Khi tôi quyết định lấy vợ, việc khó nhất là làm sao có thể giải quyết được vấn đề căng thẳng giữa mẹ và vợ. Tôi rất sợ mâu thuẫn “mẹ chồng - nàng dâu” sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nếu là con thứ, sau khi cưới vợ, tôi có thể an tâm xin phép mẹ cho dọn ra ngoài ở riêng để tránh mâu thuẫn ấy, nhưng khổ nỗi, tôi là con trai duy nhất, nên không thể.
Lo thì lo nhưng cũng đến lúc tôi phải giã từ cuộc sống độc thân để mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ cho mẹ già có cháu ẵm bồng. Đúng như tôi lo lắng, từ khi vợ tôi về làm dâu, không khí trong nhà trở nên căng thẳng. Từ thời chúng tôi yêu nhau, mẹ đã không đồng ý vì bà thấy người yêu của tôi quá “hiện đại”, trong khi mẹ muốn con dâu phải dịu dàng, khép kín, rụt rè theo kiểu phụ nữ Á Đông truyền thống.
Cũng chính vì vậy mà vợ tôi, từ khi về làm dâu đến nay chưa bao giờ mở miệng gọi mẹ tôi một tiếng “mẹ”. Chuyện này làm mẹ tôi rất đau lòng, rồi sau đó cũng không thèm để ý đến con dâu nữa. Ban ngày, khi vợ tôi đi làm, bà trút hết sự tức giận vào tôi: “Vợ con cứ như bà hoàng trong cái nhà này”. Tối đến, vợ lại rủ rỉ bên tai tôi: “Mẹ anh chỉ nhìn đời bằng nửa con mắt…”. Điều đó khiến tôi rối tung cả lên.
Tôi không thể nào lý giải nổi, tại sao hai người phụ nữ gần gũi nhất với mình lại cứ như nước với lửa? Trong việc điều hòa mối quan hệ này, tôi lại là người đóng vai trò cầu nối. Là người đứng giữa mẹ và vợ, tôi không biết phải xử sự sao cho ấm êm hòa thuận, làm sao để mẹ và vợ chấp nhận, hiểu và thương yêu nhau.
Một lần, vợ tôi bị bệnh nặng, tôi nhờ mẹ đi chợ, nấu cháo giùm. Nấu xong, tôi đem vào phòng cho vợ ăn rồi dỗ dành cô ấy: “Cháo này là mẹ nấu riêng cho em, bảo anh mang cho em ăn đó”. Vợ tôi ngẩn người ra vài giây rồi nhìn tôi nghi ngờ nhưng ánh mắt cũng vui vui. Sinh nhật mẹ, tôi nhờ cô bạn mua chiếc áo tặng và nói: “Mẹ à, đây là tấm lòng của con dâu mẹ. Cô ấy nhờ con tặng mẹ nhân sinh nhật”. Mẹ tôi cũng tròn xoe mắt kinh ngạc như vợ tôi và nói: “Cái này mẹ không thể nhận được vì hôm sinh nhật nó, mẹ chẳng có gì cho nó cả”. “Ngày tháng còn dài mà mẹ”, và tôi dúi cái áo vào tay mẹ.
Kiểu nói dối không gây hại này được tôi thực hiện nhiều tháng trời. Và ngạc nhiên thay, chỉ một năm sau, tình cảm giữa mẹ và vợ đã dần thay đổi. Một lần tôi đi công tác xa nhà, vợ tôi bị viêm ruột cấp, mẹ tôi đã ở lại bệnh viện trông nom cô ấy suốt đêm. Sáng hôm sau, khi xuất viện, vợ tôi xúc động thốt lên: “Mẹ!”. Lúc đó mẹ tôi nước mắt chan hòa…
Tôi hiểu rằng, trái tim con người cần được sưởi ấm bằng một tấm lòng. Nếu việc nói dối không ảnh hưởng tiêu cực, ngược lại còn làm cho người khác ấm lòng, thì ngại gì mà không nói dối đế hóa giải khúc mắc. Sau này, mẹ và vợ tôi phát hiện ra tôi là đạo diễn của các chiêu trò trên thì sự đã rồi. Mẹ và vợ tôi đã không còn mâu thuẫn mà yêu thương nhau như ruột rà. Mẹ bảo: “Vợ con tuy bề ngoài lạnh lùng nhưng nó cũng chu đáo lắm!”. Còn vợ tôi thì cho rằng: “Mẹ tuy khó tính nhưng nhờ vậy mà em đã học được nhiều điều hay và tự sửa mình”.
TRẦN THÁI HỌC