Rau xanh rất có ích cho sức khỏe và hệ tiêu hóa tuy nhiên nếu chế biến sai cách không chỉ mất chất dinh dưỡng mà còn gây hại cho sức khỏe.
Một số món ăn nếu không được chế biến đúng cách sẽ không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn gây hại cho cơ thể. Theo Nhà nghiên cứu Hà Hồng Cự (Trung tâm nghiên cứu công nghệ kỹ thuật nông nghiệp Quốc gia), cách chế biến thực phẩm và 4 loại rau đặc biệt không phải ai cũng ăn được.
1. Rau có hàm lượng natri cao, sử dụng ít muối khi nấu
Hàm lượng natri của thì là, cần tây,… khá cao nên khi nấu nướng những loại thực phẩm này, bạn nên cho ít muối hoặc không cho. Đặc biệt những bệnh nhân bị cao huyết áp và bệnh thận nên thận trọng khi sử dụng.
Một số loại rau có hàm lượng natri thấp hơn như củ cải, cải bắp, cải thảo, bắp cải nên sử dụng ít muối khi nấu. Còn rau diếp, súp lơ, bông cải xanh, tỏi tây và xà lách là những loại rau có natri rất thấp nên bạn hoàn toàn có thể nêm nếm muối bình thường.
2. Bệnh nhân gút cẩn thận thực phẩm có hàm lượng purine cao
Purin chính là một loại hợp chất hóa học, gồm các nguyên tử cacbon và nitơ. Nó có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm và đồ uống mà chúng ta ăn hàng ngày, như: tôm, cua, các loại hải sản, thịt, bia… Bệnh gút hay tình trạng tăng acid uric huyết có liên quan trực tiếp tới việc chuyển hóa purin trong cơ thể.
Hàm lượng purin trong rau thường thấp hơn so với thịt động vật, hải sản. Tuy nhiên, một số loại rau có hàm lượng purin tương đối cao như măng tây, rong biển, giá đỗ. Vì vậy bệnh nhân bị gút cấp tính nên tránh ăn những loại rau này.
Những thực phẩm mà người bị bệnh gút có thể bớt lo lắng về hàm lượng purin bao gồm: bắp cải, rau lá màu sáng, khoai tây, khoai môn, khoai lang, củ cải, cà rốt, cà chua, ớt xanh, dưa chuột,…
3. Ăn rau có hàm lượng tinh bột cao nên giảm bớt lượng thức ăn còn lại
Củ sen, hạt dẻ, các loại khoai (khoai tây, khoai mỡ, khoai môn)… dù có hàm lượng calo thấp nhưng có hàm lượng tinh bột cao. Nếu ăn một số lượng lớn các loại rau có chứa nhiều tinh bột nhưng lại không giảm bớt lượng thức ăn còn lại sẽ làm tăng lượng calo cơ thể cần hấp thụ, dẫn tới béo phì.
Cà chua, dưa chuột, bí xanh, bắp cải, củ cải, xà lách,… có lượng nước lớn và ít calo nên có thể thoải mái ăn.
4. Rau có hàm lượng axit oxalic cao, nên chần trước khi nấu
Rau dền và một số loại rau có hàm lượng axit oxalic cao nên bạn cần chần qua nước sôi trước khi nấu để làm loãng hàm lượng axit axalic. Bởi nếu uống quá nhiều nước có chứa chất này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu các khoáng chất như canxi, kẽm và tăng nguy cơ hình thành sỏi trong cơ thể.
BS. TRẦN NGỌC MINH