn trương hội chẩn, bác sĩ Ba cùng các đồng nghiệp thức trắng đêm trong phòng mổ, từng phút, từng giây giành giật sự sống cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân có dấu hiệu sinh tồn và tỉnh lại, ê kíp phẫu thuật mới thở phào nhẹ nhõm. “Những ca cấp cứu đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết của bệnh nhân nhiều khi như tình thế ngàn cân treo sợi tóc khiến chúng tôi luôn trong tâm trạng căng thẳng tột độ. Dù vậy, đã là thầy thuốc, chúng tôi sẵn sàng đối mặt và vượt qua”, bác sĩ Ba tâm sự.

Các bác sĩ BV Bà Rịa tiến hành phẫu thuật đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân bị tai biến tim mạch.
Các bác sĩ BV Bà Rịa tiến hành phẫu thuật đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân bị tai biến tim mạch.

Bác sĩ Nguyễn Thị Uyên Chi, Trưởng khoa Y học cổ truyền, BV Bà Rịa cũng có nhiều lần thức trắng đêm để cấp cứu bệnh nhân. Trong đó, ca chị nhớ nhất là vào tháng 8-2018, Khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận một nam thanh niên là ngư dân, quê An Giang, đánh bắt ở vùng biển Long Hải (huyện Long Điền) bị ngộ độc khí. Bệnh nhân được đưa vào BV trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, cơ thể tím tái, sùi bọt mép, đã được hồi sức tích cực chống độc nhưng dấu hiệu sinh tồn rất yếu. Thời điểm đó, liệu pháp oxy cao áp còn quá mới mẻ, chưa được ứng dụng phổ biến cho những trường hợp nguy kịch như vậy, nhưng với suy nghĩ “còn nước, còn tát”, phải cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá, bác sĩ Chi đã đề nghị lãnh đạo BV sử dụng liệu pháp này để cứu bệnh nhân. “Thật may mắn, sau 20 phút, bệnh nhân đã có phản ứng tri giác và 1 giờ sau thì tỉnh lại, qua cơn nguy kịch. Đêm hôm đó, tôi hồi hộp, mong chờ đến nghẹt thở giây phút bệnh nhân tỉnh lại. Khi đôi mắt bệnh nhân mấp máy, dấu hiệu sinh tồn trở lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ”, bác sĩ Chi nhớ lại. 

Y bác sĩ BV Bà Rịa chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật đặt ống Catheter. Ảnh: MINH THIÊN
Y bác sĩ BV Bà Rịa chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật đặt ống Catheter. 

Để cứu sống bệnh nhân, các y, bác sĩ phải dành trọn cả đêm thao thức cùng người bệnh. Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Trưởng Khoa Tim mạch - Lão học, BV Lê Lợi kể, có lần tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, ngưng tim, ngưng thở, cơ hội sống rất mong manh. Bác sĩ Tuân cùng ê kíp trực đã thức trắng đêm theo dõi từng động tĩnh của bệnh nhân. Thấy bệnh nhân lóe lên dấu hiệu sinh tồn đầu tiên, bác sĩ Tuân lập tức đề xuất hội đồng hội chẩn, có sự tham gia của bác sĩ BV Nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh tiến hành phương pháp lọc máu liên tục, cứu bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.  

KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO TAY NGHỀ

Mỗi y lệnh chuẩn xác, cứu sống được người bệnh là kết quả từ quá trình học hỏi, rèn luyện nâng cao tay nghề của người thầy thuốc. Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Khoa Ngoại-thần kinh, BV Bà Rịa chia sẻ: “Bác sĩ dù đã thành công trong nhiều ca mổ khó, phức tạp cũng không bao giờ được tự mãn. Với sự tiến bộ của y học ngày nay, bác sĩ càng phải không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Hơn nữa, các BV tuyến trên thường xuyên chuyển giao kỹ thuật mới cho các BV tuyến tỉnh, nếu không chủ động học tập, rèn luyện tay nghề, chúng tôi khó có thể tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả những kỹ thuật này”. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi cho biết, trong bối cảnh thiếu nhân lực hiện nay, các bác sĩ đảm nhiệm công tác chuyên môn khám chữa bệnh luôn trong tình trạng làm không hết việc. Tuy nhiên, BV không thể lấy lý do này mà xao nhãng công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ. Bởi, bác sĩ yếu tay nghề đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội được cứu chữa bằng những phương pháp, kỹ thuật hiện đại, nhất là những kỹ thuật được các BV tuyến trên chuyển giao. “Những năm qua, BV Lê Lợi đã nhận chuyển giao và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại như phương pháp dùng tiêu sợi huyết cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, lọc máu liên tục, các kỹ thuật về lĩnh vực tim mạch… Thành công đó là nhờ sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ BV”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước khẳng định.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa cũng cho rằng, chất lượng khám chữa bệnh có được nâng lên hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của đội ngũ y bác sĩ. Thời gian qua, BV Bà Rịa đã chủ động hợp đồng, liên kết với các BV tuyến trên đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ; triển khai các kỹ thuật khám chữa bệnh chuyên sâu như: lọc màng bụng, hóa trị, phẫu thuật ung thư… “Nhờ đó, bệnh nhân được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn, nhiều ca bệnh trước đây phải chuyển viện trong tình trạng nguy hiểm thì nay đã có thể điều trị ngay tại BV”, bác sĩ Hương nói. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.