Ngày 26-11, cơn bão số 9 đã đi qua, mặc dù không mạnh như dự báo nhưng cũng tàn phá nặng nề cây xanh, hoa màu, nhà dân, hạ tầng đô thị… ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, TP.Vũng Tàu là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do là nơi bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền, nên hiện nay các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố tập trung tối đa lực lượng để khắc phục hậi quả cơn bão số 9.
DỌN DẸP VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Ngay từ sáng sớm ngày 26-11, hơn 400 công nhân của Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) nhanh chóng thu dọn cây xanh bị gãy đổ trong cơn bão số 9 ngày 25-11. Ông Lê Huy Hữu Hiệp, Tổng Giám đốc UPC cho biết, ước tính có khoảng 1.000 cây bị gãy cành, gãy nhánh, bị đổ và bật gốc trong cơn bão số 9. Công ty đã thuê thêm 6 xe cẩu, chia làm 8 tốp công nhân để tiến hành cưa cành, cẩu cây, giải tỏa các tuyến đường; 5 tốp công nhân dọn dẹp vệ sinh tại các công viên. Trong đó, ưu tiên khắc phục các tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông, đường điện, cây xanh đè lên nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học. Dự kiến khoảng 7-10 ngày tới, việc khắc phục cây xanh gãy đổ toàn thành phố mới có thể hoàn thành.
Cắt cây ngã đổ chắn ngang đường Nguyễn Du (TP.Vũng Tàu) và vận chuyển về nơi tập kết để giải phóng giao thông ngã tư Nguyễn Du-Trần Hưng Đạo. Ảnh: THÀNH HUY |
Cơn bão số 9 đi qua, khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Vũng Tàu ngập đất đá, lá cây và một số loại rác từ biển dạt vào bờ. Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu cho biết, nhằm khắc phục sự cố sau bão số 9, ngay từ 4 giờ sáng ngày 26-11, công ty đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân viên công ty 500 người, huy động thêm khoảng 80 lao động không thường xuyên, 30 xe cơ giới lớn nhỏ, 20 xe thu gom rác ra quân tiến hành việc dọn dẹp sau bão. Do số lượng công việc nhiều, nên trong sáng 26-11, chủ yếu tập trung vào việc dọn dẹp, thu gom các cành cây to để khắc phục việc ách tắc giao thông tại các tuyến đường. Dự kiến trong 3 ngày, đơn vị sẽ hoàn thành xong việc dọn dẹp vệ sinh sau bão.
Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) cũng cử nhiều nhóm công nhân, chia ra các tuyến thoát nước, tiến hành mở nắp đan, vớt rác, khơi thông cống rãnh để tránh tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ngập úng sau bão.
Nhân viên Công ty CP khoa học công nghệ Việt Nam khơi thông hệ thống thoát nước trên đường Trần Phú. |
TÁI LẬP CẤP ĐIỆN, THÔNG TIN
Các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp cũng đã nhanh chóng khắc phục hệ thống đường dây truyền tải, các trạm thu phát sóng gốc để bảo đảm tái lập cung cấp dịch vụ thông tin được thông suốt trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, cơn bão số 9 đổ bộ trưa 25-11 đã gây mất điện cục bộ ở 7 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền. Theo thông tin sơ bộ, các điểm xảy ra sự cố điện nằm rải rác trên các đường rẽ, nhánh ở các địa bàn dân cư. Cơn bão đã làm gãy hơn 10 trụ điện hạ thế, 5 trạm biến áp, gây thiệt hại hàng tỷ đồng đối với ngành điện. Trong cơn bão, Công ty đã triển khai lực lượng, phương tiện để khắc phục các sự cố. Đến 21 giờ ngày 25-11, hầu hết các huyện, thị xã, TP.Bà Rịa đã đóng điện trở lại cho các hộ dân sinh hoạt. Riêng TP.Vũng Tàu là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì vậy, ngay khi cơn bão giảm, công ty đã huy động lực lượng tại chỗ ứng trực để triển khai khắc phục sự cố và đến sáng 26-11, cơ bản đóng điện lại cho các tuyến chính của TP. Vũng Tàu. Đến trưa 26-11, còn một số điểm chưa khắc phục được nên vẫn mất điện như đường Lý Thường Kiệt, một phần đường 30-4, Trương Công Định, Đô Lương, Võ Nguyên Giáp... Công ty đã tăng cường lực lượng với khoảng 50 người để tập trung sửa chữa, khắc phục sự cố. Phấn đấu trong ngày 26-11 sẽ tái lập điện lại cho TP. Vũng Tàu.
