Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” do UBND tỉnh tổ chức ngày 6-12, các đại biểu đã “mổ xẻ” những hạn chế, bất cập của các trung tâm này. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng.
NHIỀU TỒN TẠI, BẤT CẬP
Hiện nay, toàn tỉnh có 73/82 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng (sau đây viết tắt là Trung tâm). Trong đó, nhiều Trung tâm tại phường Long Tâm, xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa); xã Nghĩa Thành, Bình Ba, Xuân Sơn (huyện Châu Đức); xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ); thị trấn Phước Bửu, xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc); thị trấn Long Hải (huyện Long Điền)… hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều Trung tâm tại xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ), xã Bưng Riềng, Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc), xã Bình Giã (huyện Châu Đức), thị trấn Long Điền (huyện Long Điền), phường 7 (TP.Vũng Tàu)… cơ sở vật chất xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Trang thiết bị tại các Trung tâm đầu tư chưa đồng bộ, các thiết bị phục vụ cho các hoạt động ngoài trời chưa đáp ứng đầy đủ, phải thuê bên ngoài để tổ chức các hoạt động. Nhiều Trung tâm thiếu bàn ghế, máy chiếu, máy tính, diện tích các phòng chuyên môn chật hẹp... đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động.
Người dân tập luyện thể thao tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng phường Long Tâm (TP.Bà Rịa). |
Ông Trịnh Duy Luyên, Chủ nhiệm Trung tâm thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) cho biết, do diện tích của Trung tâm chỉ khoảng 1.000m2 nên chỉ đủ chỗ cho các CLB Vovinam, Taekwondo, bóng bàn, văn nghệ hoạt động. Trong điều kiện như vậy, địa phương đã vận động các mạnh thường quân xã hội hóa xây sân bóng chuyền, sân cỏ nhân tạo tại sân vận động của thị trấn để đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của người dân.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức thừa nhận, trên địa bàn huyện, nhiều Trung tâm đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do các Trung tâm chưa tổ chức được nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút người dân. Thời gian qua, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt như: Tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm; kiểm tra đột xuất hoạt động các Trung tâm; phê bình cán bộ phụ trách Trung tâm hoạt động kém hiệu quả; hướng dẫn các Trung tâm cách tổ chức các hoạt động… nhưng vẫn còn một số Trung tâm chưa thu hút được nhiều người dân đến sinh hoạt. Nguyên nhân là do các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chưa hấp dẫn.
Theo Quyết định 06/2016/QĐ-UBND ngày 4-2-2016 của UBND tỉnh, nhân sự của mỗi Trung tâm từ 6-8 người. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do bị cắt các khoản hỗ trợ tăng thêm và chủ trương tạm dừng tuyển dụng nên nhiều Trung tâm chỉ có 3-4 người, thậm chí có Trung tâm chỉ có 1 cán bộ nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của Trung tâm. Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Long (huyện Châu Đức), kiêm Chủ nhiệm Trung tâm xã cho biết, nhân sự của Trung tâm có nhiều biến động, thường xuyên thay đổi nên mỗi cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi thu nhập lại khá thấp (hệ số 1,6-1,7 lương cơ bản).
Trẻ em tập luyện thể thao tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng xã Kim Long (huyện Châu Đức). |
Ông Lương Đức Đích, Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho hay, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã nhiều lần khảo sát các Trung tâm. Kết quả cho thấy, chỉ 20-30% Trung tâm hoạt động hiệu quả. Các Trung tâm hoạt động chưa hiệu quả do chưa xác định được mô hình hoạt động phù hợp với nhu cầu người dân; mạng lưới cộng tác viên còn thiếu; nhân sự tại Trung tâm đã lớn tuổi hoặc thiếu sự sáng tạo với các hoạt động phong trào…
Trẻ em vui chơi tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Học tập cộng đồng xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ). |
LÀM GÌ ĐỂ TRUNG TÂM HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ?
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm. Ông Nguyễn Hữu Nghị, giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cần xác định phong trào văn hóa, thể dục, thể thao là phần “hồn” của các Trung tâm, còn cơ sở vật chất của Trung tâm chỉ là phương tiện, là phần “xác”. Do vậy, cần tổ chức nhiều phong trào hay, hấp dẫn thì mới tạo ra cái “hồn” cho Trung tâm. Trong đó, cần tìm hiểu nhu cầu người dân muốn gì, cần gì. Ví dụ, địa bàn nào người dân thích đờn ca tài tử, sách, khiêu vũ, bóng bàn… thì Trung tâm cần tập trung phát triển các lĩnh vực đó. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa để Trung tâm có nguồn thu “nuôi” các hoạt động. Cùng với đó, cần quan tâm công tác tuyển dụng, chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân sự làm việc tại Trung tâm.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Long phân tích, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân hiện nay rất cao, họ thích xem những chương trình có chất lượng, còn các chương trình văn nghệ phong trào rất ít người xem. Vì vậy, cần khảo sát nhu cầu thực tế hưởng thụ văn hóa của người dân để có hướng đầu tư phù hợp. Còn ông Trịnh Duy Luyên, Chủ nhiệm Trung tâm thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đề xuất: Bên cạnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân sự tại các Trung tâm, cần xem xét chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ phù hợp. Các Trung tâm nên có những CLB văn nghệ, TDTT duy trì hoạt động thường xuyên. Chẳng hạn, tại Trung tâm Long Hải, hiện có các CLB Vovinam, Teakwondo, bóng bàn, CLB tiếng hát Biển Xanh, CLB đờn ca tài tử… được người dân địa phương rất yêu thích, đến sinh hoạt thường xuyên.
Theo ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP.Vũng Tàu, trong thời gian tới, TP.Vũng Tàu sẽ cử chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các Trung tâm đi học tập kinh nghiệm, mô hình hoạt động ở các huyện, thị, thành khác hiện đang thu hút 400-500 lượt người tới sinh hoạt/ngày, nhằm rút kinh nghiệm cho hoạt động tại Trung tâm của mình.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sự cần thiết của các Trung tâm nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu các địa phương đánh giá cụ thể hiệu quả của các Trung tâm. Sở VH-TT sớm hoàn thiện và tham mưu UBND tỉnh Đề án nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm để phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền các địa phương, các đoàn thể cấp xã cần nêu cao trách nhiệm trong việc duy trì hoạt động hiệu quả của các Trung tâm. |
Bài, ảnh: THI PHONG - MINH QUANG