Cơ hội việc làm chưa rộng cửa với phụ nữ nông thôn
Nhiều ý kiến tại hội thảo “Việc làm bền vững cho phụ nữ nông thôn, yếu tố để giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng nông thôn mới” do Ban vì Sự tiến bộ phụ nữ tỉnh vừa tổ chức cho thấy cơ hội việc làm ổn định cho lao động nữ (LĐN), nhất là LĐN nông thôn hiện còn thấp. LĐN vẫn khó tiếp cận thị trường lao động. Làm gì để nâng thu nhập, ổn định đời sống, tạo bình đẳng trong việc làm cho LĐN đang là bài toán khó.
Việc làm cho lao động nữ nông thôn chủ yếu vẫn là những nghề thủ công như đan giỏ lục bình, nghề may. Họ rất khó kiếm được một công việc có tính ổn định, thu nhập khá. |
ÍT CƠ HỘI TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã chỉ ra thực tế, so với nam giới, LĐN nông thôn khó tiếp cận với thị trường lao động. Hầu hết, LĐN chỉ làm công việc giản đơn, thu nhập thấp. Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, qua thống kê từ các phiên giao dịch việc làm gần nhất thì vị trí việc làm dành cho LĐN các DN đăng tuyển thấp hơn so với lao động nam. Riêng 20 phiên gần nhất có 5.465 vị trí việc làm cho nữ/12.345 vị trí (chiếm tỷ lệ 44,2%). Trong khi LĐN có nhu cầu đăng ký tìm việc làm cao hơn nam với 2.047 lượt. LĐN nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu cũng thấp hơn so với nam giới 789/1.344 người.
Lao động nữ gặp nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận thị trường lao động. Trong ảnh: Lao động nữ làm việc tại Công ty CP Sản xuất và kinh doanh thiết bị chiếu sáng Thái Bình Dương. Ảnh: ĐÔNG TRÚC |
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thùy Hương, LĐN chủ yếu được tuyển dụng vào các vị trí công việc giản đơn như lĩnh vực: May mặc, may giày da, bán hàng, giúp việc gia đình… Đây là những công việc không đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn, kỹ thuật mà chủ yếu lao động tay chân, phổ thông. Thống kê trên chỉ mới dừng lại ở LĐN làm việc trong khu vực kinh tế chính thức, có hợp đồng lao động. Bà Hương cho hay: “Hành trình tìm kiếm việc làm của LĐN đang gặp nhiều khó khăn. Trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, lực lượng lao động nông thôn, nhất là LĐN dôi dư khá nhiều. Dù chưa có cuộc điều tra khảo sát chính thức chuyên sâu nào được tiến hành về vấn đề LĐN trên địa bàn tỉnh nhưng qua các phiên giao dịch việc làm chúng tôi nhận thấy cơ hội việc làm, cũng như thu nhập của LĐN hiện rất thấp”.
Công tác đào tạo nghề cho LĐN nông thôn được triển khai từ năm 2011 đến nay với Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm” với 12.267 LĐN nông thôn được đào tạo nghề. Trong 10 năm thực hiện bình đẳng giới về việc làm và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có 198.498 LĐN đã được tạo việc làm. Trung bình, mỗi năm có từ 15.000-20.000 LĐN được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ LĐN học nghề còn thấp dẫn tới việc làm khó ổn định, thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thì nguyên nhân của tình trạng trên là do LĐN nông thôn vẫn còn hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng lao động thấp. Điều này khiến LĐN khó tiếp cận và tham gia thị trường lao động. Mặt khác, các chính sách ưu đãi dành cho LĐN của DN, các chính sách ưu đãi cho LĐN nông thôn chưa thông thoáng, chưa thật sự hiệu quả để thúc đẩy giải quyết việc làm cho họ. Nhất là với LĐN vùng sâu, vùng xa và LĐN lớn tuổi.
Lao động nữ nghiên cứu thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức năm 2018. |
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chỉ ra những khó khăn trong tìm kiếm việc làm bền vững của LĐN, nhất là tình trạng LĐN thiếu định hướng, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm. Đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ trong tìm kiếm việc làm, thông tin từ các nhà tuyển dụng… Vì thế, tỉnh cần đẩy mạnh đào tạo nghề có trình độ dài hạn cho LĐN để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của DN. “Tôi nghĩ, muốn tạo việc làm cho LĐN nông thôn thì trước hết phải nghĩ tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách như hỗ trợ vay vốn cho LĐN. Cần quan tâm công tác dự báo xu hướng việc làm và tư vấn hướng nghiệp cho LĐN. Đồng thời, các địa phương cần xác định rõ hướng phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó đề xuất những ngành nghề phù hợp để đào tạo, giải quyết việc làm cho LĐN”, bà Nguyễn Thị Hồng Nguyên chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Nguyên Cường, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng LĐN nông thôn đang đối mặt với nhiều thách thức trước mục tiêu tìm kiếm việc làm bền vững. Đây là nhóm lao động còn nhiều thiệt thòi vì ít có cơ hội tiếp cận với nguồn lực, với việc làm bền vững nên đời sống còn khó khăn. Trong đó, có nguyên nhân từ định kiến về giới. Vì thế, theo thạc sĩ Phạm Nguyên Cường cần phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. “Chỉ khi xóa bỏ định kiến giới thì mới mở ra cơ hội việc làm bền vững cho LĐN nông thôn vì khi ấy họ được tiếp cận nhiều hơn với thông tin về việc làm, học nghề cũng như giảm bớt gánh nặng về giới”, thạc sĩ Cường khẳng định.
Cùng với giải pháp tăng cường tuyên truyền nhằm xóa bỏ định kiến giới thì bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, để LĐN tiếp cận được việc làm ổn định thì trước mắt cần xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là LĐN nông thôn lớn tuổi. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các vùng nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho LĐN.
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC