Người dân còn lơ là phòng bệnh sốt xuất huyết

Thứ Tư, 07/11/2018, 16:43 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 50% so với cùng kỳ năm 2017 và không có trường hợp tử vong. Do bệnh SXH giảm nên một số người dân đã lơ là việc phòng bệnh. Trước tình hình này, ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với SXH, bởi bệnh luôn diễn biến bất thường, kể cả trong mùa khô.

DẤU HIỆU LƠ LÀ KHI BỆNH SXH “HẠ NHIỆT”

Ghi nhận trong chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 năm 2018 vừa diễn ra cho thấy, nhiều hộ gia đình không quan tâm đến việc dọn vệ sinh, diệt lăng quăng tại khu vực sinh sống để phòng bệnh SXH.

Tại một gia đình trên đường Bình Giã (khu phố 1, phường 11, TP.Vũng Tàu), phát hiện các vật dụng chứa nước đều có lăng quăng, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, đề nghị gia đình dọn dẹp, thau rửa ngay các dụng cụ chứa nước. Thấy vậy, chị Hoàng Thị Ng., con gái chủ hộ phân trần: “Năm nay, dịch bệnh SXH không phức tạp nên gia đình ít để ý việc diệt lăng quăng”.

Tương tự, tại nhà ông Hoàng Ngọc H. (ấp Phước Tân 2, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa), lăng quăng xuất hiện dày đặc trong các chậu kiểng. Bị Đoàn kiểm tra nhắc nhở, ông H. vẫn nói “cứng”: “Tôi nghe nói SXH năm nay giảm, không bùng phát như mọi năm, với lại khu vực tôi sống có thấy ai bị SXH đâu”.

Sự chủ quan, lơ là của người dân khiến cơ quan chức năng lo ngại, bởi dù số ca mắc SXH giảm, nhưng thời tiết hiện nay vẫn tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển và nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao nếu lơi lỏng các biện pháp phòng chống. Bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng: “Để kiểm soát dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành y tế và chính quyền địa phương, còn cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Bởi chỉ cần 10% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh không hợp tác với ngành y tế trong phòng chống dịch, không chủ động diệt muỗi, lăng quăng thì muỗi ở những gia đình này sẽ tiếp tục sinh đẻ và tràn sang khu vực xung quanh, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn. Thời gian qua, SXH không chỉ “gói gọn” ở mùa mưa, mà đã diễn ra quanh năm”.

Người dân cần súc rửa lu, khạp hàng tuần để loại bỏ lăng quăng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Người dân cần súc rửa lu, khạp hàng tuần để loại bỏ lăng quăng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

KHÔNG CHỦ QUAN, XEM THƯỜNG BỆNH SXH

Bác sĩ Phạm Trung Thảo, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa nhấn mạnh: SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, tốn kém. Mặt khác, SXH huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh: D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng túyp nên người dân có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp khác nhau. Vì vậy, đừng vì SXH tạm thời “hạ nhiệt” mà lơ là, chủ quan. Nguy cơ dịch bùng phát có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào nếu môi trường, dịch tễ không được kiểm soát thường xuyên và người dân không nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Người dân không nên chủ quan, xem thường bệnh SXH. Bởi diễn biến lâm sàng của bệnh rất phức tạp, có thể gây ra những biến chứng nặng như xuất huyết do giảm tiểu cầu, đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy cơ gây tử vong rất cao. Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH bằng việc diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt, bởi “không có lăng quăng, không có muỗi vằn sẽ không có SXH”.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Người dân cần ngủ mùng, thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Bài, ảnh: HOA VIỆT

;
.