Dạy con bằng sự cảm thông và thương yêu

Thứ Tư, 26/12/2018, 16:37 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là thông điệp mà TS.Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý người Mỹ gốc Việt có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý học đường, tác giả cuốn “Dạy con trong hoang mang” (giành giải sách hay năm 2018 về giáo dục) gửi gắm đến các bậc phụ huynh đang hoang mang trong cuộc hành trình đồng hành cùng con không ít gian nan.

TS. Lê Nguyên Phương đã chia sẻ những nguyên tắc trong việc giáo dục con cái và cách làm bạn cùng con với các phụ huynh, GV tham gia chương trình tọa đàm “Dạy con trong hoang mang”. Ảnh: KHÁNH CHI
TS. Lê Nguyên Phương đã chia sẻ những nguyên tắc trong việc giáo dục con cái và cách làm bạn cùng con với các phụ huynh, GV tham gia chương trình tọa đàm “Dạy con trong hoang mang”. Ảnh: KHÁNH CHI

CHA MẸ HÃY LÀ CHỖ DỰA CHO CON

Tâm sự với chúng tôi, chị Hà Trang (trú tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) than phiền vì không biết nên dạy dỗ cậu con trai 7 tuổi rất cá tính và ngỗ nghịch của mình như thế nào. Chị Trang kể: “Ở lớp, trong giờ học bé không tập trung nghe giảng, một tiết học lấy lý do đi vệ sinh xin ra ngoài đến 3 lần. Cô giáo theo ra mới phát hiện bé chỉ lấy lý do để được ra ngoài chơi. Khi cô ra bài tập, bé không làm theo đề bài mà tự ý... sửa lại đề theo ý thích. Ở nhà, bé cũng không học bài mà chỉ ham chơi, thích làm trái ý bố mẹ, không biết nhường nhịn em”. Đau đầu không biết làm sao đưa con vào khuôn phép, vợ chồng chị Trang từng nghiền ngẫm nhiều tài liệu dạy con, nhưng rồi lại cảm thấy hoang mang hơn vì nhiều phương pháp khác biệt, thậm trí trái ngược. Cuốn thì khuyên nên thưởng-phạt con bằng vật chất, cuốn thì lại cho đó là sai lầm; cuốn cho rằng cần dạy trẻ chia sẻ đồ chơi, cuốn thì khuyên không nên ép buộc khi trẻ không muốn... Lạc trong “mê cung” sách dạy con, chị Trang thở dài: “Không biết dạy con theo phương pháp nào mới là đúng đắn?”.

Trả lời câu hỏi này, diễn giả Lê Nguyên Phương hài hước chia sẻ: “Không chỉ phụ huynh mà ngay chính bản thân tôi cũng cảm thấy hoang mang. Nhưng đó là nỗi hoang mang khi bước vào các nhà sách. Bởi tại đây có quá nhiều tài liệu về phương pháp giáo dục con cái, đa số là phương pháp dạy con theo các quốc gia phát triển như dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Do Thái... Các cuốn sách này đề cập tới nhiều ý hay nhưng nhiều lúc lại mâu thuẫn lẫn nhau”. Trước “ma trận” sách dạy con, TS. Lê Nguyên Phương khẳng định, cho dù có được trang bị “một túi cẩm nang” thì khi gặp tình huống chưa được đề cập tới, phụ huynh vẫn bị lúng túng. Trong cuộc sống muôn hình vạn trạng với những tình huống bất ngờ thì điều quan trọng nhất là cha mẹ phải nắm được cái “gốc” trong giáo dục con cái để ứng phó với mọi tình huống.

