HOA GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Nụ cười của bệnh nhân là động lực cố gắng

Thứ Ba, 15/01/2019, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Trước tác động của yếu tố thị trường và vấn đề thu nhập, y đức người thầy thuốc ít nhiều bị ảnh hưởng. Thế nhưng, nhiều bác sĩ đã vượt qua tận tâm với công việc cứu chữa bệnh nhân. Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Lê Lợi là một trong số đó. 

Bác sĩ Tuân thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại khoa Tim mạch lão, Bệnh viện Lê Lợi.
Bác sĩ Tuân thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại khoa Tim mạch lão, Bệnh viện Lê Lợi.

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên khoa Nội, Trường ĐH Y dược Huế, từ năm 2009 đến nay, bác sĩ Tuân về công tác tại Bệnh viện Lê Lợi. Trải qua công việc ở các khoa Cấp cứu, Hồi sức, Nội, bác sĩ Tuân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Làm việc ở khoa Hồi sức tích cực và chống độc, hằng ngày bác sĩ Tuân đối mặt với sự sinh tử của bệnh nhân và nhiều áp lực. Điều đó đòi hỏi anh phải luôn nỗ lực trong chuyên môn và không ngừng học tập nâng cao trình độ, kinh nghiệm. 

Bác sĩ Tuân kể, cách đây không lâu, anh tiếp nhận bệnh nhân Ngô Thị N. (SN 1959, ngụ tại hẻm 171, Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng ngưng tim, hôn mê sâu. Cơ hội sống của bệnh nhân rất mong manh, người nhà đã xin đưa về lo hậu sự. Nhưng với tấm lòng của một lương y, trong tâm thế “còn nước, còn tát”, bác sĩ Tuân đã tìm mọi cách giành lại sự sống cho bệnh nhân. Cả đêm anh thức canh, theo dõi từng động tĩnh của bệnh nhân. Thấy bệnh nhân có dấu hiệu sinh tồn, anh lập tức đề xuất hội đồng hội chẩn, với sự tham dự của bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115, TP. Hồ Chí Minh và tiến hành phương pháp lọc máu để cứu bệnh nhân. Sau 22 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân đã tỉnh, huyết áp ổn định, tiêu, tiểu tốt và 2 ngày sau thì tỉnh táo hoàn toàn. Sau khi bệnh nhân được cứu sống, người nhà đã viết thư cảm ơn Bệnh viện Lê Lợi và các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân.

Khi khoa Nội hình thành phân khoa Tim mạch-lão (tiền thân để thành lập chuyên khoa Tim mạch-lão), bác sĩ Tuân cùng cộng sự được giao nhiệm vụ phụ trách phân khoa và viết phác đồ điều trị cho những bệnh thuộc chuyên khoa này. Do đó, ngoài công việc khám, chữa bệnh hằng ngày, bác sĩ Tuân đã dành nhiều thời gian học tập, tìm tòi để có thể ứng dụng những kiến thức y khoa tiên tiến do các hiệp hội y khoa trên thế giới nghiên cứu vào thực tiễn công việc. 

Nỗ lực, hết mình vì công việc nên khi gặp những ca bệnh vượt quá khả năng cứu chữa, buộc phải chuyển tuyến, bác sĩ Tuân luôn day dứt, trăn trở. Anh cẩn thận lưu giữ số điện thoại của những người bệnh chuyển tuyến hoặc thân nhân họ để thăm hỏi tình trạng bệnh, cũng như chẩn đoán của bác sĩ tuyến trên nhằm rút kinh nghiệm chuyên môn. Bác sĩ Tuân tâm niệm, sự cố gắng và sẻ chia của người thầy thuốc là liều thuốc tinh thần vô giá đối với người bệnh. Do đó, trong quá trình khám bệnh, anh luôn ân cần giải thích cặn kẽ cho người bệnh vì biết họ phải chờ rất lâu mới gặp được bác sĩ. Với anh, chỉ khi nào hết bệnh nhân mới hết giờ làm việc. “Mỗi khi nhìn thấy gương mặt rạng rỡ, nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân và người nhà khi bệnh nhân vượt qua cơn bạo bệnh, tôi thấy xúc động và hạnh phúc nhất. Những khoảnh khắc ngắn ngủi đó là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả của công việc”, bác sĩ Tuân chia sẻ.

Có tay nghề, có nhiệt huyết của tuổi trẻ, bác sĩ Tuân còn không ngại về những vùng xa để chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo, giúp trẻ em học cách sơ cấp cứu phòng tránh tai nạn thương tích, xây dựng các tủ thuốc công cộng trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Tuân thổ lộ: “Đối với người trẻ, sức lực còn dồi dào thì việc cống hiến vì cộng đồng là điều nên làm. Hơn nữa, đem lại niềm vui cho mọi người cũng chính là đem lại niềm vui cho mình”.

Nhận xét về bác sĩ Tuân, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi nói: “Trần Mạnh Tuân là một bác sĩ trẻ có chuyên môn vững, trách nhiệm, nhiệt tình, năng nổ với công việc. Với những việc được bệnh viện giao phó, bác sĩ Tuân không ngại khó khăn, luôn dốc hết sức mình để hoàn thành”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THI

;
.