HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Tôn trọng Nhân dân

Thứ Tư, 16/01/2019, 16:59 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn hướng về dân, dành tình thương yêu và hết mực tôn trọng nhân dân, làm lay động đến trái tim, khối óc của cả dân tộc và nhân loại. Chính vì vậy, “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được chọn làm chuyên đề của cuộc vận động trong năm 2019.

Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Sở Y tế hướng dẫn tên thuốc và liều uống hàng ngày cho người dân xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) trong Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Sở Y tế hướng dẫn tên thuốc và liều uống hàng ngày cho người dân xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) trong Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”.

Trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự tôn trọng nhân dân bình dị, tự nhiên, chân thành nhưng rất sâu sắc. Bao trùm lên tất cả, Người luôn đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhân dân đối với xã hội, với đất nước và với sự nghiệp cách mạng. Trước sau như một, Người vẫn nhất quán quan điểm “Dân là gốc của nước. Còn dân là còn nước”, sức mạnh của nhân dân là vô cùng, vô tận và vô địch, có dân sẽ có tất cả. Người từng nói: “Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng”. Người tổng kết thành chân lý: “Quyền hành và lực lượng đều từ nơi dân”; “Không có lực lượng của nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong. Có lực lượng của dân thì việc khó mấy, to mấy làm cũng được”; “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Với Người “trong bầu trời không gì quý bằng dân”, vai trò của nhân dân không một lực lượng nào có thể thay thế. Trong xã hội dân chủ, vị thế của nhân dân: “Dân là chủ và dân làm chủ”, còn cán bộ, đảng viên chỉ là “đầy tớ, nô bộc, công bộc” của dân!

Hồ Chí Minh luôn giáo dục đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải gần dân để nắm bắt, thấu hiểu cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý kiến đề xuất của nhân dân. Người cho rằng, khi không hiểu dân thì Đảng, chính quyền các cấp không thể có chủ trương hợp lòng dân, không thể có hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của dân. Không hiểu dân, thì đương nhiên là không được lòng dân. Lòng dân là lực lượng, là sức mạnh giúp cách mạng thành công “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không xong”.

Ý thức tôn trọng nhân dân là không xúc phạm đến danh dự của người dân, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tôn trọng dân không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Điều quan trọng là biết “Tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân; Không được vung phí nhân lực, vật lực, tài lực của dân; Khôn khéo tránh những điều gây hại đến đời sống nhân dân và biết giúp đỡ dân”. Cán bộ, đảng viên phải “Không bao giờ sai lời hứa” với dân; “Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Trong mọi lúc, mọi nơi phải lấy phương châm “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh” làm kim chỉ nam cho hành động của mình.

Người yêu cầu và đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải “hiếu với dân”. Đó không chỉ là biểu hiện ý thức tôn trọng dân, mà còn là một phẩm chất đạo đức quan trọng, cần phải có ở người cách mạng. Tôn trọng dân là phải hướng về dân, làm việc gì cũng phải nghĩ đến dân. Đỉnh cao của ý thức tôn trọng nhân dân, theo Người là đề cao chữ “liêm”, lấy chữ “liêm” làm đầu, sống trong sạch, không bao giờ, không khi nào, kể cả trong suy nghĩ “tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân”.

“Ta có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”, đây là chân lý Người từng đúc kết. Người được nhân dân tin yêu bởi chính sự kính trọng, tin yêu mà Người dành cho nhân dân. Khi đảm nhận Chủ tịch nước, Người nói: Việc tôi làm Chủ tịch là do đồng bào ủy thác, giống như anh lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui!

Người là vậy, bao giờ cũng đặt địa vị nhân dân cao hơn mình, nhân dân là chủ, còn Người chỉ là đầy tớ của dân. Giữa Người với cấp dưới, lãnh tụ với thường dân, chủ với khách, gần gũi, thân tình và gần như mọi khoảng cách bị xóa nhòa. Người sống cùng dân, gắn bó với dân, kính già, yêu trẻ, quý trọng phụ nữ, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân.

Nhân dân rất bức xúc khi hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tôn trọng dân; chưa lắng nghe ý kiến của dân, ngại tự phê bình trước dân, sợ nhân dân phê bình, ngại tiếp và đối thoại với dân; nói không đi đôi với làm, hứa với dân rồi quên thực hiện; Còn vi phạm, thậm chí là xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân… Trong bối cảnh đó, việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, thành người đầy tớ thật trung thành của dân theo tấm gương của Người, không chỉ là đòi hỏi từ nhân dân, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.