Con đã có một tuổi thơ đẫm lệ, trong suốt thời thơ ấu, những trang sách, nhật ký đều nhòe mực. Những thanh giắt giường chi chít chữ “hận”, được con tô đi tô lại. Thậm chí, vào độ tuổi dậy thì, khi con hoang mang về cuộc đời mình, con đã từng nghĩ chuyện uống thuốc tự tử. Nhiều người trách mẹ, sao nhà có 4 đứa con mà mẹ lại ghét con cứ như con ghẻ. Con tự thấy mình xấu xí nhất nhà nên mẹ không ưa. Đi học về, cứ buông cặp sách là quang gánh trên vai, khi thì ra chợ bán hết những buồng chuối chín trong vườn, khi phụ mẹ ra đồng, khi cho heo ăn. Trước khi mẹ về, con đã nấu xong bữa cơm. Vậy mà mẹ vẫn không hài lòng. Mỗi lần xin tiền đóng học, mẹ lại la con. Mẹ bảo: “Con gái học làm chi cho lắm, ở nhà phụ mẹ việc nhà rồi lấy chồng là xong”.
Lên cấp 3, con thi vào trường huyện xa nhà, rồi con năn nỉ cậu mợ cho ở nhờ nhà cậu với lý do gần trường. Con xin đi làm thêm, lấy tiền phụ cậu mợ tiền chợ. Ngày hè, con cũng xin đi phụ quán cả ngày để khỏi về nhà. Ở nhà cậu mợ, con thấy yên ổn vì không bị chửi mắng. Nhưng mỗi lần chứng kiến cậu mợ ôm các em vào lòng, nói những lời âu yếm cũng khiến con tủi thân. Có lần con nghe mợ nói với cậu: “Con bé ngoan thế mà sao mẹ nó ghét nó đến vậy?”, khiến nước mắt con trào ra.
Rồi con vào đại học. Con vừa học vừa làm để tự nuôi bản thân. Chỉ ngày giỗ ba là con về nhà. Lúc đó, mẹ vẫn nói những lời cay nghiệt nhưng con chỉ im lặng. Về đến ký túc xá, con lại khóc nức nở bởi cảm giác như trái tim bị bóp nghẹt. Con tự nhủ tại ba mất sớm, mẹ nhọc nhằn với 5 miệng ăn nên mẹ khó tính. Nhưng mẹ ơi, con đã cố gắng hết sức. Tại sao mẹ vẫn không yêu con?
Con lập gia đình, may mắn là chồng và ba mẹ chồng rất yêu quý con. Rồi con làm mẹ của hai đứa trẻ. Con đã nhờ chồng thuê người giúp chăm sóc các bé, vì con không thể đối mặt với mẹ, không muốn thêm tổn thương nữa. Con hầu như không về quê, lấy lý do bận công việc, bận chăm sóc các cháu. Hai bé lớn và ngoan ngoãn, dễ thương, nhưng có lẽ những dư âm ngày xưa khiến con nhiều lúc không kiềm chế được cơn nóng giận. Mỗi khi không hài lòng chuyện gì, con lại hét lên, đánh chửi các bé, nặng lời với các con của con. Rồi các bé khóc, con cũng bật khóc vì cảm thấy có lỗi và bất lực.
May mắn cho con, chồng con là người điềm đạm, hiểu chuyện. Anh đã trò chuyện với con một cách thẳng thắn. Anh nói anh không đồng tình với những câu chửi mắng cay nghiệt của mẹ, nhưng em hãy thương mẹ. Mẹ đã quá vất vả để nuôi cả gia đình. Anh bảo: “Em hãy thử đặt mình vào vị trí của người mẹ, nếu không có sự chia sẻ của em, thì mẹ phải gồng gánh thế nào”. Con chợt nhớ đến những lần con đạp xe đi học về, gió thổi ngược khiến quãng đường về sao mà xa quá. Vậy mà mẹ phải thồ những bao gạo, tải bắp, trái cây… đạp xe ngược gió hàng chục cây số, để có tiền nuôi chúng con. Và có lẽ, chính vì được rèn giũa trong môi trường như vậy, con cứng cáp hơn, tự xây dựng bản lĩnh cho mình, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống dễ dàng hơn.
Sau những ngày suy nghĩ, con nói với chồng thu xếp để cả nhà về quê ăn Tết với nhà ngoại. Chồng con vui lắm, anh bảo con đã làm đúng. Đừng để mẹ thui thủi một mình khi các con đều đã đi làm ăn xa. Tối nay, ôm hai đứa con bé bỏng vào lòng, con thấy trái tim ấm áp khi hai bé vòng tay ôm mẹ thật chặt và nói: “Con yêu mẹ”. Con muốn ngàn lần xin lỗi vì đã làm tổn thương các bé. Con đã và đang sửa chữa, con tự học cách kiềm chế cơn nóng giận hơn, ở bên, vui đùa với các bé nhiều hơn, và tự tâm hồn của con và các bé xích lại gần nhau hơn.
Mẹ ạ, khi hận một người, thực sự con thấy rất mỏi mệt, nhất là khi đó là người sinh thành ra mình. Con đã đeo tảng đá nặng trĩu suốt 37 năm, giờ con quyết định gỡ tảng đá ấy khỏi cổ của mình. Con tự nhủ con cần biết ơn mẹ, vì mẹ đã sinh ra con trong cuộc đời này. Con sẽ nói với mẹ rằng: “Mẹ ạ, con không còn giận nữa”.
THẢO NGUYÊN