Bác sĩ có đôi tay vàng

Thứ Năm, 03/01/2019, 16:17 [GMT+7]
In bài này
.

Là một bác sĩ trẻ, mới về công tác tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) Bệnh viện Bà Rịa hơn 4 năm, nhưng bác sĩ Phan Văn Tú đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp, mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phan Văn Tú (bìa trái) thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa.
Bác sĩ Phan Văn Tú (bìa trái) thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa.

Bác sĩ Phan Văn Tú, SN 1983, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nhà có 6 anh em, mỗi người theo đuổi một ngành nghề khác nhau. Riêng Tú, với bản chất thông minh, tính tình cẩn thận từ nhỏ nên ba mẹ định hướng cho anh theo học ngành y. Lúc đó, dù chưa hiểu nhiều về ngành này, nhưng để thực hiện mong muốn của mẹ, anh đã thi đậu vào Đại học Y Thái Nguyên.

Quan điểm của Tú rất rõ ràng “đã học thì phải làm được” mà để làm được thì “học phải đi đôi với hành”. Do đó, trong thời gian theo học Chuyên khoa định hướng CTCH tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2009-2010), ngoài việc tiếp thu kiến thức trên sách vở, anh còn chịu khó trực tại phòng mổ của bệnh viện để học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ những giáo sư, chuyên gia đầu ngành. Từ 2012 đến 2014, anh tiếp tục học lên chuyên khoa I Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và về công tác tại Bệnh viện Bà Rịa từ tháng 8-2014 đến nay.

Công tác ở bệnh viện tuyến tỉnh, anh càng có nhiều điều kiện để thực hành những kiến thức đã học. Anh cũng tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước. Theo quy định, một ca trực kéo dài 24 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng, nhưng giờ giao ca của anh luôn kéo dài hơn quy định, bởi bệnh nhân nhập viện nhiều mà nhân lực của khoa còn thiếu. Những lúc rảnh rỗi, anh lại sưu tầm, nghiên cứu thêm tài liệu để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Do đó, khi gặp phải những ca khó, anh luôn xử trí thành công và đem lại kết quả hơn cả mong đợi. 

Điển hình như bệnh nhân H.Đ.T, 19 tuổi, quê Hà Tĩnh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê do vết thương bị đâm từ vùng bẹn chân phải lên bụng gây đứt động mạch bẹn và cơ thành bụng. Khi đó, chân phải nạn nhân đã tím, lạnh, mạch không bắt được. Bên cạnh đó, động mạch bẹn của bệnh nhân bị đứt nham nhở nên không thể nối lại. Trước tình huống này, bác sĩ Tú đã có quyết định rất sáng suốt: Lấy một đoạn tĩnh mạch dài 5cm ở chân trái để ghép vào động mạch bẹn bị đứt. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ và đã thành công. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sau ca phẫu thuật. 

Trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Bé Ba (42 tuổi, tạm trú TP. Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng choáng do mất máu, vết thương dập nát, đứt lìa 1/3 dưới cẳng chân trái do tai nạn giao thông. Phần chân đứt lìa được người đi đường bỏ vào thùng nước đá, đưa vào bệnh viện. Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí cấp cứu khẩn và mổ cấp cứu nối chi đứt rời. Ê kíp do bác sĩ Tú chịu trách nhiệm chính đã nhanh chóng xử trí, phẫu thuật nối chân cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ và thành công mỹ mãn. Qua 8 tháng, vết thương của bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, vận động đi lại bình thường. Sau khi hồi phục, bệnh nhân đã tìm đến bệnh viện gặp bác sĩ Tú chỉ để nói lời biết ơn: “Suốt đời này, tôi mang ơn bác sĩ”. 

Nói về những khó khăn, vất vả của nghề, bác sĩ Tú bộc bạch: “Có những ngày sau ca trực, toàn thân rã rời, mệt mỏi. Nhưng rồi, khi thấy kết quả phẫu thuật thành công, bệnh nhân được cứu sống và lành lặn trở lại, bao mệt mỏi đều tan biến”. Công việc áp lực, căng thẳng là vậy, nhưng bác sĩ Tú vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học. Anh coi đây là cơ hội để chia sẻ cũng như học tập thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Cuối năm 2018, mạng lưới CTCH khu vực phía Nam tổ chức hội nghị báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài “Phẫu thuật nội soi khớp gối” của bác sĩ Tú đạt giải Ba.

Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa CTCH, Bệnh viện Bà Rịa đánh giá cao tay nghề của bác sĩ Phan Văn Tú: “Bác sĩ Tú rất ham học hỏi, nghiên cứu, có tâm huyết với nghề, vững vàng trong chuyên môn, xử lý thành công nhiều trường hợp chấn thương phức tạp bị đứt lìa chi tại bệnh viện. Tôi tin rằng trong tương lai, bác sĩ Tú sẽ còn làm được nhiều hơn thế nữa”.  

Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa thì khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo, với sự dẫn dắt của bác sĩ Nguyễn Phương Nam và những bác sĩ trẻ tài năng như Phan Văn Tú, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển mạnh những kỹ thuật mới, giúp người dân trong tỉnh được sử dụng những dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến ngay tại địa phương”.  

Bài, ảnh: HOA VIỆT 

;
.