Một tháng nay, công ty hết hàng nên nhân viên được thay phiên nhau nghỉ phép. Trong thời gian nghỉ việc, tôi ở nhà nội trợ phụ giúp vợ cho nàng yên tâm đi làm. Từ trước đến giờ ít khi nào tôi cầm tiền đi chợ, cũng hiếm khi vào bếp nên có phần lúng túng, lại thấy “bẽ mặt” sao ấy. Nhưng khi “vượt lên chính mình” được vài ngày, tôi thấy cũng thoải mái, nhất là khi được vợ khen vài câu bùi tai. Nhưng rồi tôi phát hiện ra dường như trong chi tiêu, nàng hơi quá tay.
Hôm ấy, trước khi đi làm, nàng đưa tiền cho tôi và dặn: “Mua thức ăn xong, anh nhớ mua thêm 4 cái tạp dề và hai chục cái chén kiểu nhé”.
Tôi thắc mắc vì tạp dề và số chén kiểu ở nhà còn dùng được, mua chi cho nhiều. Nàng bảo, vậy đâu có nhiều. Hai chiếc tạp dề nhà mình sắp thành giẻ rách rồi, phải mua cái mới thôi. Còn mớ chén kiểu đã lỗi thời, sẵn tiện mua luôn. Ôi trời! Mua thì cũng được, nhưng đâu cần phải xa xỉ như vậy. Nàng phân bua: Có gì mà xa xỉ, mua để đó, khi nào có khách thì lấy ra dùng. Tôi không đôi co với nàng, bởi có nói nhùng nhằng thêm thì cũng chẳng tranh luận lại. Thôi thì nhịn một chút cho yên nhà yên cửa, nếu không sẽ bị mang tiếng là “ông kẹo kéo”.
Cuối tuần, từ công ty nàng điện về kêu tôi mua 2kg nấm rơm, 2kg bún để làm lẩu đãi… hai người bạn gái của nàng. Nghe nàng nói xong, tôi muốn “chết giấc”: Trời ơi, chỉ có 4 người ăn mà em kêu anh mua chi nhiều vậy? Nàng bảo đừng nghiêm trọng vấn đề. Hai cô bạn có dẫn hai đứa con theo nữa, thà dư một tí mà không khí bữa tiệc vui vẻ. Tôi vẫn cho rằng như vậy là quá nhiều, không dùng hết bỏ đi thì lãng phí. Nhà mình cần phải tiết kiệm. Vậy mà nàng lớn tiếng qua điện thoại: “Chẳng lẽ anh cũng keo kiệt với bạn bè của em à? Anh phải tôn trọng bạn em chứ! Có đáng là bao với các loại thức ăn đó…”.
Thấy câu chuyện nghiêm trọng nên tôi ừ hử cho xong, vội cúp máy điện thoại để khỏi nghe nàng càm ràm. Tôi nghĩ rằng mình làm vậy là không quá đáng chút nào. Bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà cứ bắt chước “trưởng giả học làm sang” thì cũng đến lúc bị “khủng hoảng” tiền bạc. Biết làm sao hơn, vì đang trong giai đoạn chờ việc nên tiếng nói của tôi dường như chẳng có giá trị. Nhưng cứ để tình trạng này xảy ra hoài không khéo cả nhà ra ngoài đường ở.
Đúng như tôi dự báo, bữa tiệc hôm đó dư rất nhiều thức ăn. Đợi lúc nàng vui vẻ, tôi đề nghị: “Từ nay về sau, mỗi khi tiêu xài thứ gì, chúng ta cần phải ghi vào sổ sách để còn biết mình đã chi tiêu bao nhiêu”. Nàng vẫn phản bác: “Bây giờ anh mới lộ rõ chân tướng là người keo kiệt rồi phải không? Ghi với chép làm gì?”. “Anh không đôi co. Nếu em không đồng ý, tức là em đang tự nhận mình vung tay lãng phí”.
Thoáng suy nghĩ vài phút, nói quyết định: “Thôi được! Em sẽ nghe theo lời của anh. Nhưng nếu mọi thứ đều ổn, anh hãy thôi ngay cái tật “vắt cổ chày ra nước” đi nhé!”.
Cuối tháng, tôi đưa sổ sách cho nàng tính toán. Lát sau, nàng thảng thốt: “Trời ơi! Sao nhiều thế? Em không ngờ là ngân quỹ gia đình mình thâm hụt đến thế! Tháng này mua lặt vặt thôi mà đi đứt tháng lương của em rồi!
Được đà, tôi phân tích cho nàng hiểu. Khi tôi đi làm, tiền bạc rủng rỉnh, nàng hay mua bất kỳ thứ gì thích, dù không cần hoặc cái gì cũng mua nhiều, bỏ thừa cũng mặc. Giờ chồng đang thất nghiệp, vợ chồng phải tiết kiệm mới được. Nếu không sẽ có ngày xài hết cả tiền để dành phòng khi cần thiết.
Nàng trầm ngâm một lát rồi tuyên bố: “Em hứa từ nay sẽ nghe lời anh, biết chi tiêu tiết kiệm”. Chỉ chờ có thế, tôi vội ôm lấy nàng như đôi tình nhân lâu ngày gặp mặt. “Em quả thật sáng suốt, bà xã ơi!”.
NGUYỄN HOÀNG DUY