Trong bối cảnh áp lực học hành, thi cử hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS, trong đó có hoạt động tư vấn tâm lý học đường đóng vai trò quan trọng giúp các em vơi bớt căng thẳng, lo âu. Tuy nhiên, do còn khá mới mẻ nên hoạt động tư vấn tâm lý học đường vẫn chưa đi vào chiều sâu và đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn tư vấn cho HS lớp 12 (TP.Vũng Tàu) cách giải tỏa căng thẳng trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. |
NHIỀU HS MẮC CÁC HỘI CHỨNG TÂM LÝ TIÊU CỰC
Cuối tháng 10-2018, Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Thắm, GV Trường THCS Lê Quang Cường (TP.Bà Rịa) tiến hành khảo sát nhu cầu tư vấn, giúp đỡ tâm lý của gần 300 HS nhà trường. Kết quả khảo sát cho thấy, có rất nhiều HS mắc các hội chứng tâm lý tiêu cực. Cụ thể, có tới 91,7% HS cảm thấy áp lực và lo lắng trong học tập; 27,3% HS có tâm lý hoang mang, mặc cảm; 86% HS có hội chứng giảm chú ý, thiếu tập trung...
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định: “Nguyên nhân của tình trạng trên là do những áp lực của việc học hành, sự kỳ vọng của cha mẹ vượt quá khả năng của trẻ, những thay đổi về sinh lý trong từng độ tuổi, những mối quan hệ với bạn bè, người thân. Cùng với đó là hàng chục lý do khác trong cuộc sống thường ngày đã tác động đến tâm, sinh lý của trẻ, chủ yếu trong độ tuổi từ lớp 1 tới lớp 12 - lứa tuổi không còn nhỏ để răm rắp nghe theo lời cha mẹ, thầy cô nhưng lại chưa đủ lớn để quyết định mọi hành động của mình. Trước những tác động này, nhiều HS không chịu được áp lực và nảy sinh một số vấn đề về tâm lý. Nếu không có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời để tháo gỡ, các em có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, bế tắc và dễ tìm đến cách giải quyết tiêu cực”.
NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Trong những năm gần đây, vấn đề tư vấn tâm lý học đường ngày càng được chú trọng. Đầu năm 2018, Tỉnh ủy đã có kết luận về các giải pháp chăm lo sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần của HS. Ngay sau đó, ngành giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động như: Thành lập Tổ tư vấn tâm lý tại tất cả các trường phổ thông; bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV và những người trực tiếp làm công tác tư vấn tâm lý học đường theo chương trình của Bộ GD-ĐT và các chương trình có liên quan… Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận, tư vấn tâm lý là hoạt động giáo dục khá mới mẻ tại các trường học nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Nguyên nhân là do đội ngũ GV khi còn là SV sư phạm thường chỉ quan tâm đến bộ môn chính được đào tạo, còn học phần giáo dục học, tâm lý học chưa được coi trọng. Khi ra trường, các thầy cô chủ yếu quan tâm tới chuyên môn, lo dạy chữ, lo đạt nhiều giải cao trong các kỳ kiểm tra, thi cử. Còn tâm lý HS - vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường, có khi ảnh hưởng đến tương lai của các em thì chưa có nhiều trường, nhiều thầy cô nghĩ tới để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, có nhiều Tổ tư vấn GV nhiệt tình nhưng lại thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kinh phí, cơ sở vật chất dẫn tới hiệu quả tư vấn không cao.
Cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu) cho hay, đầu năm học 2018-2019, nhiều trường đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý, bố trí phòng tư vấn và sau đó... ngồi chờ HS tới bày tỏ. Khi các em có tâm sự, thổ lộ thì tư vấn viên mới chỉ lựa lời an ủi chung chung. Có nơi lại coi tư vấn học đường giống như môn giáo dục công dân hoặc na ná như chương trình kỹ năng sống. Do đó, hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa cao.
Là thành viên Tổ tư vấn tâm lý của Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ), chị Nguyễn Thị Xuân Đồng, nhân viên y tế của trường cho biết, thời gian qua, khá nhiều HS đã gặp chị để chia sẻ về những vấn đề các em gặp phải. Tuy nhiên, với những vấn đề phức tạp, khi tư vấn cho các em, bản thân chị cũng “gặp khó” vì kiến thức trong lĩnh vực này còn hạn chế. Hiện nay, nhà trường đang trong quá trình xây dựng, nên phòng y tế học đường đang gộp chung với phòng tư vấn tâm lý. Trong khi đó, theo yêu cầu thì phòng tư vấn tâm lý phải riêng biệt nhằm tạo không gian riêng tư, thoải mái để HS có thể giãi bày tâm sự của mình. Tuy nhiên, nếu tách riêng phòng tư vấn tâm lý thì lại không có người trực, vì các thành viên trong Tổ tư vấn đều là GV hoặc nhân viên kiêm nhiệm.
Chị Nguyễn Thị Xuân Đồng, Tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) luôn cởi mở, thân thiện để HS dễ dàng chia sẻ vấn đề của mình. |
Hơn 1.000 HS Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) tham gia chương trình tư vấn kỹ năng học đường do Sở GD-ĐT phối hợp với Báo Giáo dục TP.Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 11-2018. |
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Tăng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm BR-VT, ngành giáo dục cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý học đường cho tư vấn viên tại các Tổ tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông; đồng thời trang bị tri thức mới, hiện đại về tâm lý cho đội ngũ GV để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn. Bên cạnh đó, cần tuyển cử nhân chuyên ngành tâm lý tham gia Tổ tư vấn tâm lý học đường tại trường phổ thông để nâng cao hiệu quả tư vấn.
Thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cho rằng, một Tổ tư vấn không thể gánh vác hết công tác tư vấn tâm lý trong trường học mà chỉ có thể giải quyết một số ca đặc biệt. Để hoạt động tư vấn tâm lý đi vào chiều sâu, mỗi GV phải gần gũi để thấu hiểu và chia sẻ với HS những vấn đề các em gặp phải. Các nhà trường cần thường xuyên tổ chức đối thoại với HS để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS, từ đó có giải pháp giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giảm áp lực học tập, xóa đi bức tường ngăn cách, giúp thầy trò hòa đồng, gần gũi với nhau. Khi HS chịu chia sẻ vấn đề của mình, nghĩa là thầy cô đã bước đầu thành công trong hoạt động tư vấn tâm lý. Trường hợp cần thiết, phải có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình, ban giám hiệu, các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý để cùng nhau tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ HS kịp thời.
Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Hiểu đúng, hiểu đủ để giúp trẻ tốt hơn” tại BR-VT mới đây, Tiến sĩ tâm lý học Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường quốc tế đã đề xuất: Lãnh đạo các địa phương cần tiếp cận vấn đề tư vấn tâm lý học đường một cách hệ thống và quy chuẩn để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương; Xây dựng lộ trình với các mục tiêu và kế hoạch cụ thể để bảo đảm chất lượng chương trình tâm lý học đường; Tham chiếu các nguồn tài liệu về tâm lý học đáng tin cậy để có khả năng tự đánh giá các dịch vụ và chương trình tâm lý được sử dụng tại địa phương.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI