Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ở miền Trung ngập nặng

Chủ Nhật, 09/12/2018, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 7 đến 9-12, các tỉnh miền Trung có mưa lớn khiến nhiều nơi ngập nặng.

* Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn làm nước tràn vào nhà gây sập tường nhà ông Nguyễn Phấn (phường Đông Lễ, TP.Đông Hà). Bà Lữ Thị Tú Anh, vợ ông Phấn và con gái Nguyễn Lữ Vân Anh, 35 tuổi bị nước cuốn xuống mương nước cạnh nhà. Tối 8-12, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể bà Lữ Thị Tú Anh, còn chị Nguyễn Lữ Vân Anh vẫn mất tích. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công an tỉnh Quảng Trị, Công an TP.Đông Hà tiếp tục tìm kiếm.

* Tại TP.Đà Nẵng, cơn mưa lớn rạng sáng 9-12 khiến trung tâm thành phố ngập chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Tại nhiều khu vực, nước cao hơn mặt đường 1m. Nhiều nhà dân bị ngập, nhiều ô tô bị chết máy. Các đội xe cứu hộ ôtô hoạt động liên tục để “giải cứu” số ôtô bị ngập nước. Thậm chí, lực lượng CSGT cũng phải huy động xe cứu hộ chuyên dụng đi ứng cứu.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng đánh giá: Cơn mưa từ đêm 8 đến sáng 9-12 đã gây ngập úng "lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây" tại thành phố. Lượng mưa đo được từ 3 giờ đến 7 giờ sáng 9-12 phổ biến 300-400 mm, điểm lớn nhất là đường Trưng Nữ Vương với 436 mm.

Đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng ngập sâu trong nước ngày 9-12. Ảnh: TTO
Đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng ngập sâu trong nước ngày 9-12. Ảnh: TTO

Đi kiểm tra thực tế trưa 9-12, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tiếp tục huy động người và phương tiện khơi thông các cửa thu nước trên mặt đường, các tuyến cống chính để nhanh chóng thoát nước mưa.

Tại dự án thoát nước công viên văn hóa và vui chơi giải trí đông nam Tượng đài 2-9, do đang thi công nên nước mưa không thể thoát ra sông Hàn, dẫn đến đường Phan Đăng Lưu bị ngập úng. Ông Huỳnh Đức Thơ giao Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước cho công nhân đào ngay một tuyến kênh dẫn nước mưa ra sông.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu đào dẫn dòng, phá dỡ đê quai nhằm đảm bảo thoát nước tạm tại các công trình đang thi công dở dang, như tuyến cống Khe Cạn, cống qua đường Tôn Đức Thắng tại kênh Yên Thế Bắc Sơn, tuyến cống công viên châu Á...

Do ảnh hưởng ngập lụt, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua Đà Nẵng bị tê liệt. Chiều 9-12, ông Nguyễn Nhân, Trưởng ga Đà Nẵng cho biết, do mưa lớn khiến một điểm đường sắt gần Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) bị sạt lở nên tàu chưa thể lưu thông qua khu vực này. Tàu SE9 đi TP.Hồ Chí Minh và SE10 đi Hà Nội không thể lưu thông qua khu vực bị sạt lở nên phải dừng ở ga.

Công nhân khắc phục sự cố sạt lở đường sắt đoạn qua Đà Nẵng. Ảnh: TTO
Công nhân khắc phục sự cố sạt lở đường sắt đoạn qua Đà Nẵng. Ảnh: TTO

Trước tình thế này, ngành đường sắt đã phải trung chuyển 159 hành khách của tàu SE9 và 173 khách của tàu SE10 cho nhau. Ngoài ra, tại ga Đà Nẵng còn tàu SE3 với 131 hành khách phải chờ để khắc phục xong điểm hư hỏng, sạt lở trên tuyến đường sắt mới thông tuyến được.

