.

Không cải thiện thu nhập, khó giữ được bác sĩ

Cập nhật: 18:03, 15/01/2019 (GMT+7)

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút, “giữ chân” bác sĩ (BS) có tay nghề. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng thiếu BS vẫn xảy ra tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.  

NƠI NÀO CŨNG THIẾU

Thống kê của Sở Y tế cho thấy, để đạt chỉ tiêu 8,5 BS/10.000 dân vào năm 2020 theo Nghị quyết HĐND tỉnh, trong năm 2019 và 2020, toàn ngành cần thêm 126 BS, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu và chuyên khoa hiếm, như: Lao, phong, tâm thần. Hiện nay, tình trạng thiếu BS diễn ra ở hầu hết các bệnh viện (BV) trên toàn tỉnh.

Do thiếu bác sĩ, khoa Nội của BV Lê Lợi quá tải bệnh nhân. Trong ảnh: Các bác sĩ khoa Nội, BV Lê Lợi đang viết bệnh án.
Do thiếu bác sĩ, khoa Nội của BV Lê Lợi quá tải bệnh nhân.
Trong ảnh: Các bác sĩ khoa Nội, BV Lê Lợi đang viết bệnh án.

BV Lê Lợi có quy mô 420 giường bệnh, mỗi ngày có hơn 2.000 lượt người khám bệnh, nhưng BV chỉ có 73 BS, thiếu 30 BS. Hầu hết các khoa của BV đều thiếu BS, nhất là khoa Sản. Trong 1 năm qua, khoa này có tới 7 BS nghỉ việc (2 người xin thôi việc, 1 người chuyển công tác, 4 người nghỉ hưu), trong khi BV chưa tuyển được người bổ sung, thay thế. Khoa hiện có 5 BS nhưng chỉ 3 BS trực chính, còn 2 BS mới ra trường. Căng thẳng nhất là việc bố trí trực ca 24/24; bởi chỉ cần 1 người nghỉ phép hay có việc phải nghỉ thì sẽ không có người trực. Có thời điểm, có người đến sinh con hoặc cấp cứu sản khoa, BV buộc phải chuyển viện vì thiếu BS trực. BS Hoàng Phước Ba, Trưởng khoa Sản than thở: “Việc trực dồn, trực liên tục khiến chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động nên rất mệt mỏi và căng thẳng. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài e rằng chúng tôi sẽ không thể gồng gánh nổi”.

Các BS Khoa Sản BV Lê Lợi  thực hiện ca mổ u nang. Ảnh: MINH THIÊN
Các BS Khoa Sản BV Lê Lợi thực hiện ca mổ u nang.

BS Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV cho hay, để giải quyết khó khăn cho BV Lê Lợi, Sở Y tế đã điều động 3 BS chuyên khoa cấp I sản từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Xuyên Mộc, TTYT TX. Phú Mỹ, Trung tâm DS-KHHGĐ về BV Lê Lợi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.  

Tương tự, BV Tâm thần tỉnh có quy mô 150 giường bệnh, nhưng chỉ có 11 BS đảm nhiệm toàn bộ công tác khám chữa bệnh, thiếu tới 25 người. Là BV có chức năng đặc thù, đội ngũ y, BS thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh tâm thần nên việc thiếu nhân lực càng thêm áp lực gấp bội. Bác sỹ Hồ Sỹ Thông, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu,  BV Tâm thần chia sẻ: “BS vừa phải khám bệnh, vừa kiêm nhiệm trực cấp cứu đã vất vả, lại phải thường xuyên chống chọi, ứng phó với bệnh nhân có thể lên cơn kích động bất cứ lúc nào nên áp lực càng lớn, ai cũng mệt mỏi”.

Bên cạnh đó, các đơn vị khám chữa bệnh tuyến cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế cũng đang thiếu BS. Hiện nay, toàn tỉnh có 84 trạm y tế, nhưng chỉ 29 trạm có BS. Những trạm y tế thiếu BS gặp nhiều hạn chế trong việc thực hiện chức năng khám chữa bệnh ban đầu, không phát huy được nguồn lực cơ sở vật chất đã được đầu tư, gây ra tình trạng lãng phí. 

NHIỀU GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Theo lãnh đạo các cơ sở y tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu BS vẫn là do chế độ đãi ngộ chưa đủ sức thu hút và “giữ chân” được BS. Chẳng hạn, thu nhập của BS tại BV Lê Lợi trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng/người, trong khi thu nhập ở các BV tư tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai cao gấp 3-4 lần. Vì vậy, nhiều BS có thâm niên công tác lâu năm, chuyên môn vững, sau thời gian làm việc ở cơ sở y tế công lập đã xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ để làm các công việc khác ngoài ngành có thu nhập cao hơn. BS Nguyễn Thanh Phước dẫn chứng: 2 BS ở khoa sản BV Lê Lợi nghỉ việc trong năm vừa qua là do chuyển về công tác tại các BV ngoài tỉnh. Họ đều là những BS có chuyên môn, tay nghề cao và được trả mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tại BV. 

