Cuộc thi tài năng robot quốc tế năm 2018: Dự án nhân văn của học sinh BR-VT đoạt giải cao

Thứ Hai, 10/12/2018, 16:52 [GMT+7]
In bài này
.

Tại cuộc thi tài năng Robot quốc tế năm 2018 vừa tổ chức ở Thái Lan, đội tuyển tỉnh BR-VT với 4 thí sinh đem đến cuộc thi 2 dự án. Trong đó, Dự án “Sáng tạo và lập trình về dây chuyền tiếp nhận thức ăn và những nhu yếu phẩm khác từ những nhà hảo tâm đến việc phân phát thức ăn cho người nghèo” đã xuất sắc giành giải Đồng Sáng tạo. Đây là dự án mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tình cảm, sự sẻ chia của học sinh BR-VT với người nghèo. 

Dự án “Sáng tạo và lập trình về dây chuyền tiếp nhận thức ăn và những nhu yếu phẩm khác từ những nhà hảo tâm đến việc phân phát thức ăn cho người nghèo” được thực hiện bởi nhóm HS: Nguyễn Hoàng Thảo Vy (HS lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu) chịu trách nhiệm lắp ráp chính; Lê Nguyễn Trọng Đức (HS lớp 9, Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) là người lập trình chính; Tăng Mỹ Nhiên (HS lớp 9, Trường THCS Nguyễn An Ninh) vừa tham gia lập trình, vừa làm nhiệm vụ thuyết trình về dự án. 

Em Tăng Mỹ Nhiên thuyết trình về dự án.
Em Tăng Mỹ Nhiên thuyết trình về dự án.

Em Tăng Mỹ Nhiên chia sẻ: “Với dự án nói trên, ai muốn chung tay góp đồ cho người nghèo, chúng em sẽ đến tận nhà để lắp đặt 1 trạm tiếp nhận đồ, với 2 loại hộp khác nhau. Hộp nhỏ màu đỏ để đựng đồ ăn và thức uống, còn đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn hay mùng, mền sẽ được dựng trong hộp lớn màu vàng. Mỗi khi người quyên góp có nhu cầu tặng thứ gì đó, họ sẽ cho đồ dùng hoặc đồ ăn, thức uống vào đúng loại hộp, rồi nhấn nút “kích hoạt” trên ứng dụng. Ngay lập tức, chiếc xe chở hàng tự động của chúng em sẽ đi đến tận nơi để thu nhận hộp đưa về xưởng, nơi mà 2 loại sản phẩm sẽ được phân ra 2 khu riêng biệt. Tại đây, đồ quyên góp sẽ theo dây chuyền được lập trình sẵn để đến từng khay phát đồ. Người nghèo sẽ được phát thẻ và mỗi lần chỉ được nhận 1 sản phẩm”.

Mỹ Nhiên cho biết thêm: “Chúng em mong muốn vận hành dự án này để mang lại lợi ích cho hàng triệu người nghèo trên toàn thế giới. Chúng em không chỉ mang đồ quyên góp đến cho họ, mà còn hướng tới việc tạo động lực làm việc cho họ. Chúng em sẽ có một bộ phận đánh giá sự nỗ lực trong lao động của những người được nhận cứu trợ. Nếu họ chịu khó làm việc, chúng em sẽ tăng suất đồ ăn, đồ dùng được tặng lên. Còn nếu họ không chăm chỉ làm việc, mà chỉ nghĩ đến nhận hàng cứu trợ thì số lượng hàng được nhận sẽ bị cắt giảm dần”. 

Để nghĩ ra dự án đầy tính nhân văn này, các thành viên trong nhóm đã có những trải nghiệm thực tế cuộc sống trong nửa năm qua. Thảo Vy cho biết, em đang là nhóm trưởng Nhóm thiện nguyện SHELF (mang ý nghĩa: Mọi việc bắt nguồn từ tâm hồn) của HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và một số trường khác. Nhóm có 20 thành viên, đến nay đã quyên góp và tặng quà cho người nghèo được 3 đợt, mỗi đợt 150-170 suất đồ ăn, đồ dùng, gạo… Qua hoạt động này, các thành viên trong nhóm nhận thấy, nhiều người nghèo đang rất cần sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng. Và ý tưởng cho dự án cũng được khơi nguồn từ đây… 

Các thí sinh tỉnh BR-VT với dự án “Sáng tạo và lập trình về dây chuyền tiếp nhận thức ăn và những nhu yếu phẩm khác từ những nhà hảo tâm đến việc phân phát thức ăn cho người nghèo”.
Các thí sinh tỉnh BR-VT với dự án “Sáng tạo và lập trình về dây chuyền tiếp nhận thức ăn và những nhu yếu phẩm khác từ những nhà hảo tâm đến việc phân phát thức ăn cho người nghèo”.

Cô Nguyễn Thị Song Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, đồng thời là phụ huynh em Lê Nguyễn Trọng Đức, chia sẻ: “Nhà trường và gia đình rất ủng hộ các em tham gia sân chơi trí tuệ này. Riêng Trường Nguyễn An Ninh luôn tổ chức nhiều hoạt động giàu tính nhân văn, gần gũi với cộng đồng xã hội để các em sẻ chia tình yêu thương, sống có ích cho xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đây là sân chơi bổ ích dành cho HS, giúp các em khơi dậy niềm đam mê sáng tạo. Sở GD-ĐT khuyến khích các em tham gia sân chơi bổ ích này. 

Bài, ảnh: THÁI BÌNH - KHÁNH CHI

;
.