Trong khi đó, sáng cùng ngày, một số chuyến bay đến Đà Nẵng đúng lúc mưa to, tầm nhìn hạn chế nên phải đáp ở sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) hoặc Cam Ranh (Khánh Hòa). Do các tuyến đường lớn vào sân bay Đà Nẵng ngập nặng nên có một số hành khách không đi kịp chuyến bay và tìm mọi cách vào sân bay để đi các chuyến sau.

Ông Lê Xuân Tùng, Tổng Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho hay, đến chiều 9-12, các đường băng không ngập nước nên sân bay Đà Nẵng hoạt động bình thường, chưa có lệnh đóng sân bay.

* Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn trong 2 ngày 8 và 9-12 khiến nhiều khu vực bị ngập, đường sá chia cắt, đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tại TP.Hội An, tuyến đường Trần Hưng Đạo nhiều đoạn bị ngập sâu nửa mét, kéo dài hơn 100m. Nhiều xe máy chết máy, phải dắt bộ. Xe du lịch phải quay đầu tìm hướng khác đưa khách vào tham quan phố cổ. Các tuyến đường Hai Bà Trưng, ngã tư Lê Lợi… cũng bị ngập, nhiều cửa hàng, quán ăn phải đóng cửa.

Đường phố Tam Kỳ ngập nặng. Ảnh: VNE
Đường phố Tam Kỳ ngập nặng. Ảnh: VNE

Theo một lãnh đạo UBND TP.Hội An, đến trưa cùng ngày, mưa lớn đã làm ngập một số tuyến đường, một số khu vực thấp trũng bị ngập úng hoa màu.

Tại TP.Tam Kỳ, nhiều tuyến đường như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh… ngập sâu trong nước, dân đi lại khó khăn.

Tại huyện Đại Lộc, TX.Điện Bàn, nhiều khu vực thôn xóm thấp trũng cũng chìm trong nước.

* Tại tỉnh Quảng Ngãi, cơn mưa lớn đêm 8-12 tại các huyện miền núi khiến lũ các sông trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa lên nhanh gây ngập nhiều nhà dân, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.

Nước lũ lên nhanh gây ngập nhiều nhà dân nằm ven các con sông lớn trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.
Nước lũ lên nhanh gây ngập nhiều nhà dân nằm ven các con sông lớn trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Ảnh: Dân Trí

Tuyến đường từ trung tâm huyện Nghĩa Hành đi xã Hành Dũng bị nước sông Phước Giang gây ngập nặng.

* Tại tỉnh Bình Định, mưa lớn trên 360mm kéo dài nhiều giờ cũng khiến hàng ngàn ngôi nhà ở các huyện Hoài Ân, An Lão bị ngập lụt.

Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, đến chiều 9-12, trời đã bớt mưa, nước lũ rút nhẹ, nhưng vẫn còn trên 500 ngôi nhà bị ngập lụt. Trước đó, từ tối 8 đến sáng 9-12, địa bàn huyện này có mưa rất lớn khiến nước sông An Lão dâng cao, gây ngập lụt 3 xã phía Bắc huyện là Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và Ân Nghĩa. "Đến sáng 9-12 thì có khoảng 1.100 ngôi nhà bị ngập lụt. Rất may là không có thiệt hại về người. Hiện trời vẫn còn mưa nhưng không lớn, nước lũ trên sông cũng đã rút bớt" - ông Long cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão cũng cho biết, mưa lớn xuất hiện ở huyện này từ cuối đêm 8-11, đến 4 giờ sáng 9-12 làm ngập khoảng 100 nhà dân vùng trũng thấp. Song đến trưa cùng ngày thì nước rút, thiệt hại không đáng kể.

Ở vùng phía Nam tỉnh Bình Định, đến 14 giờ 30 chiều 9-12, một số nơi ở huyện Tây Sơn, TX.An Nhơn cũng bị ngập cục bộ. Một số đoạn quốc lộ 19 qua huyện Tây Sơn bị ngập, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.

 THÙY VÂN
(Tổng hợp)

;
.