Nước hồ Sông Ray bị "nhuộm xanh": Có ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt không?

Thứ Hai, 19/11/2018, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.
Để tìm câu trả lời cho tình trạng hồ Sông Ray (nằm trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc) những ngày gần đây xuất hiện váng màu xanh khiến người dân lo lắng về chất lượng của nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, chúng tôi đã gặp, trao đổi với các ngành chức năng về kết quả kiểm tra và lấy mẫu phân tích từ nguồn nước đã được nhanh chóng thực hiện.

 

Chiều ngày 19-11, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra về tình hình xuất hiện tảo xanh tại hồ Sông Ray.
Chiều ngày 19-11, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra về tình hình xuất hiện tảo xanh tại hồ Sông Ray.
 
Theo người dân địa phương, khoảng 1 tháng trở lại đây, nước hồ Sông Ray nổi váng xanh, bốc mùi hôi tanh. Lúc trời nổi gió, váng xanh dạt vào bờ tạo thành lớp dày khoảng 3-4cm. “Váng xanh nổi nhiều khoảng 1-2 năm trở lại đây, chứ trước không có”, ông Nguyễn Như Nam Anh (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) cho biết. Theo ghi nhận của PV, đến ngày 19-11, hồ Sông Ray vẫn còn hiện tượng này.
 
Sau khi nhận được thông tin về tình trạng nước hồ Sông Ray bị “nhuộm xanh”, chiều 19-11, đoàn công tác HĐND tỉnh do đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thực tế tại hồ Sông Ray. Qua khảo sát và xác nhận tình hình, đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị Sở NN-PTNT, Sở TN-MT nhanh chóng xác định nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng để có hình thức xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương và cơ quan chức năng cần rà soát lại các nguồn xả thải hữu cơ ra hồ Sông Ray bởi đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến xuất hiện tảo làm nước trong hồ đổi màu.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT xác nhận: “Tình trạng như đã nêu về nước hồ Sông Ray là do sự xuất hiện của tảo xanh. Khi mưa xuống trong thời tiết nóng tạo điều kiện cho tảo lan ra, sau đó lượng tảo này chết, gây nên mùi hôi, tanh. Đây là hiện tượng tự nhiên bình thường, ở các hồ chứa nước vẫn xảy ra 2-3 tháng trong năm”. Ông Cường khẳng định: “Sở NN-PTNT đã tiến hành kiểm tra hồ Sông Ray. Kết quả kiểm tra cho thấy, tảo không gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt như người dân phản ánh”.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Cấp nước tỉnh BR-VT (BWACO) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, BWACO đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng và đơn vị quản lý công trình hồ chứa nước Sông Ray để thông tin về vụ việc. Theo BWACO, nguồn nước chính phục vụ cho việc cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh là hồ Đá Đen, còn hồ Sông Ray chỉ có chức năng bổ sung một phần rất nhỏ về nguồn nước cho hồ Đá Đen thông qua kênh dẫn nước từ hồ Sông Ray chảy vào. Hồ Sông Ray chính thức chứa nước ở mức cao từ ngày 4-1-2017. Tháng 12-2017 tảo phát triển mạnh, xanh cả hồ trong vài tháng và đến tháng 11-2018 tình trạng tảo xanh lại phát triển mạnh. Hiện tượng tảo nổi trên hồ Sông Ray năm nay có giảm so với năm 2017, nhưng do thời tiết gió mạnh, đẩy các váng tảo dồn về các góc của hồ, một số vùng tảo chết bị phân hủy có mùi. Qua nghiên cứu và xác minh cho thấy, nguyên nhân khiến tảo nở xanh hồ là do khi chứa nước ở mức cao, sự phân hủy hữu cơ kết hợp điều kiện thời tiết thuận lợi do cây, cỏ bị chết làm tảo phát triển. Hiện tượng này xảy ra khi hồ mới chứa nước ở mức cao trong 2-3 năm đầu, sau đó, nguồn nước sẽ trở lại bình thường.  
 
Cán bộ BWACO lấy mẫu và kiểm nghiệm nguồn nước tại hồ Đá Đen. Kết quả cho thấy, tình trạng tảo xanh xuất hiện không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Cán bộ BWACO lấy mẫu và kiểm nghiệm nguồn nước tại hồ Đá Đen. Kết quả cho thấy, tình trạng tảo xanh xuất hiện không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
 
Ông Nguyễn Cảnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc BWACO khẳng định, việc tảo nổi và chết là hiện tượng bình thường của các hồ mới chứa nước ở mức cao. Tảo xuất hiện 2-3 tháng trong năm và không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước khi đã qua các khâu xử lý như: Clo hóa, châm phèn, lắng, lọc... Hiện tại, nguồn cung cấp nước chính để xử lý thành nước ăn uống sinh hoạt lấy từ Hồ Đá Đen. Tuy nhiên, thời điểm này, BR-VT đang là mùa mưa, nên hồ Đá Đen vẫn đang tích đầy nước, đủ cung cấp nước thô cho các nhà máy xử lý.  
 
Hồ Sông Ray chuyển sang màu xanh là do xuất hiện tảo.
Hồ Sông Ray chuyển sang màu xanh là do xuất hiện tảo.
 
Ông Nguyễn Cảnh Tùng cho biết thêm, việc kiểm soát chất lượng nước đầu nguồn luôn là ưu tiên hàng đầu của BWACO. Công ty tiến hành kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ các tuyến đầu nguồn, các sông, suối đổ về hồ Đá Đen và hồ Sông Ray. Nguồn nước thô từ hồ Đá Đen luôn được giám sát nghiêm ngặt, bảo đảm Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường. Nước được đưa về xử lý tại nhà máy thông qua quy trình sản xuất được kiểm tra chất lượng, bảo đảm tuân thủ theo “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống” (QCVN 01/2009/BYT). Các mẫu nước được Phòng Quản lý chất lượng của BWACO kiểm tra xét nghiệm hàng giờ, hàng ngày; được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu và kiểm nghiệm hàng tháng; định kỳ 3 tháng, mẫu nước được đưa đi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh… Kết quả phân tích gần đây nhất, vào ngày 7-11 của các đơn vị kiểm nghiệm cho thấy, chất lượng nước của BWACO đạt tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. 
 
Hồ chứa nước Sông Ray có diện tích trên 2.532ha, nằm trong địa phận xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) và các xã Hoà Bình, Bàu Lâm và Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc). Hồ Sông Ray là công trình thủy lợi cấp quốc gia với mục tiêu tạo nguồn cung cấp nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với dung tích 215 triệu m3, hồ chứa nước Sông Ray được xác định có trữ lượng nước dồi dào, ổn định, có nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất và tiêu dùng ở các KCN và nước sinh hoạt cho dân cư các huyện Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu, cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho các huyện: Đất Đỏ, Châu Đức và Long Điền.

 

Bài, ảnh: QUANG VŨ – QUANG VINH
;
.