Qua đường dây nóng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, một số bạn đọc thắc mắc về việc Bảo tàng tỉnh BR-VT đã được xây dựng quy mô hoành tráng, nhưng vì sao vẫn chưa đi vào hoạt động? Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tìm hiểu vụ việc.
Mặc dù đã hoàn thiện phần xây dựng vào tháng 12-2015 nhưng đến nay Nhà Bảo tàng tỉnh BR-VT vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vì chưa hoàn thành phần trưng bày. Ảnh: GIA BẢO |
Bảo tàng tỉnh BR-VT tọa lạc tại số 4-6 đường Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu (khu vực Bãi Trước) trên diện tích đất rộng hơn 18.000m². Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 98 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; được khởi công từ đầu năm 2011 và hoàn thành phần xây dựng vào cuối năm 2015 với các hạng mục: phòng làm việc, phòng trưng bày, phòng kỹ thuật, phòng sinh hoạt đa năng, phòng chiếu phim, sân khấu ngoài trời, khuôn viên cây xanh, nhà bảo vệ, nhà để xe và các hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.
Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh - nhà thầu thi công Bảo tàng tỉnh BR-VT cho biết, công trình đã bàn giao cho chủ đầu tư là Sở VH-TT. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng hoàn thành xong việc kiểm tra chất lượng công trình, thẩm định, nghiệm thu và thanh quyết toán.
Mặc dù công trình Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành phần xây dựng vào tháng 12-2015, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động, trưng bày hiện vật phục vụ du khách và người dân địa phương. Bà Đào Hải Minh (Chung cư An Hòa 7, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Trong nhiều năm qua, gia đình tôi thường xuyên đi nghĩ dưỡng, tắm biển ở TP.Vũng Tàu. Tôi thấy thành phố ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại, đường phố xanh-sạch-đẹp. Nhất là công trình nhà Bảo tàng ở gần di tích Bạch Dinh là một công trình kiến trúc khá đẹp. Nhưng sao đến nay, Bảo tàng vẫn chưa đón khách vào tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương?”.
Liên quan đến việc trưng bày của Bảo tàng BR-VT, ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, ngày 3-8 vừa qua, Sở VH-TT đã tổ chức tiếp nhận 367 cổ vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiến tặng và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo vệ. Các hiện vật (rìu đá, mũi tên, đá mài, bình, chén, bát, đĩa, vòng cổ, vòng tay, bông tai, nhẫn….) có niên đại từ 500 -700 năm trước sẽ được trưng bày cùng các hiện vật khác của Bảo tàng tỉnh trước đây và sưu tầm thêm để phục vụ nhân dân khi đưa nhà Bảo tàng vào hoạt động. |
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, theo Quyết định số 2605/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh gồm 2 hạng mục: Xây dựng nhà Bảo tàng và trưng bày nội thất bảo tàng. Hạng mục xây dựng công trình nhà Bảo tàng đã hoàn thành, bàn giao vào ngày 30-12-2015. Riêng hạng mục trưng bày nội thất hiện nay đang triển khai. Đây là một việc rất phức tạp, mang tính chất tổng hợp, nên đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu, góp ý kỹ lưỡng, mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục xây dựng, mô hình mẫu, cũng như tiêu chuẩn của một bảo tàng tổng hợp. Do đó, không riêng gì tỉnh BR-VT, mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp khó khăn trong việc thiết kế các khu vực trưng bày hiện vật.
Trả lời câu hỏi bao giờ đưa Bảo tàng tỉnh vào hoạt động? Ông Nguyễn Đình Trung cho biết, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải sớm hoàn thành phần trưng bày, đưa Bảo tàng tỉnh vào hoạt động để phục vụ nhân dân và du khách. Nếu chậm tiến độ sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan. “Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu thi công phần hạng mục trưng bày nội thất bảo tàng phải đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm hoàn thành công tác trưng bày. Phấn đấu vào ngày 31-7-2019, nhà Bảo tàng sẽ mở cửa đón du khách, phục vụ nhân dân địa phương”, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
PHƯƠNG ANH