CHỢ HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI, GIÁ CẢ TĂNG NHẸ
Từ sáng sớm 26-11, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có mặt tại chợ Vũng Tàu ghi nhận, các tiểu thương đang dọn dẹp, dỡ hàng hóa bày hàng chuẩn bị cho phiên chợ mới. Chị Lê Thị Sâm, tiểu thương bán quần áo tại chợ Vũng Tàu cho hay: “Sáng 26-11, biết tin chợ mở cửa buôn bán trở lại, tôi cùng người thân chạy vào xem hàng hóa có hư hại gì không. Thật may, khu nhà lồng chính chợ vẫn an toàn, hàng hóa của tôi và tất cả tiểu thương đều an toàn”.
Tại khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống và rau củ, không khí mua bán tấp nập. Tuy nhiên, khu kinh doanh thực phẩm chủ yếu bày bán các loại thịt heo, thịt gà và rau củ nhưng không có các mặt hàng hải sản. Chị Vũ Thị Kiên, tiểu thương chợ Vũng Tàu cho biết, sau bão thịt heo về chợ khan hiếm do mưa bão, các lò mổ không đi bắt heo được nên tại lò còn bao nhiêu heo họ làm bấy nhiêu. “Như sạp của tôi cũng chỉ lấy được 30kg thịt heo các loại, giảm 15-20kg so với ngày thường. Trong khi đó, giá thịt heo nhập vào cũng đã tăng thêm từ 4 -5 ngàn đồng/kg, nên giá bán ra cũng tăng thêm tương ứng”.
Các loại rau củ tại chợ cũng khan hiếm hơn ngày thường, giá cũng tăng thêm khoảng 2 ngàn đồng/kg. Ông Hoàng Văn An, Phó Ban Quản lý chợ Vũng Tàu cho biết, sau cơn bão qua kiểm tra cho thấy, chợ không bị thiệt hại gì, tâm lý bà con ổn định, hoạt động kinh doanh buôn bán diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão, rau bị ngập úng, thuyền bè chưa ra khơi, nguồn cung thực phẩm tươi sống hạn chế, hàng hóa về chợ khan hiếm, nên giá cả tăng nhẹ từ 2 – 5 ngàn đồng tùy từng mặt hàng.
Trong khi đó, tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ khá hút hàng. Tuy nhiên, giá cả tại đây ổn định, không có sự biến động.
TÀU THUYỀN CHUẨN BỊ RA KHƠI
Đến sáng 26-11, các cảng cá trên địa bàn tỉnh đã tấp nập trở lại. Một số tàu cá đã lấy nhiên liệu, thực phẩm, đá để ra khơi ngay trong ngày. Nhiều ngư dân cho biết, sau bão, nguồn hải sản thường rất dồi dào nên phải tranh thủ ra khơi sớm để đánh bắt. Bên cạnh đó, một số tàu cá khi trú bão đã bị gió đánh vào các vũng lầy nên bị mắc cạn. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (phường 5, TP.Vũng Tàu) chủ 2 tàu lưới vây cho biết: “Do tàu của tôi bị mắc cạn, phải đợi khi nước lớn trở lại tôi sẽ nhờ các tàu khác kéo ra khỏi vùng sình lầy mới có thể hoạt động bình thường. Tận dụng thời gian này, tôi cùng các bạn tàu tranh thủ sửa chửa ngư lưới cụ”.
