Bệnh viện vệ tinh dễ "ngừng quay" vì thiếu nhân lực
Theo đề án của Bộ Y tế, BV Lê Lợi và Bà Rịa được xây dựng thành BV vệ tinh cho tuyến trung ương. Sau 1 năm thực hiện đề án này, các BV nói trên đã mang đến cho người dân nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngang tuyến trung ương. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề án, sẽ còn chặng đường dài phía trước.
Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Lê Lợi thăm khám cho bệnh nhân, một trong những khoa dự kiến sẽ là “vệ tinh” cho BV Nhân Dân 115 trong năm 2019. |
LỢI ÍCH TỪ ĐỀ ÁN
Đề án bệnh viện vệ tinh hướng tới hoạt động chủ yếu là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ cho tuyến dưới… Theo Sở Y tế, lợi ích của đề án BV vệ tinh là giúp các BV đa khoa tuyến tỉnh có động lực phát triển cơ sở vật chất - trang thiết bị, đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ. Qua việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp làm việc với các BV hạt nhân - bệnh viện tuyến trung ương, các bác sĩ BV vệ tinh có cơ hội được học tập, tiếp thu các kỹ thuật cao. Bệnh nhân được hưởng dịch vụ hiện đại ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí, giảm phiền hà cho người bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên.
Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bà Rịa cho biết, từ khi trở thành đơn vị vệ tinh cho BV Nhi Đồng 2, Khoa Nhi BV Bà Rịa đã được ê kíp 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng chuyên Khoa Nhi của BV Nhi Đồng 2 hỗ trợ nhiều kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh, như kỹ thuật cho ăn qua ống thông dạ dày; kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh có catheter (ống thông tĩnh mạch) trung ương. Bác sĩ Thắng cho biết, khi chưa ứng dụng kỹ thuật này, việc truyền dịch phải chích ven, gây đau và dễ gây nhiễm trùng do phải lấy nhiều lần. Trong khi sử dụng ống catheter chỉ thực hiện một lần có thể để cố định trong vòng 1 tháng và lấy ra dễ dàng khi không còn truyền dịch. Ngoài ra, khoa còn tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật như chăm sóc trẻ sơ sinh trước phẫu thuật, chăm sóc trẻ sơ sinh phẫu thuật thoát vị hở thành bụng, hồi sức sơ sinh ở phòng sanh, những vấn đề dinh dưỡng trong nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh…
Bác sĩ Vương Quang Thắng khám cho trẻ sơ sinh tại phòng chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng, Khoa Nhi, BV Bà Rịa. |
Tương tự, Khoa Tim mạch lão khoa của BV Lê Lợi cũng được chọn làm đơn vị vệ tinh cho BV Nhân Dân 115. Kể từ đó, mỗi tháng, BV Nhân dân 115 cử bác sĩ chuyên khoa xuống Khoa Tim mạch lão học, BV Lê Lợi trực tiếp tham gia hướng dẫn chẩn đoán, điều trị trên từng ca bệnh; bình bệnh án, hướng dẫn can thiệp một số thủ thuật; đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Theo đánh giá của BV Lê Lợi, sau 1 năm tổ chức thực hiện đề án BV vệ tinh, BV Lê Lợi đã nhận được nhiều hỗ trợ chuyên môn về tim mạch từ BV Nhân dân 115, tạo tiền đề cho sự phối hợp và phát triển các kỹ thuật tim mạch trong những năm tiếp theo. Trong năm 2019, BV dự kiến sẽ phối hợp giữa Khoa Tim mạch lão với Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Lê Lợi tiếp tục là “vệ tinh” cho BV Nhân Dân 115, để nhận chuyển giao thêm những kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân nặng ngay tại BV mà không phải chuyển tuyến trên.
HIỆU QUẢ PHỤ THUỘC RẤT NHIỀU VÀO NHÂN LỰC
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía, song sau 1 năm triển khai đề án BV vệ tinh tại BR-VT vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Theo lãnh đạo các BV vệ tinh, để được chọn làm BV vệ tinh cho các BV hạt nhân tuyến trung ương, các BV tỉnh cần phải đáp ứng nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là trình độ, khả năng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật của đội ngũ bác sĩ. Tuy nhiên, đây lại là điểm mà cả hai BV Bà Rịa và Lê Lợi đang gặp khó khăn.
Bác sĩ Vương Quang Thắng cho hay, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại khoa đáp ứng tốt yêu cầu làm BV vệ tinh cho BV Nhi Đồng 2. Thế nhưng do nhân lực của khoa đang thiếu (thiếu 8 bác sĩ) nên khó cử người đi học, nhận chuyển giao kỹ thuật mới. Hơn nữa khi triển khai thực tế các kỹ thuật được chuyển giao, do lượng bệnh ít nên bác sĩ của khoa cũng không có điều kiện để trau dồi kỹ năng chuyên môn.
Điều dưỡng tại Khoa Nhi, BV Bà Rịa đang chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng. Ảnh: MINH THIÊN |
Tương tự, Khoa Tim mạch lão khoa của BV Lê Lợi, hiện chỉ có 3 bác sĩ phải đảm nhiệm công tác điều trị cho 40 giường bệnh luôn trong tình trạng vượt quá công suất. Hơn nữa, các bác sĩ của khoa chủ yếu là bác sĩ hệ nội, chưa có bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, nên muốn triển khai các kỹ thuật điều trị về tim mạch phải được đào tạo, bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên khoa. Tuy nhiên trong tình cảnh thiếu nhân lực, nếu bố trí được người đi học thì khoa lại thiếu người làm. “Nếu có trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhưng nhân lực thiếu thì đề án sẽ không đạt hiệu quả cao”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi nói.
Trong khi đó, việc hỗ trợ của BV hạt nhân cho các tỉnh để xây dựng BV vệ tinh vốn là việc “cực chẳng đã”. Bởi các BV tuyến trung ương đang phải gồng gánh nhiều nhiệm vụ khám chữa bệnh và chỉ đạo tuyến trong khi họ cũng đang trong tình cảnh vốn thiếu, nhân lực hạn chế. Do đó, tần suất xuống tham gia khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật của BV hạt nhân cho BV Lê Lợi và Bà Rịa còn thấp.
Bộ Y tế triển khai Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về khám bệnh, chữa bệnh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao được thuận lợi và góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Trong đó, ưu tiên 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Sau 5 năm thực hiện Đề án BV vệ tinh, trên cả nước đã hình thành được 23 BV hạt nhân, 138 BV vệ tinh, 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu và chống độc.
|
“Để thực hiện đề án BV vệ tinh đạt hiệu quả cần phải có sự đầu tư đồng bộ từ hai phía. Ngành y tế phải có giải pháp bổ sung đủ nhân lực để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhận chuyển kỹ thuật từ phía BV hạt nhân cho các BV vệ tinh. Về phía BV hạt nhân tuyến trung ương cần tăng cường tần suất việc cử bác sĩ xuống hỗ trợ BV vệ tinh về chuyên môn theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bác sĩ Phước đề xuất.
Bài, ảnh: MINH THIÊN