KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Chăm tưới, cây cho hoa

Thứ Sáu, 16/11/2018, 13:47 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, nhiều thế hệ giáo viên đã cống hiến sức lực, trí tuệ và niềm đam mê, nhiệt huyết cho sự nghiệp trồng người. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Vũng Tàu Chủ nhật giới thiệu những tấm gương nhà giáo tiêu biểu. 

HẾT LÒNG VÌ SỰ NGHIỆP

Đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao lẵng hoa chúc mừng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh cho  cô Nguyễn Thị Phi Long và Trường THCS Phan Bội Châu nhân ngày khai giảng  năm học mới 2018-2019.
Đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao lẵng hoa chúc mừng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh cho cô Nguyễn Thị Phi Long và Trường THCS Phan Bội Châu nhân ngày khai giảng năm học mới 2018-2019.

Năm 1986, cô Nguyễn Thị Phi Long về nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THCS Phan Bội Châu (xã  Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, nay là phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ). Khi đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trường học còn đơn sơ, phòng học là những căn nhà cấp 4. Đồng lương eo hẹp, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều giáo viên (GV) sáng lên lớp, chiều phải làm rẫy hoặc nuôi thêm gà, heo để trang trải cuộc sống. Dù vậy, cô vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Năm 2004, cô Long được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Trước thực trạng GV và học sinh (HS) phải giảng dạy và học tập trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, cô luôn trăn trở với câu hỏi làm gì để có trường lớp khang trang, đồ dùng dạy và học đầy đủ để nâng cao chất lượng giáo dục. 

Một mặt, cô chú trọng bồi dưỡng GV đạt chuẩn kiến thức, tham mưu cho lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Tân Thành (nay là TX.Phú Mỹ) các phương pháp bồi dưỡng GV giỏi, HS giỏi, tuyển thêm GV tốt nghiệp loại khá, giỏi để nâng cao chất lượng đội ngũ. Mặt khác, cô tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Và những mong mỏi của cô Long đã thành hiện thực khi hiện nay, Trường THCS Phan Bội Châu đã được xây mới khang trang. Với vai trò Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô luôn nỗ lực trong công tác quản lý, cùng tập thể GV không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa trường trở thành đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của địa phương. Nhờ đó, năm học 2016-2017 và 2017-2018, tập thể cán bộ, GV nhà trường đạt danh hiệu lao động xuất sắc cấp tỉnh; 23/34 GV đạt danh hiệu GV giỏi cấp huyện, 4 GV giỏi cấp tỉnh. Riêng bản thân cô, 5 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”. 

Ông Nguyễn Quý Phúc, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TX.Phú Mỹ nhận xét: “Những thành tích nhà trường gặt hái được trong thời gian qua là kết quả từ sự đồng lòng của từng cán bộ, GV và nhất là tâm huyết của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phi Long. Nhờ đó, Trường THCS Phan Bội Châu luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua, được UBND tỉnh tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liền. Những thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của cô Phi Long, người gắn bó, hết lòng vì sự nghiệp trồng người”, ông Phúc cho biết.

CÔ GIÁO VỚI PHONG TRÀO “NUÔI HEO ĐẤT”

Một tiết mục văn nghệ của Trường THCS Phan Bội Châu TX.Phú Mỹ), nhân ngày khai giảng năm học mới.
Một tiết mục văn nghệ của Trường THCS Phan Bội Châu TX.Phú Mỹ), nhân ngày khai giảng năm học mới.

Mô hình nuôi heo đất giúp bạn tại Trường TH Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) tuy không mới, nhưng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giáo dục HS ý thức tiết kiệm, biết quan tâm, chia sẻ trước những khó khăn của các bạn. Với mô hình “Nuôi heo đất”, mỗi năm học, trường thu được gần 15 triệu đồng. Trong đó, lớp 5C do cô Lê Thị Thắm chủ nhiệm luôn dẫn đầu với mức đóng góp trên 4 triệu đồng/năm học. 

