Chấn chỉnh hoạt động các trung tâm ngoại ngữ

Thứ Tư, 12/12/2018, 14:38 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều trung tâm và cơ sở dạy ngoại ngữ (gọi chung TTNN) ra đời đã đáp ứng khá tốt nhu cầu học ngoại ngữ của người dân. Tuy nhiên, tại một số TTNN, hoạt động giảng dạy còn nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng bố trí người nước ngoài không có bằng cấp, không có giấy phép lao động tham gia giảng dạy. Trước thực tế này, cơ quan chức năng đã và đang tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động các TTNN.

Lớp học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu.
Lớp học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu.

THỰC TẾ GIẢNG DẠY KHÔNG NHƯ QUẢNG CÁO 

Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động ở các TTNN trên địa bàn tỉnh BR-VT diễn ra rất nhộn nhịp, đặc biệt là ở TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa. Trên các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức, Trương Công Định, 2-9 (TP.Vũng Tàu)…, người đi đường dễ dàng nhìn thấy những tấm bảng hiệu quảng cáo của các TTNN như: Kỳ Nguyên, Apex, ILA, Anh ngữ Tự Nhiên… Tại TP.Bà Rịa, cũng có một số TTNN như ABC English Center, Anh ngữ New York… thu hút khá đông học viên. Một điều dễ nhận thấy, hầu hết những TTNN lớn đều có cơ sở giảng dạy nằm ở vị trí trung tâm các trục đường lớn, có đội ngũ giáo viên Việt Nam và nước ngoài nhiều nên dễ thu hút học viên. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở này, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều TTNN nhỏ, chất lượng dạy còn nhiều bất cập. 

Chị Nguyễn Thu Trang (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cho biết, do có nhu cầu cho con học tiếng Anh, chị được người quen giới thiệu đến một TTNN ở hẻm 240 đường Nguyễn Hữu Cảnh, với mức học phí 580 ngàn đồng/tháng dành cho trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, còn HS bậc tiểu học 600 ngàn đồng/tháng. Theo lời giới thiệu của TTNN này, các em sẽ được học một tuần 2 buổi với giáo viên nước ngoài, mỗi buổi 1,5 giờ. “Tuy nhiên, thực tế không được như quảng cáo của trung tâm. Các em chủ yếu học với giáo viên người Việt Nam, chất lượng dạy không tốt”, chị Thu Trang thông tin. 

Tương tự, Trung tâm P.P (đường Ngô Đức Kế, phường 7, TP.Vũng Tàu) quảng cáo 100% giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ từ 3 - 12 tuổi, với mức học phí 800 ngàn đồng – 1,2 triệu đồng/tháng/HS. Nhưng theo phản ảnh của các phụ huynh có con em theo học tại đây, cơ sở này không bảo đảm được yêu cầu về giáo viên người nước ngoài đứng lớp.

Một trung tâm ngoại ngữ ở phường 7, TP.Vũng Tàu treo băng rôn quảng cáo có 100% giáo viên nước ngoài.
Một trung tâm ngoại ngữ ở phường 7, TP.Vũng Tàu treo băng rôn quảng cáo có 100% giáo viên nước ngoài.

Theo Sở GD-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 113 TTNN được cấp phép hoạt động, trong đó chỉ có 17 trung tâm có giáo viên nước ngoài được cấp giấy phép hành nghề của Sở LĐTBXH. Tại hầu hết các TTNN, số giáo viên nước ngoài khá ít. Hiện chỉ có 71 giáo viên người nước ngoài đang dạy tiếng Anh tại một số TTNN lớn, các TTNN còn lại đa số là giáo viên trong nước. 

NHIỀU VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG

Ông Trịnh Việt Dũng, Phó Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT cho biết, qua đợt kiểm tra gần đây của Sở GD-ĐT cho thấy, mặc dù Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 852/SGDĐT ngày 30-5-2017 hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp phép hoạt động cho các TTNN, nhưng hiện vẫn còn một số đơn vị chưa hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép hoạt động; việc quản lý hồ sơ và chất lượng trình độ của giáo viên chưa đồng bộ, nhiều TTNN có giáo viên người nước ngoài chưa có bằng cấp và giấy phép lao động, nhưng vẫn thực hiện “dạy chui”; một số trung tâm tự tổ chức, liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc áp dụng cho Việt Nam, khi chưa được sự cho phép của Sở GD-ĐT; một số TTNN chưa chấp hành nghiêm việc treo bảng hiệu và quảng cáo chiêu sinh; chất lượng giảng dạy của giáo viên chưa được các TTNN kiểm tra thường xuyên, liên tục, kế hoạch giảng dạy chưa cụ thể, chi tiết; việc kiểm tra chất lượng học viên đầu vào của các cơ sở còn hạn chế, chủ yếu là ghi danh và nhận nhập học, hồ sơ quản lý học viên chưa đồng bộ theo quy định…

Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh gần đây cũng cho thấy, còn nhiều bất cập trong hoạt động ở các TTNN. Đó là, một số TTNN sử dụng giáo viên nước ngoài chưa được cấp giấy phép lao động. Một số TTNN chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai tại văn phòng danh sách giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy kèm theo giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền cấp; chưa công khai danh mục chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Chỉ có một số TTNN hợp đồng được với giáo viên người bản địa nói tiếng Anh tại các nước Anh, Mỹ, Úc, còn lại đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính. Hầu hết giáo viên người nước ngoài không sử dụng được tiếng Việt, ít hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, dạy học. Một số TTNN sử dụng bảng hiệu quảng cáo, tên gọi không đúng quy định để thu hút học viên; tổ chức dạy tiếng Anh dưới hình thức dạy thêm, học thêm, sử dụng tài liệu của chương trình sách giáo khoa phổ thông để dạy cho học viên; nhiều phòng học không bảo đảm tiêu chuẩn về ánh sáng, PCCC… 

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, bảo đảm quyền lợi của học viên, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường công tác quản lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động giảng dạy tại các TTNN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh các sai sót, khắc phục hạn chế để giúp các cơ sở này hoạt động nề nếp, nghiêm túc và đạt chất lượng chuyên môn.

(Bà Lương Thị Lệ Hằng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế tại các TTNN trên địa bàn.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.