Bắt đầu thu BHXH đối với lao động nước ngoài

Chủ Nhật, 30/12/2018, 16:12 [GMT+7]
In bài này
.

Từ 1-12-2018, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây là quy định mới của Chính phủ. Với việc tham gia BHXH bắt buộc, lao động nước ngoài làm việc ở nước ta sẽ được hưởng các chế độ tương đương như lao động người Việt. Để làm rõ hơn quy định này, phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh.

Đoàn thanh tra BHXH tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH và BHYT tại Công ty TNHH E-Top Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ. Đây cũng là DN có nhiều NLĐ nước ngoài làm việc. (Ảnh minh họa).
Đoàn thanh tra BHXH tỉnh kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH và BHYT tại Công ty TNHH E-Top Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ. Đây cũng là DN có nhiều NLĐ nước ngoài làm việc. (Ảnh minh họa).

* Phóng viên: Xin ông cho biết những quy định cụ thể đối với NLĐ nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc?

- Ông Đặng Hồng Tuấn: Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc là quy định trong Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn về vệ sinh lao động.

Theo đó, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động (không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên) với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Nghị định cũng quy định, NLĐ nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: NLĐ di chuyển trong nội bộ DN theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP; NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Điều 187 của Bộ luật Lao động.

Trong trường hợp, NLĐ giao kết nhiều hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khác nhau và thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì NLĐ chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho từng hợp đồng lao động đã giao kết.

* Vậy mức đóng và phương thức đóng BHXH như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định, mức đóng và phương thức đóng BHXH bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ ngày 1-12-2018, chỉ có người sử dụng lao động phải đóng BHXH cho NLĐ. Theo đó, người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động, gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, NLĐ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Giai đoạn 2, từ ngày 1-1-2022, cả người sử dụng lao động và NLĐ cùng tham gia đóng BHXH, trong đó người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ, gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 05% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; NLĐ hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ở Giai đoạn sau, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ về ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ tương đương như với NLĐ Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ tương đương như với NLĐ Việt Nam. (Ảnh minh họa).

* Trong trường hợp, người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

- Theo Điều 122 của Luật BHXH về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, thì cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật BHXH, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hơp, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 về hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, chậm đóng tiền BHXH bắt buộc, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH bắt buộc theo Luật BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Trường hợp, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật BHXH, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

* Xin cảm ơn ông!

HỒNG PHƯƠNG
(thực hiện)

;
.