Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thứ Hai, 12/11/2018, 16:48 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, do điều kiện đời sống kinh tế-xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí chưa cao, nên việc tiếp cận pháp luật của người dân còn hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cần được đa dạng hóa cả về nội dung và hình thức nhằm tăng hiệu quả truyền thông, nâng cao sự hiểu biết và chấp hành pháp luật của người dân.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân huyện Côn Đảo.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân huyện Côn Đảo.

Trong những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, như: Hội thi tìm hiểu pháp luật, hòa giải cơ sở; tuyên truyền pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động ở các KCN, sinh viên. Qua đó, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân; giảm bớt các vụ khiếu kiện, các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống nhân dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, công tác PBGDPL cũng còn một số hạn chế, đó là: Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ; hoạt động tuyên truyền pháp luật ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa sát với nhu cầu và phù hợp với đời sống của người dân; mặt bằng dân trí, nhất là ở khu vực nông thôn chưa cao; đội ngũ làm công tác tuyên truyền PBGDPL ở cơ sở còn thiếu, kỹ năng truyền đạt thông tin về pháp luật yếu, không sinh động… 

Do công tác PBGDPL còn một số hạn chế, nên nhiều người dân không biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm. Thực tế cho thấy, nhiều người dân do không am hiểu pháp luật đã bị đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn cử như trường hợp của ông Dương Dè (dân tộc Châu Ro, ngụ ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức), do có nhu cầu vay vốn làm ăn, ông Dương Dè đã nhờ ông Lê Thanh Thao (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) vay tiền. Ông Thao hứa sẽ vay giúp ông Dè 300 triệu đồng, với điều kiện ông Dè phải đưa giấy CNQSD đất cho ông Thao thế chấp. Tuy nhiên, thay vì làm hợp đồng ủy quyền thế chấp “sổ đỏ” để vay vốn, ông Thao lại làm hợp đồng với nội dung: Ông Dè chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất có diện tích 4.790m2 cho ông Thao. Do thiếu hiểu biết pháp luật và tin người, ông Dè đã ký vào hợp đồng này và giao “sổ đỏ” cho ông Thao. Sau đó, ông Thao ra công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất trên cho người khác, lấy số tiền lớn nhưng chỉ đưa cho ông Dè vài chục triệu đồng. Cũng với thủ đoạn tương tự, ông Thao đã lừa lấy “sổ đỏ” của ông Nguyễn Đức Cẩm (phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) rồi chuyển nhượng đất cho người khác lấy tiền rồi bỏ trốn.

Bà Đỗ Thị Minh Thúy, Phó Phòng Tư pháp TX.Phú Mỹ nhìn nhận, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho người dân chỉ mới tiếp cận được một bộ phận dân cư, chủ yếu là cán bộ phường, xã, thôn ấp, tổ chức đoàn thể và đại diện một số tổ dân cư. Nội dung tuyên truyền cũng chỉ mới tập trung vào những điều cơ bản của luật, những điểm mới so với luật cũ, hoặc vừa sửa đổi, bổ sung.

Còn ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho rằng, cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền PBGDPL hiện nay còn cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù, thiếu sự gắn kết với những tình huống pháp luật thực tế, nên chưa tạo được sức hút và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu pháp luật trong mỗi người dân. Họ thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân mình phải rơi vào những tình thế, sự việc miễn cưỡng liên quan đến pháp luật, lợi ích bị xâm hại. “Do vậy, người làm công tác tuyên truyền pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu pháp luật được ban hành, thực thi nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền như các hoạt động sân khấu hóa, phiên tòa giả định, báo điện tử, trang web, mạng xã hội… qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận pháp luật” ông Nguyễn Tấn Bản đề nghị.

Theo ông Hoàng Trọng Ánh, Trưởng phòng PBGDPL - Sở Tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là các địa phương cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng truyền đạt thông tin của đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cơ sở; luôn đổi mới hình thức, phương pháp PBGDPL; lồng ghép trong các cuộc họp khu dân cư để phổ biến quy định mới của pháp luật sát với đời sống người dân; tăng cường công tác hòa giải cơ sở để giải thích pháp luật; nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong trường học; khuyến khích hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.