Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án “Điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí” tại Cơ sở tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy tỉnh đã phần nào mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, những giải pháp để bảo đảm khả năng hòa nhập cộng đồng hậu cai nghiện như hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm vẫn đang là bài toán rất nan giải.
NGƯỜI CAI NGHIỆN NHẬN NHIỀU HỖ TRỢ
Đề án “Điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí” tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Đề án cai nghiện tự nguyện) được HĐND tỉnh thông qua từ tháng 12-2016. Đề án đặt ra mục tiêu là tiếp nhận điều trị, giáo dục, dạy nghề cho 200 người nghiện ma túy.
Học viên cai nghiện theo Đề án được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn (40 ngàn đồng/người/ngày) thuốc cắt cơn, điều trị bệnh thông thường... Khác với cai nghiện bắt buộc (thời gian kéo dài từ 12-24 tháng), hình thức cai nghiện tự nguyện chỉ kéo dài từ 6-12 tháng. Thêm vào đó, thủ tục đăng ký cai nghiện tự nguyện đơn giản, rất thuận lợi cho người tham gia. Bên cạnh đó, học viên được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, được tổ chức lao động trị liệu và đào tạo nghề.
Các học viên Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy tỉnh tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa điện dân dụng tại cơ sở. |
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận điều trị cho 200 học viên. Trong đó có 185 học viên đăng ký thời gian cai nghiện trong 6 tháng, 15 học viên cai nghiện trong 12 tháng.
Theo ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh, Đề án cai nghiện tự nguyện có rất nhiều ưu việt. Đề án hướng đến việc tạo thuận lợi tối đa cho người nghiện tự nguyện tham gia cai nghiện. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng, một số người nghiện lợi dụng sự thông thoáng trong phương thức quản lý, điều trị tham gia vào đề án để trốn tránh việc cai nghiện bắt buộc. Các đối tượng này, thường cai nghiện được một thời gian ngắn, sau đó xin trở về gia đình để ngừng việc cai nghiện.
Một khó khăn nữa khi triển khai đề án, theo ông Phạm Minh Ân, là các đối tượng sau khi hoàn thành điều trị cai nghiện vẫn rất khó tái hòa nhập cộng đồng. Một mặt là do bản thân các học viên sau cai nghiện chưa có việc làm ổn định. Mặt khác, các chương trình hỗ trợ tại địa phương, chương trình hỗ trợ vốn theo Quyết định 29 (ngày 26-4-2014) của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa triển khai hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, trong tổng số 138 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện trở về cộng đồng chỉ có 18 nguời có việc làm (tại TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền và TX. Phú Mỹ). Đơn cử như tại TX. Phú Mỹ, trong tổng số 30 người hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện được trở về, chỉ có duy nhất 1 người có việc làm.
Học viên tham gia chăm sóc vườn rau tại Cơ sở TV&ĐT nghiện ma túy, ở xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ. |
Còn tại TP. Vũng Tàu, trong hơn 2 năm qua, địa phương có 56 đối tượng đăng ký cai nghiện tự nguyện. Đến nay, có 40 trường hợp đã trở về địa phương nhưng chỉ có 9 người có việc làm.
Tư vấn cho người cai nghiện ma tuý tại điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
|
Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Phòng LĐ-TBXH TP.Vũng Tàu cho biết, hiện nay, việc giải quyết việc làm cho đối tượng sau khi cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất do các học viên sau cai nghiện ít người có tay nghề cao, ngành nghề mà các đối tượng được học không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng hoặc gặp phải sự kỳ thị của cộng đồng.
CẦN SỰ CHUNG TAY
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy sớm hòa nhập cộng đồng. Cụ thể là, Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) đã phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Công an các xã, phường trong tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy tại các tổ dân cư. Phòng LĐ-TBXH TP. Vũng Tàu đã giao chỉ tiêu cho từng phường, xã, hàng quý phải báo cáo về tình hình hỗ trợ các đối tượng này hòa nhập với cộng đồng.
Theo ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh, các địa phương cần làm tốt công tác giáo dục cho đối tượng nghiện ma túy, tổ chức các chương trình cai nghiện ngay tại cộng đồng. Về các chế độ hỗ trợ cho người cai nghiện, ông Ân cho rằng, nên có thêm chính sách hỗ trợ thẻ BHYT. “Nhiều đối tượng điều trị ma túy tự nguyện là người có hoàn cảnh rất khó khăn, nên khi chuyển vào điều trị tại các bệnh viện tuyến trên họ không đủ khả năng chi trả viện phí”, ông Ân giải thích.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, Đề án “Điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí” tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh được đánh giá là một trong những chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy không có khả năng chi trả chi phí điều trị được tham gia điều trị tự nguyện, đồng thời giảm bớt áp lực đối với công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, Đề án giúp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hình thức điều trị nghiện ma túy, góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện ma túy, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
“Trong thời gian tới, cần chấm dứt ngay tình trạng các địa phương tiếp tục đưa đối tượng nghiện ma túy sau nhiều lần tái nghiện vào Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh. Khi đối tượng tái nghiện, cần kiên quyết thực hiện giáo dục tại xã, phường và đưa vào cai nghiện theo hình thức bắt buộc. Để tiếp tục thực hiện tốt đề án này, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền địa phương phải tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền cho thân nhân người nghiện ma túy, người nghiện ma túy tại cộng đồng về chủ trương, chính sách cai nghiện tự nguyện, quản lý chặt các đối tượng sau khi cai nghiện”, ông Khánh nói.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN