.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI: Chăm lo phát triển con người

Cập nhật: 17:21, 11/11/2018 (GMT+7)

Phát biểu trước cử tri trong các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vừa qua, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Suy cho cùng, tỉnh thực hiện phát triển kinh tế bền vững, thực hiện nhiệm vụ giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, văn hóa, thể thao… là để chăm lo phát triển con người, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với lãnh đạo huyện Châu Đức và Trường TH Lê Văn Tám (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) về nâng sức khỏe thể chất cho học sinh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với lãnh đạo huyện Châu Đức và Trường TH Lê Văn Tám (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) về nâng sức khỏe thể chất cho học sinh.

VĂN HÓA-XÃ HỘI CÓ NHIỀU KHỞI SẮC

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về văn hóa-xã hội bằng các chương trình, kế hoạch, đề án và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2018, các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể thao, thông tin và truyền thông… được triển khai kịp thời, đầy đủ. An sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách đối với người lao động, người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc và các đối tượng bảo trợ được quan tâm thực hiện.

Đối với GD-ĐT, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã đưa vào hoạt động thêm 14 trường học, nâng tổng số trường học các cấp từ 426 trường (năm 2015) lên 440 trường, trong đó có 225 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 58%). Song song với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng hiện đại, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học cũng được tỉnh, ngành GD-ĐT chú trọng thực hiện. Đồng chí Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường học, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai Đề án “Mời các chuyên gia, GV tiếng Anh nước ngoài về trực tiếp giảng dạy cho học sinh để thầy và trò có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của GV và HS trên tinh thần xã hội hóa, tự nguyện; khuyến khích HS tham gia khảo sát năng lực ngôn ngữ theo khung chuẩn châu Âu. Đồng thời, tuyển dụng, bố trí GV, đáp ứng đủ yêu cầu dạy học ngoại ngữ theo lộ trình dạy ngoại ngữ 1-tiếng Anh (4 tiết/tuần ở cấp TH, 3 tiết/tuần ở cấp THCS và THPT), dạy học ngoại ngữ 2-tiếng Pháp, tiếng Nhật theo chương trình mới, dạy học song ngữ (môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học bằng tiếng Anh). Hiện toàn tỉnh có 773/823 GV tiếng Anh đạt chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (đạt tỷ lệ 94%).

Về y tế, tỉnh chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, xử lý dịch sớm giúp hạn chế ca mắc và số tử vong; tiếp tục bảo vệ các thành quả như loại trừ bệnh phong, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ đạt 98%. Ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế; chú trọng thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân là 76,25 tuổi (chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra là 75 tuổi). Trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã nâng được 170 giường bệnh (50 giường ở BV Tâm thần, 50 giường ở BV Mắt, 50 giường ở TTYT huyện Xuyên Mộc và 20 giường ở Trung tâm quân dân y huyện Côn Đảo). Tính đến tháng 10-2018, tỉnh đạt tỷ lệ 18,3 giường bệnh/vạn dân; 7,3 bác sĩ/vạn dân.

XÃ HỘI HÓA ĐỂ PHỤC VỤ NHÂN DÂN TỐT HƠN

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực văn hóa-xã hội, nhất là trong GD-ĐT, y tế và thực hiện tự chủ tài chính một phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó nâng năng lực quản trị, tạo thu nhập tăng thêm cho viên chức và người lao động, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng và dịch vụ y tế, GD, văn hóa, thể thao của những người có điều kiện trong xã hội. Việc xã hội hóa, tự chủ tài chính một phần cũng là nhằm chuyển nguồn lực Nhà nước để tăng hỗ trợ cho các gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế trong tỉnh.

Thực hiện xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng danh mục 14 dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực GD-ĐT kêu gọi đầu tư đến năm 2020 trong đó có 12 trường mầm non; ban hành danh mục dự án bệnh viện kêu gọi đầu tư đến năm 2020, thu hút được 2 dự án nước ngoài đầu tư các dịch vụ y tế (tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,1 triệu USD) và 1 dự án trong nước đầu tư bệnh viện đa khoa, đang xem xét, quyết định chủ trương đầu tư khu xử lý tập trung rác thải y tế bằng công nghệ đốt áp suất âm không khói do Công ty CP Sara Vũng Tàu và Công ty CP Sara Việt Nam làm chủ đầu tư theo hình thức hợp tác kinh doanh; kêu gọi nhà đầu tư và DN xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động; thúc đẩy xã hội hóa các trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng…

Để thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, tự chủ tài chính một phần đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu: Người đứng đầu các sở, ngành, các đơn vị phải đổi mới tư duy về xã hội hóa, nâng năng lực lãnh đạo, năng lực quản trị và sáng tạo, hành động quyết liệt; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành để tỉnh có thêm nhiều dự án xã hội hóa được đầu tư và đi vào hoạt động, nâng thu nhập viên chức và người lao động, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đó cũng chính là thực hiện mục tiêu phát triển con người.

Trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã miễn giảm tiền thuế sử dụng đất đối với 260 đối tượng, miễn giảm tiền mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước đối với 44 đối tượng, hoàn trả tiền sửa chữa nhà để chuyển đổi hình thức hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với 32 trường hợp; trợ cấp ưu đãi GD-ĐT đối với 1.477 HS-SV; đưa 1.303 người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung, đưa 244 người có công với cách mạng đi tham quan thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; trợ cấp thường xuyên cho 29.957 đối tượng; tiếp nhận 882 đối tượng là người lang thang, người khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập…

Bài, ảnh: PHÚC LƯU

.
.
.