Chia sẻ về mô hình, cô Thắm cho biết: “Vào ngày thứ Hai đầu tuần, các em HS trong lớp cùng bỏ tiền nuôi heo đất từ việc tiết kiệm tiền ăn sáng, quà vặt. Tùy vào điều kiện và khả năng, mỗi em bỏ từ 5-10 ngàn đồng, cũng có em bỏ tới 50 ngàn đồng. Riêng tôi, mỗi tuần cũng trích ra 200 ngàn đồng để bỏ vào 4 con heo đất của 4 tổ trong trường. Cuối học kỳ, trường tổ chức đập heo và Liên Đội của trường sẽ trao tặng những HS có hoàn cảnh khó khăn, để các em có thêm điều kiện, động lực vươn lên trong học tập”. Bên cạnh đó, cô Thắm còn phát động các phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Quà xuân tặng bạn”... với số tiền thu được hơn 2 triệu đồng/năm, giúp đỡ HS nghèo hoặc khen thưởng HS đạt thành tích cao trong học tập. Từ phong trào này, nhiều HS tiêu biểu đã xuất hiện như em Vòng Minh Quân, Võ Thị Kim Ngân, Nguyễn Hà Tâm Đoan… Trong đó, em Nguyễn Cao Biền, được UBND huyện Châu Đức tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” năm học 2016-2017.

Trong công tác giảng dạy, cô luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, quan tâm giúp đỡ HS yếu, HS có hoàn cảnh khó khăn. Qua 25 năm công tác, cô Lê Thị Thắm đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu thi đua. Đặc biệt, cô đã được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

THẦY GIÁO ĐAM MÊ KHOA HỌC

Đó là thầy Phạm Đức Khương, GV môn Địa lý Trường THCS Hòa Hiệp (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). Chúng tôi đến Trường THCS Hòa Hiệp đúng giờ thầy Khương đang lên lớp. Hôm nay, thầy Khương sử dụng giáo án điện tử trên phần mềm powerpoint để giảng dạy. Thỉnh thoảng, thầy lại mở video minh họa theo nội dung bài giảng về các hiện tượng tự nhiên rồi hỏi HS ở Việt Nam có hiện tượng đó hay không. Cách giảng bài với minh họa trực quan, có sự tương tác giữa GV và HS khiến giờ học sinh động, nhẹ nhàng nên được các em chăm chú theo dõi. 

Thầy Phạm Đức Khương hướng dẫn HS lớp 8A4 thảo luận nhóm trong giờ Địa lý.
Thầy Phạm Đức Khương hướng dẫn HS lớp 8A4 thảo luận nhóm trong giờ Địa lý.

Thầy Khương chia sẻ, niềm đam mê khoa học hình thành trong thầy từ khi còn là HS phổ thông. Khi đó, thầy đã tự nghiên cứu lắp ráp các loại xe mô hình điều khiển từ xa. Với kinh nghiệm và niềm đam mê đó, thầy Khương đã truyền đạt cho HS từ lý thuyết, hướng dẫn thiết kế các vi mạch điện tử đến thực hành. Năm 2017, thầy đã hướng dẫn HS dự thi phong trào nghiên cứu khoa học trong HS và đã giành giải nhì cấp tỉnh với sản phẩm đầu tiên là “cánh tay robot”. Đến nay, Trường đã có 13 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 10 sản phẩm do thầy Phạm Đức Khương hướng dẫn HS thực hiện. “Thầy Khương là GV trẻ gương mẫu, nhiệt huyết, yêu nghề. Ngoài việc giảng dạy tốt, thầy còn là một tấm gương trong nghiên cứu khoa học. Tấm gương của thầy Khương đã tác động lên HS, GV nhà trường, đặc biệt là phong trào nghiên cứu khoa học”, thầy Lê Xuân Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hiệp nhận xét.

Chăm tưới, cây cho hoa. Điều đó có lẽ rất đúng với nghề dạy học. Những người thầy đứng trên bục giảng, bằng tấm lòng, năng lực, trách nhiệm và cả phương pháp riêng có của mình, chăm lo cho bài giảng trên lớp, như người nông dân cần mẫn chăm tưới cho mảnh vườn của mình. Để một ngày thật gần nhận lại những làn hương tinh khiết từ vườn hoa đua nở, vượt cả không gian, thời gian... 

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.