Theo TS. Lê Nguyên Phương, nghiên cứu của GS. Diana Baumrind vào các năm đầu của thập niên 60 đã chỉ ra rằng, có 4 yếu tố cần chú ý khi nghiên cứu về lối dạy con, đó là: kỷ luật, truyền đạt, sự hỗ trợ tinh thần và cuối cùng là kỳ vọng vào con cái. Trong đó, quan trọng nhất trong 4 yếu tố này là 2 yếu tố kỳ vọng và sự hỗ trợ của cha mẹ. Dựa trên những yếu tố này, chúng ta có thể có 4 lối dạy con. Thứ nhất là dạy con theo lối độc đoán, con cái phải tuân theo tất cả các luật lệ áp đặt của cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. Cách này hình thành những đứa trẻ lễ phép, vâng lời, kỷ luật nhưng tiềm ẩn sự tức giận, bất mãn hoặc yếu đuối, thiếu tình thân ái, tư duy độc lập kém. Thứ hai là dạy con theo lối nuông chiều, thường hình thành những đứa trẻ thiếu kỷ luật tự thân, ít động lực phấn đấu thành đạt, khả năng giao tiếp xã hội bị hạn chế, và thường gặp khó khăn trong môi trường làm việc đòi hỏi kỷ luật cao. Thứ ba là dạy con theo lối phó mặc, để trẻ tự chăm sóc bản thân. Trẻ con được dạy theo lối này thường gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoài xã hội, thậm chí dễ rơi vào nghiện ngập, bạo lực vì không học được sự yêu thương và gắn bó với cha mẹ. Thứ tư là dạy con theo lối “từ nghiêm”, cha mẹ vừa nghiêm khắc thiết lập những kỳ vọng và kỷ luật nhưng đồng thời hỗ trợ con cả về vật chất lẫn tinh thần. Lối dạy này thường giúp trẻ dễ thành công và hạnh phúc hơn khi lớn lên. Nhưng ngay cả khi biết lối nào là hữu ích cho việc dạy con đi nữa, thì điều quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ có đủ “nội lực” để vận dụng lối dạy con đó hay không. Và điều đó đòi hỏi một hành trình bắt đầu chuyển hóa mình của cha mẹ.

HÃY LÙI LẠI ĐỂ CON ĐƯỢC LỚN LÊN

Theo TS. Lê Nguyên Phương hành trình chuyển hóa đó là việc cha mẹ tự tạo sự cân bằng cho chính mình, dành nhiều thời gian cho con cái để làm bạn cùng con. “Làm sao để có thể làm bạn cùng con?” là băn khoăn được không ít phụ huynh đặt ra. TS. Lê Nguyên Phương đã đưa ra một hình ảnh so sánh rất ấn tượng: Trong hành trình dạy con, phụ huynh giống như một diễn viên xiếc đi trên dây, không ai muốn mình rơi vào 1 trong 2 thái cực: độc đoán hoặc nuông chiều con thái quá. Và con đường trung đạo chỉ được xác định khi tâm thức người làm cha mẹ đạt được sự cân bằng. Không một khóa học nào có thể biến cha mẹ thành những thiên thần trong việc dạy con mà kết quả đạt được còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính bản thân người làm cha, làm mẹ. Hãy đưa con ra “biển lớn” thành công bằng sự cảm thông và tình yêu thương. Hãy nhìn sâu vào tâm hồn của chính mình, xem mình muốn gì nếu đặt mình vào địa vị của con thì đó chính là câu trả lời. TS. Lê Nguyên Phương cho rằng, cha mẹ hãy dành thời giờ cho con, trò chuyện cùng con, ngay cả khi đứa trẻ chưa có sự phát triển ngôn ngữ. Việc có mặt trọn vẹn ở bên con sẽ tạo một sự điều hòa tương hỗ giữa hai hệ thống thần kinh, là điều cần thiết cho đứa trẻ. Dùng nhiều thời gian cho con cũng là một cách giúp cha mẹ học thiền định. Khi ở bên cạnh con, hãy đặt sự chú tâm, mở trái tim, tâm hồn ra một cách toàn tâm toàn ý, buông hết thảy mọi thứ trong tâm thức chỉ để lắng nghe và chia sẻ với con. Hãy luôn tôn trọng ý kiến, cảm xúc, tạo không gian riêng cho con.

TS. Lê Nguyên Phương cũng nhấn mạnh, dành thời gian cho con, làm bạn với con không đồng nghĩa trở thành những “cha mẹ trực thăng”. (Từ dùng để mô tả việc cha mẹ kiểm soát con cái giống như cách mà các trực thăng bay vần vũ trên đầu). “Những phụ huynh kiểu này cứ tưởng họ là cây cao bóng cả che bóng mát cho con, nhưng thực ra là phủ bóng tối lên cuộc đời con. Trong khi trẻ cần sự chủ động và tự quyết trong đời sống thì nhiều bậc cha mẹ lại không biết điều chỉnh mức độ hỗ trợ hay kiểm soát mà vẫn tiếp tục dạy con theo kiểu... máy bay trực thăng. Cha mẹ cần phải biết lùi lại để cho con được lớn. Ngay từ sớm, hãy dạy trẻ tìm kiếm sự thật, tập cho trẻ tư duy phản biện, tư duy logic chặt chẽ và trang bị cho trẻ những giá trị nền tảng “nhân, trí, dũng” để con biết phân biệt tốt xấu, đúng sai, từ đó quyết định cuộc sống của chính mình”, TS. Lê Nguyên Phương nói.

HOÀNG DƯƠNG

 
;
.