Bên cạnh đó, số lượng BS được đào tạo ra trường hàng năm không đáp ứng được nhu cầu thực tế, nên nguồn tuyển cho các địa phương cũng hạn chế. Trong khi đó, chế tài đối với các BS được cử đi đào tạo chuyên khoa bằng ngân sách Nhà nước hiện nay chỉ là bồi thường chi phí đào tạo. Vì vậy, nhiều BS sau khi được đào tạo về đã chấp nhận bỏ tiền ra đền bù cho Nhà nước để tìm nơi làm việc khác có thu nhập tốt hơn.

Theo Sở Y tế, hiện nay, ngành y tế đang áp dụng chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút BS, gồm: Trợ cấp 30% lương cơ bản cho công chức, viên chức (CCVC); hỗ trợ cho BS thuộc diện thu hút từ 200- 350 triệu đồng và một số chế độ khác theo “Đề án chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh BR-VT giai đoạn 2015­-2020”. Tuy nhiên, đến nay, ngành y tế vẫn chưa thu hút được BS theo đề án này. 

BS Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu BS, giải pháp cơ bản hiện nay vẫn là đào tạo theo địa chỉ và đào tạo tại chỗ, nhằm “lấp đầy” số lượng BS cho các nơi còn thiếu. Ngành y tế đang tiếp tục thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ đào tạo BS, dược sĩ đại học cho ngành y tế theo Quyết định số 45/2014/QĐ-UBND, ngày 10-9-2014 của UBND tỉnh BR-VT về việc ban hành “Chính sách hỗ trợ đào tạo BS, dược sĩ đại học cho ngành y tế tỉnh BR-VT từ nay đến năm 2020 và thực hiện đến năm 2026”. Đề án này bắt đầu triển khai từ năm 2009 và duy trì đến năm 2020. 

Bên cạnh đó, ngành y tế chủ động liên kết với các trường đại học y, dược, các BV tuyến trên để thực hiện đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y, dược, nhất là hệ đào tạo sau đại học, đào tạo các chuyên khoa sâu. Đồng thời, ngành cũng kiến nghị với tỉnh có sự điều chỉnh, bổ sung các chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế để “giữ chân” đội ngũ BS; chính sách để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại các cơ sở y tế vùng khó khăn, huyện Côn Đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong; kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ cơ chế phân bổ, sắp xếp và thu hút BS, dược sĩ đại học về công tác tại các tỉnh, huyện, xã vùng sâu, vùng xa.\

Một ca mổ tại Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo, một trong những đơn vị y tế cũng đang thiếu bác sĩ.
Một ca mổ tại Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo, một trong những đơn vị y tế cũng đang thiếu bác sĩ.

BV đang đề ra các giải pháp nhằm nâng thu nhập, đời sống cho đội ngũ y, BS để giữ chân họ. Cụ thể, BV sẽ cố gắng nâng tổng thu nhập của một BS mới ra trường dự kiến có thể lên mức từ 8 triệu đồng/tháng, BS có chứng chỉ hành nghề từ 9-10 triệu đồng/tháng, BS có thâm niên từ 5-10 năm là 10-12 triệu đồng/tháng...  Để thực hiện được việc này, BV phải tổ chức hiệu quả các dịch vụ y tế, một mặt đáp ứng nhu cầu người dân, một mặt tạo nguồn thu chính đáng khi BV đã được giao quyền tự chủ. Khi được giao tài sản, BV dự kiến sẽ tổ chức phòng dịch vụ phục vụ bệnh nhân, khám ngoài giờ, dịch vụ chuyển viện cấp cứu, khám dịch vụ, căn tin, bãi giữ xe…

(BS Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi)


Theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22-4-2013 của Bộ Y tế, “đến năm 2015, trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 người bệnh/8 giờ và đến năm 2020 chỉ khám 35 người bệnh/8 giờ...”. Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu BS nên tại các BV trên địa bàn tỉnh, mỗi BS thường phải khám 70-80 người bệnh/8 giờ, lúc cao điểm có thể trên 100 bệnh nhân/8 giờ. Tình trạng quá tải này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh, nguy cơ sai sót chuyên môn và sự cố y khoa có thể xảy ra càng cao.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.