Nhọc nhằn "nghiệp" cứu nạn, cứu hộ

Thứ Tư, 23/01/2019, 15:59 [GMT+7]
In bài này
.

Lao vào đám cháy, đu người giữa lưng chừng núi, nhà cao tầng hoặc ngâm mình dưới dòng nước đen kịt, hôi tanh… để cứu người hoặc tìm vớt thi thể nạn nhân, những người lính Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) luôn đối mặt với hiểm nguy. Đối với họ, đây không chỉ là nghề mà là cái “nghiệp”.

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 luyện tập phương án chữa cháy với trang bị bình khí ô xy và mặt nạ chống độc.
Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 luyện tập phương án chữa cháy với trang bị bình khí ô xy và mặt nạ chống độc.

THƯỜNG XUYÊN LUYỆN TẬP 

Có dịp ghé thăm Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 (TP. Vũng Tàu) vào đầu buổi sáng hoặc buổi chiều hàng ngày, khách sẽ bắt gặp hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ đang hăng say tập luyện các phương án chữa cháy và CNCH. Mỗi nhóm luyện tập một tình huống khác nhau. Nhóm sử dụng kìm banh, cắt thủy lực, cưa sắt và các dụng cụ chuyên dụng khác để cắt, tháo dỡ, tách rời các cấu kiện trong trường hợp khi có sự cố sập đổ, hoặc xe ô tô bị tai nạn giao thông làm biến dạng dúm dó mắc kẹt người bên trong. Nhóm khác luyện tập phương án chữa cháy với bình khí ô xy và mặt nạ chống độc. Các động tác được các anh thực hiện nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Trong năm 2018, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh tiếp nhận 172 tin báo cháy, đã huy động lực lượng xử lý kịp thời không để cháy lan, cháy lớn; tiếp nhận và xử lý 3 tin báo yêu cầu tham gia CNCH (đuối nước khi tắm biển, yêu cầu tìm kiếm xác nạn nhân bị rơi xuống giếng và tin nạn nhân bị tai nạn giao thông). Kết quả, đơn vị đã tìm kiếm được 2 xác nạn nhân và giải cứu khỏi xe ô tô bị tai nạn giao thông một nạn nhân bị thương, đưa vào bệnh viện.

Gần 15 năm gắn bó với nghề, Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 cho biết, sự cố có thể giống nhau nhưng tính chất, mức độ, hiện trường lại khác nhau. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện CNCH trong các công trình luôn tiềm ẩn nguy cơ bị công trình sập đổ, vật liệu đè lên người. Còn khi CNCH dưới nước, nhất là ở những mực nước sâu, ai nấy như người “mù”, bởi lòng nước như đêm tối. Nhìn từ bờ, mặt nước có vẻ phẳng lặng, nhưng dưới nước lại hoàn toàn khác khi chứa đầy những vật sắc nhọn, hố sâu, dòng xoáy, cọc và đủ thứ cạm bẫy khác có thể gây thương tích, đe dọa tính mạng người mang “cái nghiệp” CNCH. “Vì vậy, việc thường xuyên tổ chức tập luyện sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ làm quen, thành thạo với các trang thiết bị, hiện trường giả định để khi xảy ra sự cố thì thực hiện nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn và đạt hiệu quả cao”, Trung tá Nguyễn Trọng Sơn cho hay.

ỨNG PHÓ NHIỀU TÌNH HUỐNG 

Từ các phương án tập luyện, cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và CNCH đã ứng phó được các tình huống để hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình như, khoảng 14 giờ ngày 27-11-2018, ông N.T.T. (SN 1968, trú tại phường 3, TP. Vũng Tàu) cùng một người bạn đi thả lưới bắt cá tại hồ Bàu Sen (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu), bị trượt chân rơi xuống hồ. Sau khi nhận tin báo, lực lượng Cánh sát PCCC và CNCH đã nhanh chóng huy động 2 xe cứu nạn và 20 chiến sĩ đến hiện trường. Mặc dù vụ việc xảy ra vào ban ngày, nhưng mặt hồ rộng, đáy sâu và nước phía dưới đục, khiến việc tìm kiếm nạn nhân gặp không ít khó khăn. Các chiến sĩ phải dàn hàng ngang, lặn xuống và giăng lưới khu vực tìm kiếm. Sau hơn một giờ ngụp lặn trong dòng nước tanh hôi, các anh đã vớt được xác nạn nhân và bàn giao cho gia đình. 

