Khuyến khích xã hội hóa việc dạy bơi

Thứ Năm, 27/12/2018, 16:49 [GMT+7]
In bài này
.

Dạy bơi là giải pháp hữu hiệu phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, đã và đang được ngành GD-ĐT triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc dạy bơi trong các nhà trường đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư, vận hành bằng vốn ngân sách, khiến tỷ lệ HS được tham gia học bơi còn quá ít. Do vậy, vấn đề xã hội hóa việc dạy bơi trong và ngoài nhà trường cần được khuyến khích bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

Các em học sinh Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh trong giờ tập bơi.
Các em học sinh Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh trong giờ tập bơi.

TĂNG DẠY BƠI, GIẢM ĐUỐI NƯỚC

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 60 em tử vong do đuối nước. Khoảng 80% các em bị đuối nước do trượt chân xuống hố sâu, hoặc đi tắm ở các bãi tắm tự phát. Do vậy, việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ em trong độ tuổi đến trường là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Có mặt tại Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh (huyện Long Điền) vào buổi học bơi của các em HS lớp 11, chúng tôi ghi nhận được không khí vui tươi, háo hức và đầy hào hứng của các em HS khi được tham gia học bơi. Em Tâm Thị Thu Vân (lớp 11 A4) cho biết, trước đây em không biết bơi, thỉnh thoảng mới được ba mẹ đưa lên Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Long Điền để tắm hồ bơi. Nhưng từ khi lên học cấp 3 tại Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh, tuần nào Vân cũng được học bơi, nên khả năng bơi của em tiến bộ rất nhanh. “Hiện, em có thể bơi được khoảng 100m mà không thấy mệt. Học bơi rất tốt, vừa giúp mình thư giãn sau những giờ học căng thẳng, vừa giúp rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt, khi biết bơi em có thể giúp mình thoát khỏi đuối nước và giúp đỡ được người khác khi họ gặp tai nạn đuối nước”, Vân bày tỏ.

Theo thầy Lê Văn Cường, Tổ trưởng chuyên môn giáo dục thể chất, Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh, tại nhà trường, bơi là một môn thể dục tự chọn của các em HS, mỗi tuần các em được học 2 tiết. Sau khi tham gia các buổi học bơi, gần 100% các em biết bơi, trong đó bơi khá đạt hơn 70%. Hiện nay, nhà trường có 3 thầy giáo đảm nhiệm việc dạy bơi, đủ đáp ứng nhu cầu học bơi của hơn 1.000 HS. “Với các em đã biết bơi và bơi tốt, các giáo viên sẽ dạy các kỹ năng bơi nâng cao cho các em như: bơi ngửa, bơi sải và các kỹ thuật đứng nước, kỹ năng xử lý khi lọt vào ao xoáy... giúp các em có thể cứu người bị đuối nước và tự cứu bản thân để thoát hiểm dưới nước”, thầy Lê Văn Cường cho hay.

Cô Trần Phạm Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh cho biết, hồ bơi của nhà trường được đầu tư từ nguồn Ngân sách với tổng diện tích 375m2, kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng. Để duy trì hoạt động hồ bơi và chi trả các chi phí như: điện, nước, thuốc khử khuẩn… nhà trường thu phí các em HS, 150 ngàn đồng/khóa. Ngoài ra, nhà trường còn mở cửa phục vụ nhu cầu tắm hồ bơi của người dân xung quanh vào các ngày nghỉ và có thu phí để bù đắp chi phí vận hành hồ bơi.

Các em học sinh Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu) khởi động trước giờ tập bơi.
Các em học sinh Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu) khởi động trước giờ tập bơi.

Trong mấy năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa hoạt động dạy bơi cho HS vào chương trình học ngoại khóa. Nhờ đó, đã góp phần tích cực vào công tác phổ cập dạy bơi cho HS, giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em. Theo Sở GD-ĐT, trong năm học 2017-2018, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp HS bị tai nạn đuối nước.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng gần 500 trường trung học, tiểu học và mầm non, nhưng hiện chỉ có gần 30 trường có hồ bơi, tập trung chủ yếu ở TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa. Trong đó, hồ bơi được đầu tư bằng vốn ngân sách hiện chiếm một nửa.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng hồ bơi cũng như để duy trì hoạt động của các hồ bơi khá tốn kém. Do đó, chủ trương của UBND tỉnh là khuyến khích vận động nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hồ bơi ở nhiều địa bàn dân cư. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các địa phương cùng Công ty CP Hỗ trợ đầu tư và Phát triển giáo dục Quốc tế (VES) lắp đặt thí điểm hồ bơi di động tại một số trường trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo cơ hội cho hàng ngàn HS có cơ hội được học bơi.

Theo cô Phạm Thị Kim Nhung, Hiệu phó Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu), nhu cầu học bơi của các em HS rất cao. Trước đây, trường không có hồ bơi nên không thể thực hiện dạy bơi cho các em học sinh. Từ năm 2017-2018, Công ty VES đầu tư hồ bơi di động trong nhà trường, nhờ đó gần 1.300 HS của nhà trường đã được tạo điều kiện tham gia học bơi với mức học phí 100 ngàn đồng/tháng/em. “Khi hồ bơi được đưa vào sử dụng, các em HS của trường tỏ ra rất hào hứng và phấn khởi. Đến nay, hơn 97% các em sau khóa huấn luyện học bơi đã biết bơi. Mọi chi phí hoạt động dạy bơi ở nhà trường như: thầy giáo dạy bơi, nhân viên cứu hộ, nhân viên bảo mẫu, chi phí điện, nước, chi phí thuốc khử khuẩn… đều do Công ty VES bảo đảm. Nhờ đó, tiết kiệm ngân sách Nhà nước”, cô Nhung cho hay.

Để công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho HS đạt hiệu quả, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT luôn quan tâm tới công tác dạy bơi trong nhà trường. Đối với các đơn vị đã được nhà nước đầu tư xây dựng hồ bơi, phải đưa môn bơi lội vào chương trình thể dục chính khóa. Bảo đảm 100% HS được học tập bơi lội và hướng dẫn các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước; các trường được đầu tư hồ bơi theo hình thức xã hội hóa thì khuyến khích HS, vận động phụ huynh tích cực cho con em tham gia; đối với các cơ sở chưa được đầu tư hồ bơi, nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức cho các em được bơi ở các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường; thực hiện giảm học phí đối với con em các gia đình chính sách, hộ nghèo… để tạo điều kiện cho các em tham gia học bơi.

Ông Võ Chí Thắng, Giám đốc Công ty VES cho biết, công ty đã lắp đặt 9 hồ bơi di động tại 8 trường TH trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Hồ bơi ở các trường này đều hoạt động hiệu quả, chỉ còn một vài trường do số lượng HS tham gia học bơi còn ít, nên DN phải bù lỗ để duy trì hoạt động hồ bơi tại trường với 6 nhân viên, gồm 2 thầy giáo dạy chính, 2 nhân viên bảo mẫu, 1 nhân viên cứu hộ. Do đó, dù bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực cho xã hội, nhưng Công ty VES phải ngưng mở rộng việc đầu tư lắp đặt hồ bơi di động tại các địa phương. “Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư hồ bơi như miễn tiền thuê đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ một phần học phí cho các em HS tham gia học bơi… Ngoài ra, để hoạt động dạy bơi hiệu quả, ngành giáo dục nên đưa môn dạy bơi vào môn học chính khóa và bắt buộc’, ông Võ Chí Thắng kiến nghị.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 

 

;
.