Bệnh đau mắt đỏ gia tăng bất thường

Thứ Tư, 20/02/2019, 17:34 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) thường tăng cao vào thời điểm tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, bệnh lại tăng nhanh bất thường. Bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể dẫn đến giảm thị lực. 

Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

Những ngày qua, số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại các phòng khám, bệnh viện (BV) tăng mạnh. Tại BV Mắt tỉnh, mỗi ngày có 350-400 lượt bệnh nhân khám đau mắt đỏ. Theo thống kê, chỉ trong 40 ngày (từ 1-1 đến 20-2), BV đã tiếp nhận điều trị cho 2.833 trường hợp. Trong đó, nhiều trường hợp trở nặng do bệnh nhân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt. 

Chị N.T. ở TP. Vũng Tàu bị lây bệnh đau mắt đỏ từ con. Tuy nhiên, chị không đi khám mà dùng thuốc nhỏ mắt do bác sĩ kê cho con chị để nhỏ. Khi hết thuốc, chị đến nhà thuốc mua loại giống như vậy về dùng. Khi tình trạng đau mắt không thuyên giảm mà càng nặng đến nỗi không nhìn rõ, chị mới đi khám bác sĩ thì được chẩn đoán viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đã chuyển biến nặng. Bác sĩ cho biết, nếu để lâu, mắt của chị sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Tương tự, bé T.M., 6 tuổi ở TP. Bà Rịa thì bị sốt, mắt nhiều ghèn, sưng đỏ nên gia đình đưa đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm kết mạc. Mẹ bé cho biết, ban đầu thấy mắt con bị đỏ, chảy nước, nhiều ghèn, chị mua thuốc nhỏ mắt tại hiệu thuốc về nhỏ cho con nhưng không đỡ nên mới đưa con đến bác sĩ. 

Bác sĩ Hà Danh Vương (BV Mắt tỉnh) cho hay, phần lớn bệnh nhân đến khám đã mắc bệnh 3 - 5 ngày. Trước đó, bệnh nhân thường tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt, thấy không đỡ mới đến bác sĩ khám thì bệnh đã chuyển nặng khiến cho việc điều trị kéo dài hơn. “Nhiều trường hợp bệnh nhân hoặc người nhà còn không biết loại thuốc nhỏ mắt đã sử dụng. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng như mắt đỏ, chảy nước mắt, ngứa mắt, người bệnh cần đi khám mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Vương khuyến cáo. 

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt, bệnh đau mắt đỏ thường gia tăng và lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa từ tháng 10 đến tháng 12 khi thời tiết khô hanh. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, bệnh đau mắt đỏ đã tăng hơn so với thường lệ. Năm nay, bệnh đau mắt đỏ còn có đặc điểm là khởi nguồn từ trẻ em rồi lây cho cả gia đình, nên tốc độ lây lan càng nhanh. Bệnh đau mắt đỏ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc, dùng tay quẹt mắt và sờ, đụng vào đồ vật, dùng chung ly, chén, khăn, chậu… là trung gian lây bệnh cho người khác. Hơn nữa, do nước mắt của người bệnh trôi xuống cổ họng nên nước bọt của người có chứa virus gây bệnh có thể lây sang người khác khi nói chuyện, giao tiếp gần. 

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường bị đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm giác khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy 2 mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt, mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Thông thường, người bệnh vẫn nhìn rõ, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu bệnh trở nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cách phòng tránh đau mắt đỏ hữu hiệu nhất là người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung các vật dụng cá nhân như: khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ, vô trùng các đồ dùng của người bệnh bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn.

Ngoài ra, người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây lan cho cộng đồng; nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.