Cải thiện thu nhập từ nghề đan giỏ lục bình
Những năm gần đây, nghề đan giỏ lục bình ở xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) ngày càng phát triển mạnh, giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Cao Thị Đào (người dân ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Tân) có thêm thu nhập mỗi tháng hơn 2 triệu đồng từ khi biết nghề đan giỏ lục bình. |
Tay thoăn thoắt luồn từng cọng lục bình vào nhau để đan thành chiếc giỏ, bà Lê Thị Hường (ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Tân) cho biết, từ năm 2015 đến nay, nghề đan giỏ lục bình đã giúp kinh tế gia đình bà ổn định. “Thời gian đầu làm chưa quen tay nên thao tác còn chậm, nay thì tôi đã thành thạo rồi. Mỗi ngày tôi đan được 3-4 giỏ, thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/tháng”, bà Hường kể.
Gia đình bà Hường không có nhiều ruộng đất. Bà làm công nhân vệ sinh môi trường nên thu nhập không cao. Từ khi có nghề đan giỏ lục bình, vợ chồng bà đã có thêm khoản tiền khá để trang trải chi phí sinh hoạt. Ông Lê Hữu Trí nói thêm: “Năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng mỗi ngày tôi đan được 2 sản phẩm, tiền công được hơn 100 ngàn đồng. Công việc rất phù hợp với tuổi tác, lại cho thu nhập khá, giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, không phải phụ thuộc vào con cháu”.
Theo tìm hiểu, nghề đan giỏ lục bình do ông Cao Quang Tình (ở ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Tân) khởi xướng. Ông Tình học nghề này tại Công ty TNHH Khang Việt Tiến (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Sau đó, ông dạy lại cho người thân trong gia đình và bà con địa phương. Nguyên liệu là cây lục bình, được ông Tình phơi khô, cắt bỏ phần gốc rồi ngâm nước cho mềm và đan theo mẫu. Ông Tình chia sẻ: “Nghề đan lục bình đã “bén duyên” với gia đình tôi từ năm 2014, sau đó có thêm vài hộ tham gia. Đến nay, chúng tôi đã phát triển thành HTX Nông nghiệp đan lát Phước Tân với gần 100 lao động”. Ông Tình là Giám đốc HTX, chuyên tổ chức nhận khuôn, nguyên liệu rồi phân phối cho bà con đan lát, sau đó thu gom sản phẩm giao cho Công ty TNHH Khang Việt Tiến xuất khẩu.
Theo ông Tình, việc đan giỏ lục bình không khó, người sáng dạ chỉ học 5 ngày là có thể làm được. Người nào học chậm hơn cũng chỉ mất chừng 10 ngày. “Nghề đan lục bình rất dễ làm, chỉ cần để ý quan sát, cộng thêm chút khéo tay, cần cù là được. Do không tốn nhiều sức nên bất kể độ tuổi nào, kể cả người già hay trẻ em cũng có thể làm được”, ông Tình khẳng định.
Theo ông Nguyễn Hữu Quyên, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, năm 2019, xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2020. “Nghề đan giỏ lục bình vừa giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, vừa giúp người dân có thêm thu nhập. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nghề đan lục bình tiếp tục phát triển, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới”, ông Quyên bày tỏ.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - TẤN LINH