Ngư dân đưa tàu thuyền xuống biển tại khu vực Bãi Trước (TP. Vũng Tàu). |
Ở các khu vực nuôi thủy sản lồng bè không có thiệt hại gì nặng nề. Ông Nguyễn Văn Nam (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) hộ nuôi trồng thủy sản cho biết: “Sau bão, các hộ nuôi đang kiểm tra, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo của bè nuôi. Tôi cũng đang tiếp tục đo các thông số như lượng ôxi, độ PH, độ mặn trong nguồn nước để kịp thời xử lý nếu có bất thường xảy ra”.
Sáng 26-11, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đang tiếp tục giúp người dân, địa phương khắc phục hậu quả sau cơn bão số 9.
Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ gồm: bộ đội thường trực và dân quân tự vệ cùng với hàng trăm phương tiện (xe tải, cưa máy, cưa tay…) để giúp dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 9. Qua đó, đã giúp các hộ dân chằng, chống hơn 51,2 ngàn căn nhà và 172 lồng bè.
Ghi nhận tại các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện cho thấy CB-CC, VC, nhân viên của các đơn vị đã tập trung dọn dẹp khuôn viên, sửa chữa các hư hỏng về vật chất tại cơ quan, đơn vị mình.
Đến chiều tối 26-11, công tác khắc phục hậu quả sau bão số 9 tiếp tục được các DN, đơn vị, nhân dân TP.VũngTàu tích cực triển khai; cảnh quan đô thị ở một số địa bàn trong thành phố đã thông thoáng, sạch - đẹp trở lại.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh, tình hình thiệt hại sau cơn bão số 9 tính đến 11 giờ ngày 26-11 như sau: Về nhà ở, huyện Xuyên Mộc có 15 căn nhà bị tốc mái; TP.Vũng Tàu 5 căn nhà, 1 dãy lớp học và 1 mái nhà giữ xe bị tốc mái; TX.Phú Mỹ có 3 căn nhà tốc mái; TP.Bà Rịa có 4 căn bị cháy do chập điện; huyện Long Điền 12 căn nhà bị tốc mái, 4 công trình phụ (tường rào, bếp, chòi canh) bị sập; huyện Đất Đỏ 15 căn nhà tốc mái, 2.400 m2 nhà màng trồng rau bị hư hỏng; huyện Châu Đức có 3 lớp học Trường TH Sông Cầu bị tốc mái. TP.Vũng Tàu có 6 chiếc tàu dưới 20CV neo đậu tại Bãi Trước bị hư hỏng, 1 chiếc tàu bị đứt neo đang trôi dạt, các cơ quan chức năng đang tìm kiếm. Thiệt hại về nông nghiệp, hồ tiêu tại huyện Châu Đức 5,5ha; huyện Đất Đỏ 3ha; cây ăn quả tại TP. Bà Rịa 13,5ha, huyện Đất Đỏ 38,8ha; cây lâu năm (cao su) huyện Đất Đỏ 10ha, huyện Xuyên Mộc 0,75ha. Các trường học đón HS trở lại từ ngày 27-11 Ngay sau khi bão vừa tan, sáng 26-11, các trường học trong tỉnh đã chủ động dọn dẹp vệ sinh sân trường, trong các lớp học để đón HS đi học lại. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, do có sự chuẩn bị kỹ càng trong công tác phòng chống bão, nên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cơn bão số 9. Tuy vậy, vẫn có một vài trường bị tốc mái phòng học, nhà để xe, cây trong khuôn viên trường gãy đổ. Nhưng hậu quả của bão đã được các thầy cô giáo, phụ huynh, chính quyền địa phương chung tay khắc phục để ổn định trường lớp, đón HS trở lại đi học bình thường vào ngày thứ Ba (27-11).
|
NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