.

Món quà đặc biệt

Cập nhật: 14:09, 16/11/2018 (GMT+7)

35 năm gắn bó với nghề giáo, nay đã về hưu, nhưng có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên, đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Nhắc đến nó, lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc khó tả. 

Năm 1995, tôi dạy học tại Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu và được phân công chủ nhiệm lớp 6A10. Lớp có 44 học sinh (HS). Qua tìm hiểu, tôi cơ bản nắm bắt được hoàn cảnh của từng HS nên tôi rất yên tâm khi thấy trong lớp mình chủ nhiệm không có em nào có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhưng nếu như không có ngày 20-11 năm đó, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được sự vô tâm của mình với học trò.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, HS đến chúc mừng tôi rất đông. HS mới, HS cũ đều có cả. Em tặng hoa, em tặng quà. Đang vui mừng đón nhận tình cảm của các em, tôi phát hiện em Thường - một HS thường xuyên bị phê bình vì đi học trễ và lười học bài, làm bài tập - ngồi yên không nói gì. Tôi vội lấy trái cây, bánh kẹo lại chỗ em và nói: “Thường, sao em rụt rè như con gái vậy? Ăn bánh kẹo, trái cây đi em”. Thường lí nhí nói lời cảm ơn và cầm lấy một cái bánh. Thế rồi tôi lại cùng các em vừa ăn bánh vừa trò chuyện vui vẻ. Tôi quên không chú ý gì đến Thường nữa. Sau đó, các em xin phép ra về để đến thăm các thầy cô giáo khác.

Khi tôi chuẩn bị nghỉ trưa thì có tiếng gõ cửa và tiếng gọi nhỏ: “Cô ơi, cô Thủy ơi”. Tôi rất ngạc nhiên khi người đứng trước mặt mình lại là Thường với khuôn mặt đỏ lựng, lung áo đẫm mồ hôi. Tôi chưa kip nói gì, em đã lên tiếng: “Thưa cô, em đến chúc mừng cô”. “Ủa, em đến thăm cô, chúc mừng cô rồi mà”. Em không nói gì, cứ lúng túng mãi, cuối cùng lí nhí nói: “Cô ơi, em chẳng có gì tặng cô. Em chỉ có chiếc bánh bông lan nhỏ này tặng cô thôi, xin cô đừng cười. Vừa rồi các bạn đông quá, em mắc cỡ vì món quà nhỏ này nên không dám tặng”. Nói rồi em trao cho tôi một cái hộp vuông nhỏ được cắt dán bằng giấy báo, có lẽ làm vội nên không đẹp. 

Sống mũi cay cay, nước mắt chực trào ra, tôi nắm chặt đôi bàn tay của em và nói: “Thường ơi, món quà của em tuy đơn sơ nhưng tấm lòng của em thì cô đã hiểu. Cô cảm ơn em về món quà này”! Ánh mắt Thường sáng lên, em chào tôi và xin phép ra về. Tôi giữ em ở lại. Tôi nói mãi, em mới rụt rè ngồi xuống uống ly nước. Tôi hỏi chuyện gia đình em mới biết, ba em mất vì bệnh lao khi em lên 5. Mẹ em phải nuôi ba anh em ăn học bằng nghề tráng bánh. Nhưng người anh chỉ học hết lớp 7 thì phải nghỉ, đi làm để phụ mẹ. Còn em, buổi sáng đi học, chiều lại phụ mẹ xay bột, tráng bánh. Sáng nào em cũng dậy từ 5 giờ để đi bỏ mối bánh rồi mới về đi học. Ngày nào cũng vậy nên thời gian em dành cho việc học rất ít. Nhiều khi em muốn bỏ học vì “em không muốn vì em mà ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp, vì em mà cô phải buồn”. 

Em đưa mắt nhìn tôi rồi hỏi: “Cô có biết trong tuần em sợ nhất ngày nào không? Là ngày thứ Sáu cô ạ”. “Vì sao vậy?”, tôi vội hỏi. “Ngày thứ Sáu có tiết sinh hoạt lớp. Em là người bị phê bình nhiều nhất. Nhưng ngày em mong nhất cũng là ngày thứ Sáu đó cô”. 

Thường bảo, ngày thứ Sáu nào em cũng ghi lỗi vi phạm của mình vào trang cuối quyển tập ghi văn, tuần sau đối chiếu với tuần trước xem mình tiến bộ không, giảm được bao nhiêu lỗi. Em tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng để giảm bớt số lỗi vi phạm. Có tuần, em chỉ giảm được một hoặc hai lỗi nhưng em vẫn thấy mừng. Thế nhưng, tổ trưởng và lớp trưởng vẫn nói em không cố gắng. Đến giờ sinh hoạt, em vừa lo sợ vừa mắc cỡ khi nghe bạn lớp trưởng đọc và ghi lỗi vi phạm của mình lên bảng. Tai em ù lên khi nghe các bạn nói: “Lớp mình tuần này xuống hạng là vì bạn Thường đó”. Em buồn lắm cô ạ!”.

Nghe em nói, tôi thấy đau thắt nơi lồng ngực. Em trách cứ bạn lớp trưởng, tổ trưởng hay trách cứ tôi? Tại sao tôi không nhận thấy sự cố gắng của em, sự tiến bộ của em dù rất nhỏ? Tại sao tôi lại tiếc một lời khen, một lời động viên trước lớp đối với em? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy trong đầu tôi. Tôi lặng đi không nói được câu nào. 

Em chào tôi ra về. Tôi thẫn thờ đi vào nhà. Một nỗi buồn, day dứt tràn ngập. Tôi tự trách mình sao lại vô tâm đến thế và rồi tự dặn lòng mình phải biết quan tâm, sâu sát hơn với HS của mình. Dòng thời gian cứ trôi với bao sự thăng trầm đổi thay của cuộc sống nhưng những lời tâm sự và món quà đặc biệt em tặng, mãi mãi tôi không bao giờ quên được!

NGUYỄN THỊ THỦY
(Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Châu Thành)

.
.
.