Tai nạn lao động gia tăng
Dù đã đưa ra nhiều cảnh báo nhưng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh vẫn có dấu hiệu gia tăng. Điểm đáng chú ý là những vụ TNLĐ nghiêm trọng, dẫn đến chết người lại thường xảy ra ở các nhà thầu phụ tham gia thi công cho các dự án lớn.
Anh Vũ Bình Minh, vận hành viên phòng điều khiển, đang kiểm tra thiết bị tại Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX.Phú Mỹ). |
11 VỤ TNLĐ LÀM 11 NGƯỜI CHẾT
Theo thống kê của Thanh tra Sở LĐTBXH, từ đầu năm 2018 tới nay, toàn tỉnh ghi nhận 11 vụ TNLĐ, làm 11 người chết và 2 người bị thương nặng. Trong đó, có 1 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 1 người và 2 người bị thương nặng (1 người bị bỏng toàn thân phải phẫu thuật cưa tứ chi và 1 người bỏng 2 chân, mu bàn tay trái). Con số trên chỉ là phần nổi trong số những vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, nhiều vụ TNLĐ chưa được báo cáo với cơ quan chức năng.
Báo cáo của Thanh tra Sở LĐTBXH cho biết, hơn một nửa các vụ TNLĐ trên xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo kim loại. Các dạng tai nạn phổ biến là ngã từ trên cao xuống, bị điện giật hoặc bị máy, thiết bị cán, cuốn. Nghiêm trọng là có công ty chỉ trong vòng một tuần có đến 2 vụ TNLĐ dẫn đến chết người.
Hầu hết, những người gặp TNLĐ đều đang là trụ cột của gia đình. Như trường hợp của anh Lê Văn Tèo ở TX. Phú Mỹ. Anh Tèo làm việc cho một nhà thầu phụ, đang thi công thay mái tôn khu vực tẩy rỉ của Công ty TNHH Posco Việt Nam (KCN Phú Mỹ II, TX.Phú Mỹ) thì té ngã từ trên cao xuống dẫn đến tử vong. Ông Lê Văn Trận, bố của anh Lê Văn Tèo cho biết: “Con trai tôi vừa chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về để tiện chăm sóc con trai 4 tuổi và ba, mẹ. Vợ chồng tôi đều đã già, Tèo là lao động chính trong nhà và vừa mới đi làm được 4 ngày thì gặp tai nạn. Mỗi lần nhìn cháu nội 4 tuổi, đau xót vô cùng”.
Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết, năm 2018 nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người xảy ra ở các nhà thầu phụ nhận thi công các công trình trong các nhà máy, xí nghiệp. Các nhà thầu phụ thường rất ít quan tâm tới công tác ATVSLĐ. Trong khi đó, quá trình giám sát thi công cũng ít được chú ý.
SIẾT CHẶT GIÁM SÁT AN TOÀN
Qua điều tra các vụ TNLĐ, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân chính dẫn tới TNLĐ chủ yếu do người lao động chủ quan, không chấp hành các nội quy an toàn lao động, không sử dụng phương tiện cá nhân, thao tác máy móc thiết bị không đúng quy trình. Thêm vào đó, chủ sử dụng lao động cũng chưa quan tâm đúng mức đến ATVSLĐ. Họ ít khi tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; bỏ qua việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn. Đặc biệt, một số DN có yêu cầu nghiêm ngặt về thiết bị an toàn lao động đã không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị…; không cấp phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động.
Đoàn thanh tra Sở LĐTBXH kiểm tra công tác ATVSLĐ tại một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn TX.Phú Mỹ. |
Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ chưa đạt hiệu quả, chế tài xử phạt đối với vi phạm về ATVSLĐ còn nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, theo báo cáo của Thanh tra Sở LĐTBXH, việc điều tra TNLĐ cũng thường xuyên gặp khó khăn, nhất là đối với các vụ TNLĐ xảy ra với người lao động làm việc cho các nhà thầu phụ. Có nhà thầu phụ, khi xảy ra TNLĐ đã trốn tránh trách nhiệm. Điển hình như vụ TNLĐ xảy ra tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư. Công trình này có 1 nhà thầu chính, 1 nhà thầu phụ (nhà thầu này thuê thêm 1 nhà thầu phụ nữa làm việc). Khi xảy ra TNLĐ đứt cáp thang máy, làm 1 công nhân đứng trong cabin thang tử vong. Tuy nhiên, quá trình điều tra của cơ quan chức năng không thực hiện được do nhà thầu phụ có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh và cố tình bỏ trốn.
Theo ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH thì đây là khó khăn lớn cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ. “Theo tôi, các chủ đầu tư ngoài theo dõi, quản lý cần phải có quy định rõ ràng với các nhà thầu, có cam kết lựa chọn các nhà thầu phụ để nâng cao ý thức, buộc họ tuân thủ quy định pháp luật về ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Khi có sự cố xảy ra phải có sự hợp tác với cơ quan chức năng để hoàn thành quá trình điều tra, khắc phục hậu quả. Các đơn vị thầu bỏ trốn không chỉ gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan chức năng mà còn gây chậm tiến độ, gây thiệt hại cho chủ đầu tư”, ông Điểu khẳng định.
Năm 2018, Thanh tra Sở LĐTBXH đã ban hành 19 quyết định xử phạt các DN có hành vi vi phạm ATVSLĐ với tổng số tiền hơn 219 triệu đồng. Trong đó, số tiền xử phạt mức cao nhất là hơn 30 triệu đồng. |
Để giảm thiểu thiệt hại do TNLĐ gây ra và hướng tới môi trường làm việc an toàn cho người lao động, ông Nguyễn Văn Điểu cho rằng, bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm minh hơn thì các chủ đầu tư cần siết chặt quản lý công tác ATVSLĐ đối với nhà thầu phụ khi vào làm việc. Đồng thời, quan trọng nhất là người lao động cần tự bảo vệ tính mạng chính mình.
Bài, ảnh: TUYẾT MAI