.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập

Cập nhật: 13:07, 06/01/2019 (GMT+7)

Sau 11 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), toàn tỉnh đã có gần 6.000 nông dân được học nghề. Kết quả, nhiều nông dân đã tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Chị Cao Thị Hồng Vân (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) với sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo.
Chị Cao Thị Hồng Vân (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) với sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo.

NUÔI, TRỒNG THEO SÁCH

Khảo sát tại TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc... cho thấy, các lớp dạy nghề nông nghiệp cho nông dân đều được triển khai sát với nhu cầu thực tế của người học, theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Nội dung chương trình dạy nghề đã gắn với thế mạnh của từng vùng, giúp người dân từng bước ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi. Điều này không chỉ giúp nông dân nâng cao tay nghề, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi mà còn làm thay đổi nhận thức, tư duy của nông dân sau khi học nghề. 

Anh Trần Đức Khoát (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Năm 2016, hay tin có lớp hướng dẫn sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, anh chủ động đăng ký theo học. Sau 3 tháng, anh áp dụng kiến thức đã học để mở rộng mô hình chăn nuôi heo, nuôi dê sinh sản. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, đặc biệt là biện pháp phòng ngừa bệnh cho heo nên hiện nay, mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa heo thịt (tăng 2 lứa so với trước đây), mỗi lứa 40-50 con và hàng chục con heo nái. Đồng thời, anh còn đầu tư chăn nuôi dê sinh sản và gia cầm. Hiện nay, thu nhập từ chăn nuôi mang lại cho gia đình anh hơn 150 triệu đồng/năm. 

Tương tự, tháng 9-2018, chị Cao Thị Hồng Vân (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) cũng mạnh dạn đăng ký học lớp trồng và nhân giống nấm. Được học nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, sau 3 tháng thực hành kỹ thuật trồng nấm cùng giáo viên, chị Vân dự định đầu tư vườn nấm công nghệ cao Hòa Long sản xuất nấm rơm, nấm bào ngư và nấm kim châm. Chị Vân cho hay: “Tôi đã được hướng dẫn nhiều kiến thức bổ ích không chỉ phát triển kỹ thuật trồng nấm mà còn biết thêm về thị trường nguyên liệu, các địa chỉ tin cậy, cụ thể để tìm nguyên liệu, tiếp cận mô hình trồng nấm công nghệ cao”. Hiện tại, chị Vân đang lên kế hoạch hình thành tổ hợp trồng nấm để đưa vào hoạt động từ giữa năm 2019. 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN

Ngoài những mô hình kể trên, nhiều hộ nông dân đã triển khai những mô hình nuôi, trồng hiệu quả sau khi được đào tạo nghề như: Kỹ thuật trồng lúa năng suất, chất lượng cao cho năng suất lúa vượt trội (6 tấn/ha) so với trước đây (3 tấn/ha); nuôi tôm sú; kỹ thuật trồng mãng cầu ta; trồng nhãn; trồng bưởi; chăn nuôi bò, gà…

Bên cạnh những hộ cá thể, các nông dân tham gia khóa học còn cùng nhau liên kết, hình thành các HTX như: HTX Nuôi cá nước ngọt (xã Suối Rao, huyện Châu Đức), HTX Bưởi da xanh (xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ); Tổ hợp tác chăn nuôi dê và gà thả vườn tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc); Tổ hợp tác nuôi dê tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức)… Các mô hình này giúp nông dân tăng năng suất và nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Theo đánh giá, hầu hết người dân sau học nghề đều tự tạo việc làm hoặc nâng cao tay nghề của công việc hiện tại để tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tính riêng 3 năm gần đây, khi triển khai Quyết định 971 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh có gần 3.300 lao động được hỗ trợ học nghề, đạt hơn 96% so với kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 95%. 

Ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết, Chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm nắm bắt tình hình tổ chức, triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp của các địa phương. Qua đó, Chi cục kịp thời giải quyết những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực tế, đưa ra các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT. 

Quá trình triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn có sự phối hợp của chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể. “Định hướng đối với công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân là sau khi học nghề sẽ hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm, hướng đến chất lượng sản phẩm an toàn. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Dự kiến trong năm 2019, toàn tỉnh sẽ mở thêm 34 lớp nghề nông nghiệp cho 930 nông dân”, ông Cẩm nói. 

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.