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mò tìm xác ông N.T.T. (SN 1968, trú tại phường 3, TP. Vũng Tàu) bị trượt chân rơi xuống hồ Bàu Sen tháng 11-2018.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mò tìm xác ông N.T.T. (phường 3, TP. Vũng Tàu) bị trượt chân rơi xuống hồ Bàu Sen tháng 11-2018.

Với những vụ tai nạn xảy ra trên sông, trên biển, có dòng chảy xiết thì công tác tìm kiếm gian nan hơn gấp bội. Chẳng hạn, tháng 8-2017, một người đàn ông tự tử tại kênh Bến Đình (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã huy động hơn 10 chiến sĩ dàn hàng ngang mò quanh khu vực gầm cầu và sử dụng lưới cào giữa sông. “Giữa dòng nước chảy xiết và đen kịt, hôi thối, các chiến sĩ cứ lội chừng vài mét là nước mắt, nước mũi trào ra, choáng váng cả người. Sau khoảng 1 tiếng ngụp lặn trong làn nước ô nhiễm (từ 22 giờ đến 23 giờ), các chiến sĩ cũng đã tìm được nạn nhân và bàn giao cho gia đình. Khi lên bờ, môi chiến sĩ nào cũng thâm quầng, người run lên mỗi khi có cơn gió thoảng qua, có người tay chân xây xước vì va phải các vật sắc nhọn”, Trung tá Nguyễn Trọng Sơn kể.

Đặc thù của nghề chữa cháy và CNCH là thường xuyên đối mặt với những tình huống nguy cấp, khó khăn ở nhiều địa hình khác nhau. Nhưng các cán bộ, chiến sĩ PCCC và CNCH luôn trong tâm thế không quản hiểm nguy, sẵn sàng xả thân thực hiện nhiệm vụ vì cuộc sống bình yên của người dân. 
(Thiếu tá Trần Văn Lung, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh)

Không chỉ lặn ngụp dưới sông, biển tìm kiếm thi thể người bị nạn, các cán bộ, chiến sĩ CNCH còn lao vào nguy hiểm cứu người gặp nạn còn sống. Giữa tháng 8-2018, nhận được tin báo có người nước ngoài trong quá trình leo lên thám hiểm Núi Nhỏ (phường 2, TP. Vũng Tàu) thì bị mắc kẹt, lực lượng chữa cháy và CNCH đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và triển khai công tác cứu nạn. Vị trí người này mắc kẹt nằm giữa vách đá, dốc thẳng đứng cách mặt đất khoảng 100m. Nguy hiểm nhất là trời mới mưa, đất đá trơn trượt. 

Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 luyện tập cắt, tháo dỡ, tách rời các cấu kiện trong trường hợp khi có sự cố sập đổ hoặc tai nạn giao thông.  Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đội chữa cháy và CNCH khu vực 2 luyện tập cắt, tháo dỡ, tách rời các cấu kiện trong trường hợp khi có sự cố sập đổ hoặc tai nạn giao thông. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Sau khi nghiên cứu địa hình, phương án cứu nạn được thực hiện bằng cách các chiến sĩ leo lên phía trên người bị nạn rồi cố định dây và đu người xuống. Leo đến đâu, những viên đá lớn, đá nhỏ rớt xuống đến đó. Chiến sĩ chỉ cần sơ sảy một chút sẽ bị rơi xuống, khó bảo toàn tính mạng. Nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, các anh đã tiếp cận và đưa được người đàn ông nước ngoài xuống đất an toàn. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.